Hong Kong bắt đầu kỷ nguyên cảnh sát cai trị thành phố

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hong Kong vừa bổ nhiệm hai quan chức cảnh sát cấp cao vào vị trí Chánh văn phòng và Cục trưởng An ninh của đặc khu. Cả hai đều đàn áp thô bạo những người biểu tình trong phong trào chống dẫn độ. Nhà bình luận về các vấn đề thời sự của Hong Kong - ông Tiêu Nhược Nguyên (Stephen Shiu) phân tích rằng, Bắc Kinh đang thực hiện chế độ cảnh sát cai trị Hong Kong; việc bổ nhiệm chức Chánh văn phòng vào thời điểm này là để chuẩn bị cho việc thay thế vị trí Đặc khu trưởng vào năm tới.

Hôm qua (25/6), Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã tuyên bố bãi nhiệm Chánh văn phòng Trương Kiến Tông (Matthew Cheung Kin-chung), và bổ nhiệm Cục trưởng An ninh Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu) vào vị trí này. Như vậy, ông Lý đã trở thành người nắm quyền số 2 trong Chính phủ Hong Kong, chỉ sau bà Lâm. Còn chức vụ Cục trưởng An ninh do Ủy viên Cảnh sát Hong Kong Đặng Bính Cường (Chris Tang Ping-keung) đảm nhiệm.

Ông Lý Gia Siêu (trái: Public Domain) và ông Đặng Bính Cường (phải: Trang thông tin Chính phủ Hong Kong)
Ông Lý Gia Siêu (trái: Public Domain) và ông Đặng Bính Cường (phải: Trang thông tin Chính phủ Hong Kong)

Trước đó, có thông tin rằng sau ngày 1/7 năm nay, Cục trưởng Hiến pháp và Đại lục Tăng Quốc Vĩ (Erick Tsang Kwok-wai) hoặc Cục trưởng Dân sự Nhiếp Đức Quyền (Patrick Nip Tak-kuen) có cơ hội trở thành Chánh văn phòng.

Nhà phân tích Tiêu Nhược Nguyên chỉ ra rằng, ông Nhiếp Đức Quyền là thân tín của bà Lâm, trước đây ông ta từng là Cục trưởng Cục Hiến pháp và Đại lục, sau đó được bà Lâm chuyển sang làm Cục trưởng Dân sự và có hai “đóng góp” lớn. Một là thúc đẩy toàn bộ nhân viên công vụ Hong Kong tuyên thệ trung thành với Bắc Kinh; hai là thay Cục trưởng Y tế và Thực phẩm Trần Triệu Thủy (Sophia Chan Siu-chee) mở rộng tiêm phòng cho toàn đặc khu. Ông Tiêu cho rằng, bà Lâm đã mở đường cho ông Nhiếp trở thành Chánh văn phòng, nhưng Bắc Kinh cuối cùng đã chọn ông Lý Gia Siêu.

Bắc Kinh không còn tin tưởng các quan chức hành chính

Theo cơ cấu chính quyền Hong Kong thì Chánh văn phòng giám sát 9 cục, chịu trách nhiệm chính về an ninh, giáo dục, môi trường, y tế, thực phẩm, v.v. Ông Lý Gia Siêu là Chánh văn phòng duy nhất xuất thân từ lực lượng cảnh sát. Ông cũng là một trong số ít người không phải là AO (Administrative Officer, tức là quan chức hành chính). Nhà phân tích nói rằng, điều này có nghĩa là Bắc Kinh không còn tin tưởng các quan chức hành chính.

Ông Tiêu giải thích, trước khi có thể trở thành một quan chức cấp cao, các quan chức hành chính Hong Kong phải được đào tạo trong một khoảng thời gian ở mọi ban ngành. Trước kia, các quan chức hành chính đều là những người ưu tú, những sinh viên tài năng tốt nghiệp hạng nhất hoặc hạng nhì của Đại học Hong Kong. Ông nói, "làm AO, phải đào tạo từ mười mấy đến 20 năm và đã làm việc ở tất cả các phòng ban", sau đó họ sẽ được giao cho các nhiệm vụ quan trọng. AO là cái nôi cho vị trí Đặc khu trưởng, kiểm soát quyền lực hành chính của Hong Kong và chịu trách nhiệm hoạch định các chính sách. Còn dưới AO là EO (Executive Officer), người chịu trách nhiệm thực hiện chính sách.

