Hơn 15.000 người thiệt mạng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận hoạt động cứu hộ ban đầu trục trặc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Tư (8/2), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thừa nhận rằng, có vấn đề trong phản ứng ban đầu của chính phủ khi trận động đất xảy ra, trong bối cảnh những người sống sót phẫn nộ và thất vọng vì sự chậm trễ của các đội cứu hộ, theo tờ Reuters.

Ngày 8/2 (giờ địa phương), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có chuyến thị sát đến các khu vực chịu ảnh hưởng sau trận động đất. Ông khẳng định rằng các hoạt động cứu hộ vẫn đang tiếp tục và cam kết sẽ không để ai sống trong cảnh không có nhà cửa.

Theo số liệu thống kê của đài CNN tính đến thời điểm này, số người thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng vừa qua ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria đã vượt quá 15.000 người.

Lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm những người sống sót. Tuy nhiên, nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ đã phàn nàn về việc lực lượng cứu hộ thiếu thiết bị, chuyên môn và hỗ trợ để giải cứu những người bị mắc kẹt, ngay cả khi họ có thể nghe thấy tiếng kêu cứu.

Những cảnh tượng và lời phàn nàn tương tự cũng diễn ra ở nước láng giềng Syria. Phía bắc nước này cũng bị hư hại nặng nề bởi trận động đất lớn hôm thứ Hai (6/2), theo hãng tin Reuters.

Trong khi đó, Đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc cùng ngày thừa nhận rằng chính phủ nước này "thiếu năng lực và thiếu thiết bị" khi giải cứu nạn nhân động đất. Ông cho rằng điều này xảy ra là do cuộc nội chiến kéo dài hơn một thập kỷ và các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Số người thiệt mạng ở cả hai quốc gia dự kiến sẽ còn tăng lên do trận động đất xảy ra vào sáng sớm và hàng trăm tòa nhà đổ sập ở nhiều thành phố có khả năng đã vùi lấp những người dân đang ngủ trong nhà.

Tại thành phố Antakya của Thổ Nhĩ Kỳ, có hàng chục thi thể được xếp trên mặt đất bên ngoài một bệnh viện. Một số được phủ chăn và ga trải giường, số khác được đựng trong túi chứa thi thể.

Nhiều người trong vùng thảm họa đã phải đắp chăn ngủ trong ô tô hoặc trên đường phố trong cái lạnh giá, họ sợ hãi và không muốn quay trở lại các tòa nhà vừa bị rung chuyển bởi hai trận động đất hôm 6/2. Cơn địa chấn đầu tiên trong ngày hôm đó - mạnh 7,8 độ Richter - là trận động đất kinh hoàng nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1999.

Trên khắp miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, những người sống sót đang tìm kiếm nơi trú ẩn tạm thời và thức ăn trong thời tiết mùa đông lạnh giá. Họ chờ đợi trong đau khổ bên những đống đổ nát nơi gia đình và bạn bè của họ có thể vẫn còn bị chôn vùi.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết khoảng 13,5 triệu người đã bị ảnh hưởng trong một khu vực rộng lớn khoảng 450 km (280 dặm), trải dài từ Adana ở phía tây đến Diyarbakir ở phía đông. Ở thành phố Hama của Syria, nơi cách tâm chấn 250 km về phía nam, giới chức cũng ghi nhận có người thiệt mạng do ảnh hưởng của trận động đất.

Truyền thông nhà nước Syria đưa tin, hơn 298.000 người đã trở thành vô gia cư hậu thảm họa và chính quyền đã thiết lập 180 nơi trú ẩn dành cho người di tản.

Nhân viên cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân trong đống đổ nát tại hiện trường một tòa nhà bị sập vào ngày 07/2/2023 ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Burak Kara/Getty Images)

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 10 tỉnh.

Phát biểu với các phóng viên khi đang có mặt tại Kahramanmaras để thị sát mức độ thiệt hại và công tác ứng phó động đất, ông nói rằng đã có vấn đề với đường xá và sân bay nhưng "hôm nay chúng tôi đã tốt hơn".

"Chúng tôi sẽ tốt hơn vào ngày mai và sau này. Chúng tôi vẫn còn một số vấn đề về nhiên liệu... nhưng chúng tôi cũng sẽ khắc phục những vấn đề đó", ông Erdogan nói.

Sau đó, ông đã lên án những lời chỉ trích về phản ứng của chính phủ.

"Đây là thời điểm cần đoàn kết, thống nhất. Trong thời điểm như thế này, tôi không thể để bụng đến những người tiến hành các chiến dịch tiêu cực vì lợi ích chính trị", ông Erdogan nói với các phóng viên khi đến tỉnh Hatay ở miền nam nước này.

Tuy nhiên, thảm họa này cũng sẽ đặt ra một thách thức đối với ông Erdogan trong cuộc bầu cử vào tháng 5 tới. Đây được coi là cuộc tranh cử khó khăn nhất trong hai thập kỷ cầm quyền của ông.

Lam Giang tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Hơn 15.000 người thiệt mạng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận hoạt động cứu hộ ban đầu trục trặc