Họp Hội đồng Nga-NATO: Nga tiếp tục gây sức ép

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một phái đoàn Nga đã gặp các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels vào ngày 12/1 để thảo luận về vấn đề an ninh trong bối cảnh phương Tây quan ngại rằng, Moscow có thể đang lên kế hoạch xâm lược Ukraine.

Thứ Tư (12/1), tại Brussels, Mỹ và NATO đã bác bỏ các yêu cầu an ninh quan trọng của Nga nhằm xoa dịu căng thẳng đối với Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ và NATO vấn để ngỏ khả năng đàm phán trong tương lai với Moscow về các vấn đề kiểm soát vũ khí, triển khai tên lửa và cách ngăn chặn các sự cố quân sự giữa Nga và phương Tây, theo AP đưa tin.

Cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Nga-NATO (RNC) kể từ tháng 7/2019 đã kết thúc với kết luận rằng, tồn tại những bất đồng đáng kể giữa NATO và Nga. Những bất đồng này “khó có thể nhượng bộ”.

Theo The Epoch Times, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko tại trụ sở đồng minh cho cuộc hội đàm cấp cao. Người đứng đầu liên minh cho biết "đó là một dấu hiệu tích cực" cho thấy 30 thành viên NATO và Nga đã ngồi cùng bàn và tham gia vào các chủ đề quan trọng, mặc dù có lẽ sẽ cần phải tiếp tục đối thoại trong tương lai.

Ông nói với các phóng viên tại Brussels: “Các đồng minh NATO sẵn sàng gặp lại Nga để thảo luận chi tiết hơn, đưa ra các đề xuất cụ thể và tìm kiếm các kết quả mang tính xây dựng.

Các thành viên của liên minh cho biết họ sẽ coi cuộc đàm phán ngày 12/1 là một thành công nếu Nga đồng ý tiếp tục đàm phán.

NATO sẵn sàng đàm phán với Moscow về việc tăng cường cởi mở xung quanh các cuộc tập trận quân sự để tránh đụng độ ngẫu nhiên có thể châm ngòi cho xung đột, cũng như kiểm soát vũ khí liên quan đến tên lửa ở châu Âu.

Nhưng các đồng minh chỉ ra rằng nhiều yêu cầu của Nga, được đưa ra trong hai hiệp ước dự thảo vào tháng 12, là không thể chấp nhận được, bao gồm cả lời kêu gọi thu hẹp quy mô hoạt động của liên minh xuống mức những năm 1990 và hứa sẽ không kết nạp thêm thành viên mới.

Ngày 12/1, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman đã tái khẳng định rằng, bất kỳ quốc gia châu Âu nào cũng phải có quyền gia nhập NATO, bất chấp sự phản đối của Moscow.

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman được nhìn thấy trong Hội đồng NATO-Nga tại trụ sở của liên minh ở Brussels, vào ngày 12/1/2022. (Olivier Hoslet / Pool qua Epoch Times)

Bà Sherman nói trong một tuyên bố trên Twitter: “Tôi khẳng định lại các nguyên tắc cơ bản của hệ thống quốc tế và an ninh châu Âu: Mỗi quốc gia đều có quyền lựa chọn con đường riêng của mình.

Ngày 11/1, trước thềm cuộc họp Hội đồng Nga-NATO ngày 12/1, quân đội Nga thông báo rằng, họ đã tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật với sự tham gia của 3.000 binh sĩ và 300 xe bọc thép gần biên giới Ukraine.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng hoạt động, được tổ chức trên một số khu vực của Nga giáp Ukraine và một khu vực giáp với Belarus, không liên quan đến cuộc họp Hội đồng Nga-NATO.

“Chúng tôi không đàm phán từ một vị thế có sức mạnh; ông Peskov nói ở Moscow khi các cuộc đàm phán đang diễn ra ở Brussels.

Tuy nhiên, ông nói rằng an ninh toàn châu Âu đang ở một thời điểm quan trọng và phương Tây cần phải đáp ứng những quan ngại của Nga về các hoạt động của NATO tại các quốc gia cộng sản trước đây mà họ coi là sân sau của mình.

Đầu tuần này, các nhà đàm phán của Mỹ và Nga đã tiến hành cuộc đàm phán đầu tiên trong số ba cuộc đàm phán quan trọng. Theo các quan chức ngoại giao cấp cao của cả hai bên, cuộc họp ngoại giao Mỹ-Nga ngày 10/1, với mục tiêu hạ nhiệt căng thẳng ở Ucraine, đã kết thúc mà không đạt được đột phá lớn nào.

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman, trái và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tham dự các cuộc đàm phán an ninh tại Phái bộ Hoa Kỳ ở Geneva, vào ngày 10/1/2022. (Denis Balibouse / Pool via Epoch Times)

Trong một cuộc họp báo vào ngày 10/1, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết: “Thật không may, nguyên tắc tiếp cận của chúng tôi đối với vấn đề này có sự khác biệt lớn. Ở một số khía cạnh, Mỹ và Nga có quan điểm trái ngược nhau về những gì cần phải làm”.

Bà Sherman nói các phóng viên trong một cuộc hội đàm qua điện thoại rằng, một số đảm bảo do Nga đề xuất "chỉ đơn giản là không có hiệu lực cho Hoa Kỳ", trong khi Ryabkov cho rằng các cuộc thảo luận là "lạc quan". Ông Ryabkov nhấn mạnh rằng, quan điểm của phía Hoa Kỳ không đáp ứng yêu cầu của Moscow.

Một lần nữa, ông Ryabkov đưa ra ba yêu cầu của Moscow vào ngày 9/1, bao gồm: NATO không được thêm thành viên, NATO không có tên lửa ở biên giới của Nga và NATO không tập trận quân sự, hoạt động tình báo hoặc cơ sở hạ tầng bên ngoài biên giới năm 1997 của mình.

Vòng đàm phán thứ ba sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 13/1 tại Vienna tại Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), một tổ chức rộng lớn hơn có đại diện của Nga, Hoa Kỳ và Châu Âu.

Hôm thứ Tư (12/1), tại Hoa Kỳ, các thành viên Đảng Dân chủ Thượng viện đã đưa ra đề xuất được Nhà Trắng hậu thuẫn về các biện pháp trừng phạt đối với Nga nếu nước này đưa quân vào Ukraine. Các biện pháp này sẽ nhằm vào Putin, các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự hàng đầu của ông cũng như các tổ chức tài chính hàng đầu của Nga, theo AP.

Nguyên Hương



BÀI CHỌN LỌC

Họp Hội đồng Nga-NATO: Nga tiếp tục gây sức ép