Hơn 900 nhà chính trị đến từ 35 quốc gia đã lên án cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCS Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền hàng năm - ngày 10/12, người phụ trách của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp ở New York cho biết, đã có 920 vị chính trị gia quan trọng thuộc các đảng phái khác nhau đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham gia vào Phong trào ký vào tuyên bố chung, nhằm lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì bức hại môn tu luyện Pháp Luân Công và kêu gọi ĐCSTQ phải chấm dứt cuộc bức hại này ngay lập tức.

Phát động Phong trào ký vào tuyên bố chung

Ngày 20/7 năm nay đánh dấu kỷ niệm 21 năm ngày tập đoàn Giang Trạch Dân cùng ĐCSTQ sử dụng bộ máy nhà nước để bức hại môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Các học viên Pháp Luân Công trên khắp thế giới vẫn đang tiếp tục nói với người dân thế giới sự thật về môn tu luyện ôn hoà này. Nhân dịp kỷ niệm 21 năm phản bức hại, hai nghị sĩ quốc hội thâm niên của Canada gồm ông Peter Kent, ông Judy Sgro và nghị sĩ quốc hội Thụy Điển Ann-Sofie Alm đã cùng phát động Phong trào ký vào tuyên bố chung, kêu gọi các chính trị gia quan trọng của nhiều nước ký vào một bản tuyên bố chung, yêu cầu ĐCSTQ phải chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công ngay lập tức.

Tuyên bố này chỉ ra rằng: "Cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc là cuộc bức hại tàn khốc nhất hiện nay (mà nhân loại từng chứng kiến) đối với một nhóm tín ngưỡng”.

Kể từ tháng 7/1999 đến nay, hàng triệu học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã bị bắt và bỏ tù một cách tùy tiện ở Trung Quốc mà không qua bất kỳ thủ tục pháp lý thích đáng nào, rất nhiều người đã bị tra tấn dã man, thậm chí là bị giết hại.

Tuyên bố này thúc giục "Chính quyền ĐCSTQ nên tôn trọng các chuẩn mực quốc tế và ‘Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR)’ mà nước này đã ký, chấm dứt cuộc bức hại đối với nhóm người tu luyện Pháp Luân Công ngay lập tức và trả tự do một cách vô điều kiện cho tất cả các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác đang bị bắt giữ”.

Người phụ trách của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp ở New York cho biết, tính đến trưa ngày 10/12 (theo giờ miền Đông nước Úc), đã có 920 vị chính trị gia quan trọng thuộc các đảng phái khác nhau đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông, châu Á - Thái Bình Dương và châu Mỹ Latinh, họ đều là các Bộ trưởng, Thượng nghị sĩ, nghị sĩ Quốc hội đương nhiệm hoặc tiền nhiệm đã cùng tham gia vào Phong trào ký vào tuyên bố chung này.

35 quốc gia bao gồm: Anh, Canada, Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Ý, Đan Mạch, Ireland, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Bỉ, Áo, Na Uy, Phần Lan, Argentina, Chile, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Cộng hòa Slovakia, Romania , Estonia, Israel, Hungary, Latvia, Litva, Tây Ban Nha, Venezuela, Đảo Síp, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hong Kong, Đài Loan và Indonesia.

Khi ký vào tuyên bố chung, ông Hans van Baalen - Chủ tịch danh dự của Đảng Tự do Quốc tế Hà Lan cho biết, ông luôn quan tâm và lên án cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với các dân tộc thiểu số, nhóm tôn giáo, nhà hoạt động nhân quyền, người bất đồng chính kiến ​​và các học viên Pháp Luân Công. Ông Baalen nói: "Chỉ có nhân quyền và dân chủ mới có thể đem lại sự thịnh vượng, hòa bình và ổn định cho Trung Quốc. Pháp Luân Công là một môn tu luyện tinh thần ôn hoà, và họ có thể góp phần vào sự thịnh vượng, hòa bình và ổn định của Trung Quốc".

Nghị sĩ quốc hội Anh Tommy Sheppard cho biết: "Kể từ năm 1999 đến nay, chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn cố gắng xóa sổ những người có tín ngưỡng tinh thần, và các học viên Pháp Luân Công đã bị chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp rất dã man”.

Ông Sheppard cho rằng, tất cả mọi người đều nên được hưởng quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo, và ĐCSTQ phải tôn trọng quyền này. Ông Sheppard nói: "Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới. Cộng đồng quốc tế phải truy cứu trách nhiệm đối với các chính phủ vi phạm nhân quyền, họ sẽ phải đối mặt với các đòn phản kích của cộng đồng quốc tế”.

Khi ký vào tuyên bố chung, ông Peter Kent - Cựu Bộ trưởng Bộ Môi trường và là nghị sĩ thâm niên đương nhiệm của quốc hội Canada, cũng là một trong những người khởi xướng Phong trào ký vào tuyên bố chung, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cần “lên án mạnh mẽ và công khai hơn nữa đối với các hành vi vi phạm quyền cơ bản của con người của ĐCSTQ - điều mà hiện vẫn đang tiếp diễn”.

