Hơn 40 nước ra tuyên bố chung, bày tỏ lo ngại về nhân quyền ở Tân Cương, Hong Kong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 22/6, hơn 40 quốc gia do Canada đứng đầu đã đưa ra một bản tuyên bố chung tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các hành vi đàn áp nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Tân Cương, Hong Kong và Tây Tạng. Biết tin bản tuyên bố chung này sắp được công bố, ĐCSTQ cũng sớm bịa ra một “tuyên bố chung” khác để phản công.

AFP đưa tin rằng, tuyên bố chung của các nước dân chủ này đã được chuẩn bị trong vài ngày và được công bố vào ngày thứ hai của Kỳ họp thứ 47 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc có trụ sở tại Geneva, Thuỵ Sĩ.

Đại sứ Canada Leslie Norton, cho biết: “Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng nhân quyền ở Khu tự trị Tân Cương”.

Tuyên bố nêu rõ, Bắc Kinh phải cho phép bà Michelle Bachelet, Lãnh đạo Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và các quan sát viên độc lập khác "vào Tân Cương ngay lập tức, có ý nghĩa và không chịu hạn chế", đồng thời yêu cầu ĐCSTQ chấm dứt việc “giam giữ tùy tiện" đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác.

"Theo các báo cáo đáng tin cậy, hơn một triệu người ở Tân Cương đã bị giam giữ một cách tùy tiện, (ĐCSTQ) tiến hành giám sát trên diện rộng đối với người Duy Ngô Nhĩ và người của các dân tộc thiểu số khác một cách không tương xứng, đồng thời hạn chế quyền tự do và văn hóa cơ bản của người Duy Ngô Nhĩ”.

Tuyên bố trích dẫn báo cáo đề cập đến các nội dung như việc ĐCSTQ tiến hành trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, cưỡng bức triệt sản, bạo lực tình dục, v.v. đối với người Duy Ngô Nhĩ hoặc buộc trẻ em phải tách khỏi cha mẹ của chúng.

Tuyên bố chung còn chỉ trích việc ĐCSTQ thực thi "Luật An ninh Quốc gia Hong Kong" ở Hong Kong. "Chúng tôi tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự suy thoái quyền tự do cơ bản ở Hong Kong và tình trạng nhân quyền ở Tây Tạng”.

Tuyên bố này đã nhận được sự ủng hộ của hơn 40 quốc gia bao gồm Úc, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Mỹ, v.v.

Động thái này được đưa ra sau chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hiện tại, Khối G7 và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang đoàn kết để cùng chống lại Bắc Kinh và coi ĐCSTQ là thách thức lớn nhất của thế giới.

Agnes Callamard, Tổng thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) cho biết, tuyên bố này đã "gửi một thông điệp quan trọng tới chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) rằng, họ không thể vượt qua sự giám sát của quốc tế". Bà Callamard nói, “các nước phải có những hành động cụ thể thay vì nói suông”.

Sau khi biết tin bản tuyên bố chung của các nước dân chủ sắp được công bố, ĐCSTQ đã nhanh chóng “bịa đặt” ra trước một "tuyên bố chung" lên án Canada, rằng họ "quan ngại sâu sắc về việc Canada vi phạm nghiêm trọng nhân quyền của người bản xứ".

Các nước ký kết "tuyên bố chung" do ĐCSTQ khởi xướng bao gồm: Belarus, Iran, Triều Tiên, Nga, Sri Lanka, Syria, Venezuela, v.v.

Mai Hạ

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Hơn 40 nước ra tuyên bố chung, bày tỏ lo ngại về nhân quyền ở Tân Cương, Hong Kong