Ông Tiêu cho rằng các EO có thể sẽ không coi trọng ông Lý Gia Siêu - người xuất thân từ lực lượng cảnh sát. Vì AO luôn là tinh anh của xã hội, còn ông Lý chỉ là một cảnh sát mới tốt nghiệp cấp hai. Ông tiếp tục phân tích và chỉ ra rằng, việc điều chuyển nhân sự này làm nổi bật ý định của Bắc Kinh.

Chánh văn phòng trở thành Đặc khu trưởng là một quy định bất thành văn

Theo truyền thống, Chánh văn phòng sẽ là người kế nhiệm Đặc khu trưởng Hong Kong. Ví dụ, bà Lâm là Chánh văn phòng trong thời ông Lương Chấn Anh. Năm đó, người tranh vị trí Đặc khu trưởng với ông Lương Chấn Anh cũng là Chánh văn phòng Đường Anh Niên. Ông Tăng Âm Quyền cũng là Chánh văn phòng dưới thời Đặc khu trưởng Đổng Kiến Hoa.

Cảnh sát Hong Kong còn trên cả Chánh văn phòng?

Ông Trương Kiến Tông, người vừa bị cách chức Chánh văn phòng, năm nay 70 tuổi và đã đảm nhận chức vụ này từ năm 2017. Trong giai đoạn diễn ra phong trào chống dẫn độ và vụ tấn công ngày 21/7 ở Nguyên Lãng năm 2019, các thành viên băng đảng xã hội đen tấn công công dân một cách bừa bãi. Cảnh sát bị buộc tội không hành động, dung túng, và cấu kết với xã hội đen.

Sau sự việc ngày 21/7, với tư cách là Chánh văn phòng, ông Trương đã thay mặt cảnh sát xin lỗi công chúng. Sau đó, ông bị Hội sĩ quan cảnh sát cơ sở (Junior Police Officers' Association) lên án và yêu cầu xin lỗi cảnh sát. Một hiệp hội cảnh sát nhỏ bé lại dám công kích Chánh văn phòng - người đứng đầu cả trăm quan chức khác. Ông Tiêu chỉ ra rằng, nếu là trước kia thì họ sẽ bị sa thải ngay lập tức, nhưng tại sao sau khi công khai lên án họ vẫn bình yên vô sự? Vụ việc này phản ánh rằng sức mạnh của cảnh sát đã được phóng đại vô hạn và "bao trùm mọi thứ".

Kỷ nguyên cảnh sát cai trị Hong Kong đang đến

Đặc khu trưởng đầu tiên của Hong Kong là ông Đổng Kiến Hoa, là một doanh nhân. Bởi vì Hong Kong là một xã hội thiên về thương mại, nên vào thời điểm đó, Bắc Kinh đã áp dụng hình thức “doanh nhân cai trị Hong Kong”.

Nhà phân tích Tiêu Nhược Nguyên chỉ ra rằng, sau khi hình thức này thất bại, Bắc Kinh lại bổ nhiệm AO cai trị Hong Kong và chỉ định ông Tăng Âm Quyền vào vị trí Đặc khu trưởng.

“AO cai trị Hong Kong cũng không tệ, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho rằng ‘Thiên hạ là của chúng ta, cớ sao lại để tàn dư của Hong Kong thuộc Anh cai trị, thế nên cử Lương Chấn Anh tới thách thức hệ thống, kết quả là ông ta đã thắng".