Ông Peter Kent, cựu Bộ trưởng liên bang của Canada, nghị sĩ thâm niên của Quốc hội và là Chủ tịch Tổ chức những người bạn của Pháp Luân Công trong Quốc hội Canada, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án việc ĐCSTQ tiếp tục vi phạm các quyền cơ bản của con người một cách mạnh mẽ và công khai hơn. (Ảnh từ Minghui Net)
Ông Peter Kent, cựu Bộ trưởng liên bang của Canada, nghị sĩ thâm niên của Quốc hội và là Chủ tịch Tổ chức những người bạn của Pháp Luân Công trong Quốc hội Canada, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án việc ĐCSTQ tiếp tục vi phạm các quyền cơ bản của con người một cách mạnh mẽ và công khai hơn. (Ảnh từ Minghui Net)

Ông Kent nói: "Chúng ta phải tiếp tục nỗ lực và hướng đến ngày mà sự tôn trọng pháp quyền, tự do ngôn luận, tự do hội họp và tín ngưỡng tôn giáo được thực hiện ở Trung Quốc; mong chờ đến ngày mà các học viên Pháp Luân Công có thể tự do hô vang ‘Chân - Thiện - Nhẫn’ ở Quảng trường Thiên An Môn".

Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và Úc đang hành động để bảo vệ nhân quyền

Nhân Ngày Nhân quyền Quốc tế, vào ngày 7/12, 27 quốc gia trong Liên minh Châu Âu (EU) đã thông qua Đạo luật Magnitsky phiên bản châu Âu, xác nhận việc thiết lập một cơ chế bảo vệ nhân quyền toàn cầu và áp đặt lệnh trừng phạt nhắm vào các thực thể và cá nhân xâm phạm nhân quyền.

Cùng ngày, Ủy hội Châu Âu (Council of Europe) ra tuyên bố cho biết, đây là lần đầu tiên EU thiết lập cơ chế trừng phạt đối với những người vi phạm nhân quyền. Tuyên bố chỉ ra rằng việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền là cơ sở và ưu tiên trong các hành động đối ngoại của EU. Việc thông qua dự luật này phản ánh quyết tâm của EU trong việc giải quyết các vi phạm và lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng.

Ngày 7/12, nghị sĩ Úc Kevin Andrews, Chủ tịch Nhóm Nhân quyền thuộc Ủy ban Hỗn hợp về Ngoại giao, Quốc phòng và Thương mại Úc đã đệ trình báo cáo điều tra lên chính phủ Úc, đề nghị nước này ban hành "Đạo luật Magnitsky" tương tự như Hoa Kỳ, để tiến hành trừng phạt về thị thực và tài sản đối với những kẻ vi phạm nhân quyền và tham nhũng.

Ông Kevin Andrews - Chủ tịch Nhóm Nhân quyền của Ủy ban Hỗn hợp về Ngoại giao, Quốc phòng và Thương mại Úc đề nghị Úc áp dụng một "Đạo luật Magnitsky" tương tự của Mỹ nhằm trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền. (Ảnh từ Lisa Maree Williams / Getty)
Ông Kevin Andrews - Chủ tịch Nhóm Nhân quyền của Ủy ban Hỗn hợp về Ngoại giao, Quốc phòng và Thương mại Úc đề nghị Úc áp dụng một "Đạo luật Magnitsky" tương tự của Mỹ nhằm trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền. (Ảnh từ Lisa Maree Williams / Getty)

Ông Andrews nói rằng những khuyến nghị này sẽ giúp Úc tăng cường cam kết bảo vệ nhân quyền của người dân trên thế giới.

Ông cho rằng việc trừng phạt có mục tiêu theo kiểu Đạo luật Magnitsky sẽ giúp Úc bắt kịp với thế giới trong việc tiến hành trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền và các quan chức tham nhũng.

Vào ngày 7/12, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng đã có hành động. Theo Sắc lệnh Hành pháp số 13936 do Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký, Bộ Tài chính đã công bố trừng phạt 14 Phó Ủy viên trưởng của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 13 của ĐCSTQ vì xâm phạm nhân quyền và gây tổn hại đến quyền tự trị của Hong Kong.

Vào cuối tháng Sáu năm nay, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc ĐCSTQ đã cưỡng chế thông qua Luật An ninh Quốc gia Hong Kong, cho phép chính quyền Hong Kong thực hiện các chính sách đàn áp những người bất đồng chính kiến ​​và phá hoại quyền tự trị của Hong Kong, quyền tự do của người dân Hong Kong cũng bị thắt chặt hơn nữa.

Các biện pháp trừng phạt mà Bộ Tài chính Mỹ đưa ra bao gồm đóng băng tài sản và trừng phạt tài chính. Vào tháng Tám năm nay, chính quyền Tổng thống Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trưởng Đặc khu Hong Kong là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cùng 10 quan chức cấp cao khác. Cách đây không lâu, bà Carrie Lam cho biết sau khi bị Mỹ xử phạt, không có ngân hàng nào dám mở tài khoản cho bà, giờ bà buộc phải tiêu tiền mặt hàng ngày, thậm chí lương của bà cũng được trả bằng tiền mặt và chất thành đống trong nhà.

Ngọc Trân & Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Hơn 900 nhà chính trị đến từ 35 quốc gia đã lên án cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCS Trung Quốc