Hơn 1700 công ty Nhật tại Trung Quốc đã nộp đơn xin trợ cấp để rời đi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong "Kế hoạch ứng phó kinh tế khẩn cấp" được chính phủ Nhật Bản công bố vào tháng Tư nhằm xử lý dịch bệnh, chính phủ nước này sẽ dành một khoản trợ cấp trị giá 2,2 tỷ USD cho các công ty Nhật Bản muốn rút khỏi Trung Quốc. Tính đến nay, con số tổng trong hai nhóm công ty Nhật Bản đăng ký chương trình trợ cấp này đã vượt hơn 1.700. Các nhà phân tích cho rằng nhiều quốc gia, bao gồm cả Nhật Bản, đều đã nhận ra rằng họ không thể dựa vào sản xuất của Trung Quốc.

Hiện tại, chính phủ Nhật Bản đã khởi động 2 đợt nộp đơn. Đợt đầu tiên có tổng cộng 90 công ty nộp đơn xin trợ cấp và chính phủ đã phê duyệt 57 dự án cho 87 công ty. Đợt nộp đơn thứ 2 đã được đóng vào cuối tháng Bảy và số lượng công ty nộp đơn đã tăng lên 1.670 công ty. Hiện các công ty này đều đang chờ xét duyệt. Nếu toàn bộ số công ty này được duyệt, tổng giá trị khoản trợ cấp sẽ lên tới 16,57 tỷ USD, gấp 11 lần ngân sách của chính phủ.

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do (RFA) hôm 14/9, một học giả tốt nghiệp Khoa Tài chính của Đại học Sơn Đông nói rằng dịch bệnh viêm phổi ở Vũ Hán đang hoành hành khắp thế giới. Nhiều chính phủ đã nhận ra rằng không thể đặt toàn bộ dây chuyền công nghiệp ở Trung Quốc và họ cần phải tái xây dựng chuỗi dây chuyền sản xuất tại nơi khác.

Ông cho biết, khi nhiều nước trên thế giới thấy Trung Quốc dùng khẩu trang làm “vũ khí” để uy hiếp chính trị, các nước này đều đưa ra chính sách cho phép các công ty của họ trở về nước.

Vào tháng Ba, khi dịch bệnh từ Trung Quốc lây lan ra khắp thế giới, ông Cảnh Sảng (Geng Shuang), phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã công khai tuyên bố rằng các quốc gia hay khu vực không hữu hảo với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ không được nhận khẩu trang từ Trung Quốc. Trong một bài xã luận, Tân Hoa Xã cho biết, “nếu Trung Quốc trả đũa Hoa Kỳ vào thời điểm này, ngoài việc công bố lệnh cấm du lịch đối với Hoa Kỳ, họ còn tuyên bố kiểm soát chiến lược các sản phẩm y tế và cấm xuất khẩu sang Hoa Kỳ, thì Hoa Kỳ sẽ bị chìm trong đại dương của virus viêm phổi Vũ Hán".

Sau đó, công ty 3M của Hoa Kỳ tiết lộ rằng ĐCSTQ không cho phép nhà máy sản xuất khẩu trang 3M ở Thượng Hải vận chuyển khẩu trang về Hoa Kỳ. Khi Pháp đặt hàng 1 tỷ khẩu trang từ Trung Quốc, ĐCSTQ yêu cầu chính quyền Paris phải trao đổi bằng giao dịch mạng 5G với Huawei.

Theo ông Trọng Đại Quân (Zhong Dajun), Giám đốc Công ty Tư vấn Kinh tế Bắc Kinh, một trong những lý do chính khiến dòng vốn nước ngoài rút khỏi Trung Quốc là “không kiếm được tiền”. Ông nói: "Nếu không thể kiếm tiền ở Trung Quốc, công ty sẽ phải rút lui. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, chưa nói đến các công ty Nhật Bản ở Trung Quốc, thậm chí [tình hình] các công ty địa phương của Trung Quốc trong năm nay cũng không khả quan gì. Vậy thì công ty Nhật Bản ở Trung Quốc sẽ thế nào? Chắc chắn cũng không hiệu quả. Nếu kiếm được tiền, chắc chắn sẽ không rời đi".

Ngay sau cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ, một số lượng lớn các công ty Nhật Bản đã rút hoặc rút một phần khỏi Trung Quốc, chẳng hạn như gã khổng lồ trong sản xuất máy ảnh và quang học Olympus, nhà sản xuất điện tử Omron và Nidec, Mitsubishi, Toshiba Machine, Iris Ohyama, công ty sản phẩm thể thao ASICS, Sharp, Panasonic, Nikon, Sony...

Các công ty đã nhận trợ cấp của chính phủ Nhật Bản và quyết định rút khỏi Trung Quốc bao gồm Alice Oyama, Sharp, nhà sản xuất dụng cụ quang học Hoya, nhà sản xuất lốp xe Sumitomo Rubber, Shin-Etsu Chemical và nhà sản xuất sản phẩm làm sạch và khử trùng Saraya, nhiều công ty liên quan tới sản phẩm y tế, cũng như các nhà sản xuất phụ tùng máy bay, phụ tùng ô tô, phân bón và các sản phẩm giấy.

Các nhà phân tích cho rằng dịch viêm phổi Vũ Hán lây lan ra thế giới đã gây thiệt hại nặng nề cho các nước phương Tây như Châu Âu và Mỹ. Tất cả các nước đều nhận thức được tầm quan trọng của các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng thấp này đối với đất nước; vì vậy chính phủ Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước khác khuyến khích các công ty của họ rút khỏi Trung Quốc và thoát khỏi sự phụ thuộc vào các ngành sản xuất của Trung Quốc.

Gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã mở rộng phạm vi trợ cấp, ban đầu dự kiến ​​trợ cấp cho các công ty quay trở lại Nhật Bản và các nước Đông Nam Á, nay đã mở rộng thêm Ấn Độ và Bangladesh. Chính phủ Ấn Độ tuyên bố rằng, ngành công nghiệp Công nghệ thông tin (IT) và các dịch vụ dựa trên IT (ITES), các ngành công nghiệp hóa chất và chế biến thực phẩm sẽ được hưởng lợi từ điều này.

Minh Thanh

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Hơn 1700 công ty Nhật tại Trung Quốc đã nộp đơn xin trợ cấp để rời đi