Chuyên gia: Hướng dẫn tăng sinh mới tiết lộ vấn đề dân số 'nghiêm trọng' ở Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cơ quan y tế hàng đầu của Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn chính sách chung trên trang web của mình vào ngày 16/8/2022 để khuyến khích sinh nhiều hơn, trong nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm "thúc đẩy sự phát triển cân bằng lâu dài của dân số".

Tài liệu có tiêu đề "Hướng dẫn Cải thiện hơn nữa và Thực hiện các Biện pháp Hỗ trợ Sinh sản Tích cực", đăng tải trên trang web Ủy ban Y tế Quốc gia, được ban hành chung bởi 17 cơ quan khác nhau, bao gồm Ban Tuyên truyền, Cục Quản lý Thuế Nhà nước, Bộ Giáo dục, Tổng Cục Hậu cần Quân ủy Trung ương, Ủy ban Y tế Quốc gia, và các cơ quan khác.

Hướng dẫn này đề ra 20 biện pháp chi tiết để tăng tỉ lệ sinh và giảm tỉ lệ nạo phá thai ở Trung Quốc. Các biện pháp này bao gồm việc tăng cường các cơ sở chăm sóc và trợ giúp trẻ em, đưa ra các chính sách nhà ở thuận lợi cho các gia đình có nhiều con, và tạo ra "một môi trường việc làm thân thiện với sinh sản".

Những nỗ lực chung để khuyến khích việc nuôi dạy trẻ là "một động thái chưa từng có" của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), với số liệu thống kê chính thức của chính quyền nước này cho thấy rằng Trung Quốc thực sự đang trải qua "tỉ lệ sinh giảm nhanh chóng", theo Trương Phong Ích (張烽益) giám đốc điều hành Hiệp hội Nghiên cứu Chính sách Xã hội và Lao động Đài Loan chia sẻ với ấn bản tiếng Trung của tờ Epoch Times.

Mức sinh thấp, dân số già

Dữ liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy mức sinh thấp kỷ lục vào năm 2021 với 10,62 triệu ca sinh, so với 12 triệu vào năm 2020 và 14,65 triệu vào năm 2019, theo cơ quan ngôn luận Tân Hoa xãThời báo Hoàn cầu của ĐCSTQ đưa tin.

Tỉ lệ sinh của Trung Quốc là 1,16 vào năm 2021, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn 2,1 của OECD để có một dân số ổn định, và tỉ lệ này thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới.

Những đứa trẻ chơi trong sân trường Trung học Kỹ thuật nhộn nhịp một thời ở huyện Như Đông, tỉnh Giang Tô, 17/04/2015. (Johannes Eisele / AFP / Getty Images)

Trương Phong Ích tin rằng, dữ liệu chính thức của ĐCSTQ đã được thay đổi để che đậy mức độ thực tế của cuộc khủng hoảng dân số. Ông nói rằng chính quyền sẽ có một thách thức lớn nếu những người trẻ tuổi không muốn có con.

"Hệ thống an sinh xã hội của chúng ta, dù là bảo hiểm xã hội hay thuế, đều phụ thuộc vào những người trẻ tuổi để nuôi nó. Vì Trung Quốc là một quốc gia rộng lớn đến thế, vấn đề dân số già mà Trung Quốc phải đối mặt chắc chắn là nghiêm trọng".

Ngoài tỉ lệ sinh thấp kỷ lục, dân số nghỉ hưu của Trung Quốc đang tăng lên đáng kể. Theo Banyuetan một cơ quan ngôn luận tuyên truyền chính trị thuộc nhà nước — thì "làn sóng nghỉ hưu lớn nhất từ ​​trước đến nay" dự kiến ​​sẽ xảy ra trong thập kỷ tới - những người sinh vào những năm 1960 sẽ nghỉ hưu từ những năm 2020, với trung bình 20 triệu người nhóm tuổi này nghỉ hưu mỗi năm.

Dữ liệu gần đây nhất cho thấy có 267,36 triệu người Trung Quốc trên 60 tuổi, chiếm gần 19% dân số cả nước.

Ủy ban Điều hành Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc đưa ra một báo cáo vào năm 2020 rằng, Trung Quốc dự kiến ​​"chênh lệch lương hưu từ 8 đến 10 nghìn tỉ nhân dân tệ (1,17 đến 1,46 nghìn tỉ USD)" trong 5 đến 10 năm tới.

Chênh lệch lương hưu có nghĩa là có nhiều người nghỉ hưu và nhận lương hưu hơn, nhưng ít người đóng bảo hiểm hưu trí hơn. Điều này dẫn đến sự mất cân đối giữa thu và chi của Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc trong việc phân phối lương hưu, tạo ra "chênh lệch".