Sau đó, Hong Kong bị người của ĐCSTQ ở Hong Kong cai trị, điều này "khiến trời nổi giận, dân bất bình". Sau khi ông Lương Chấn Anh rời nhiệm sở, Hong Kong quay trở lại thời kỳ AO cai trị, và sự thất bại trong quản trị của bà Lâm thì mọi người đều thấy rõ.

Lực lượng duy trì kỷ luật ở Hong Kong do Bắc Kinh kiểm soát

Nhà phân tích này chỉ ra rằng, AO là quan chức được đào tạo trong thời kỳ Hong Kong thuộc Anh, nên cũng sẽ hành động theo phong cách của chính quyền thực dân, tức là làm gì cũng phải “phải có trình tự, có đạo lý”. Vậy nên họ sẽ không đủ nhanh, không đủ triệt để trong khi thực hiện các mệnh lệnh của Bắc Kinh. Còn ĐCSTQ dựa vào "con dao" để nắm quyền. Sau năm 1997, bộ phận đầu tiên ĐCSTQ muốn kiểm soát chính là Sở Di trú Hong Kong, cảnh sát và các lực lượng duy trì kỷ luật khác. Hơn 20 năm nay, nhân viên ở các bộ phận này đều phải đến Bắc Kinh huấn luyện, và nhiều người trong số họ đã trở thành đảng viên.

Ông tiếp tục chỉ ra rằng, 30.000 cảnh sát và 70.000 nhân viên kỷ luật ở Hong Kong là những người được ĐCSTQ tin tưởng. "Nhóm người này đã bị thâm nhập từ khi Hong Kong được trả về Trung Quốc cho tới nay và đã bị ĐCSTQ kiểm soát triệt để". Những người này không có có quan hệ gì với AO, “họ là những người hăng hái nhất, Bắc Kinh bảo làm gì thì làm đó”, "sứ mệnh nhất định phải hoàn thành".

Tại sao Lý và Đặng được thăng chức trước ngày 1/7?

Ngày 1/7 sắp tới là ngày kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Tiêu phân tích rằng, một trong những lý do khiến ông Lý Gia Siêu và Đặng Bính Cường được thăng chức nhanh chóng như vậy là vì đã buộc được Apple Daily ngừng hoạt động trước ngày 1/7, "loại bỏ được hiểm họa từ bên trong, lập được công lớn”. Ngoài ra, hai người này còn “kiên quyết đứng về phía chính quyền trung ương và kiên quyết thực hiện Luật An ninh Quốc gia” trong việc đàn áp phong trào dân chủ.

Còn về lý do tại sao lại bổ nhiệm trước ngày 1/7? Ông Tiêu nói, các quan chức chính quyền Hong Kong sẽ tới Bắc Kinh vào ngày 28/6, "Chỉ cần Tập Cận Bình bắt được tay Lý Gia Siêu và nói vài câu, Lý sẽ trở thành Đặc khu trưởng tiếp theo". Làm vậy để "tạo ra thanh thế và đợi mọi người hiểu rõ ý đồ đưa Lý Gia Siêu lên làm Đặc khu trưởng của ĐCSTQ”.

Điều 23 là gì?

Ông Tiêu cho rằng, dưới sự điều hành của ông Lý Gia Siêu, Điều 23 sẽ sớm được ban hành. Còn bà Lâm và ông Lương Chấn Anh sẽ không còn cơ hội tái nhiệm.

Điều 23 là một điều trong "Luật Cơ bản" của Hong Kong. Nó tuyên bố rằng, Hong Kong "sẽ tự ban hành luật để nghiêm cấm mọi hành động phản quốc, ly khai, dụ dỗ, lật đổ Chính phủ Nhân dân Trung ương, hoặc đánh cắp bí mật nhà nước, để cấm các tổ chức hoặc cơ quan chính trị nước ngoài tiến hành các hoạt động chính trị trong Đặc khu, và cấm các tổ chức hoặc cơ quan chính trị của Đặc khu thiết lập quan hệ với các tổ chức hoặc cơ quan chính trị nước ngoài".

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Hong Kong bắt đầu kỷ nguyên cảnh sát cai trị thành phố