Không muốn có con

Năm 2021, chính quyền Trung Quốc đã nới lỏng hơn nữa các chính sách kế hoạch hóa gia đình để khuyến khích người dân sinh ba con, đáp ứng những thay đổi về nhân khẩu học sau nhiều năm thực hiện chính sách một con. Tuy nhiên, ngay cả Ủy ban Y tế của ĐCSTQ cũng thừa nhận vào tháng 5/2021 rằng "một phần lớn các gia đình vẫn quyết định không sinh con mặc dù muốn có thêm một em bé".

James R. Gorrie tác giả của "Cuộc khủng hoảng Trung Quốc" và là cộng tác viên cho tờ Epoch Times đã bình luận vào tháng 6/2022 rằng "2/3 phụ nữ chủ yếu trong độ tuổi 18 đến 31 đã chọn không sinh con".

Người dân chờ vào một bệnh viện nhi ở Bắc Kinh, Trung Quốc, 31/03/2020. (Greg Baker / AFP, qua Getty Images)

"Thế hệ trẻ của Trung Quốc… đang từ chối hợp pháp hóa nó (ĐCSTQ) thông qua việc có con", James R. Gorrie viết.

Tháng 5/2022, một người đàn ông ở Thượng Hải được đưa tin là đã từ chối đến một nơi cách ly tập trung, đã bị cảnh sát cảnh báo rằng hành động của anh có thể dẫn đến hậu quả ảnh hưởng đến gia đình anh trong "ba thế hệ tới". Người đàn ông trả lời: "Chúng tôi là thế hệ cuối cùng rồi". Cảm nghĩ "thế hệ cuối cùng" đại diện cho một số lượng lớn những người trẻ tuổi bày tỏ sự phản đối chính quyền và các chính sách "không COVID" hà khắc của chính quyền này.

Áp lực tài chính là một lý do khác khiến các cặp vợ chồng trẻ Trung Quốc ngại sinh thêm con.

Theo Đài Á Châu Tự do, cư dân mạng Trung Quốc đã phản ứng trước tài liệu khuyến khích sinh con đăng tải vào tháng 8 của Trung Quốc bằng cách nói: "Khuyến khích sinh đẻ trước hết là một vấn đề kinh tế, không phải là một vấn đề chính sách, và nó không thể được giải quyết bằng cách ban hành một văn bản".

Trước đó, vào tháng 6/2021, tờ Epoch Times đưa tin mẹ của một em bé 12 tuổi ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, tiết lộ rằng chi phí trung bình hàng năm mà cô phải đối mặt để nuôi con là 12.000 USD, vượt quá mức thu nhập khả dụng cá nhân (PDI) trung bình năm 2020 của thành phố này 10.700 USD.

Hàng Châu là một trong những thành phố giàu có nhất ở Trung Quốc — vào năm 2020, thu nhập khả dụng cá nhân khu vực đô thị của Hàng Châu cao thứ tư sau Bắc Kinh, Thượng Hải, và Tô Châu, trong khi thu nhập khả dụng cá nhân trung bình của Trung Quốc là 5.000 USD.

Không có phẩm giá hay tự do cho người Trung Quốc

Sở Hàn — một nhà phân tích các vấn đề Trung Quốc — tin rằng chính sách khuyến khích sinh con hiện tại của ĐCSTQ sẽ không hiệu quả.

Một phụ nữ trẻ với tên giả là "Wujian" tại Quốc hội Mỹ ở Washington, D.C., 10/11/2009, làm chứng về những gì cô trải qua khi bị săn lùng và kéo đến một trung tâm kiểm soát dân số và bị phá thai ngoài ý muốn ở Trung Quốc. (Gary Feuerberg / The Epoch Times)

Khi trao đổi với ấn bản tiếng Trung của tờ Epoch Times vào ngày 17/8/2022, Sở Hàn nói rằng bất kể chính sách là gì, thì ĐCSTQ cũng không cho người dân Trung Quốc có bất kỳ phẩm giá hay sự tự do gì.

"Năm 1978, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình quyết định ngẫu nhiên về chính sách một con, và ông ấy đã thay đổi số phận của người dân cả nước", ông Sở nói. "Bây giờ họ đang điều chỉnh quá mức, và muốn khuyến khích mọi người có con".

Việc phá thai cưỡng bức và ép buộc được thực hiện tại Trung Quốc từ năm 1978 đến năm 2016, với việc chính quyền tuyên bố rằng chính sách của họ đã ngăn chặn 400 triệu ca sinh từ năm 1979 đến năm 2011, theo tờ Epoch Times đưa tin vào năm 2014.

Giờ đây, nhận thấy có một cuộc khủng hoảng dân số do chính sách một con gây ra, ĐCSTQ muốn buộc người Trung Quốc phải sinh thêm con, ông Sở nói.

"Họ (ĐCSTQ) muốn quản trời quản đất, còn muốn quản tử cung của phụ nữ nữa", ông nói. "Người dân phải chịu quá nhiều áp lực để tồn tại, sống trong thời kỳ khó khăn như vậy liệu họ có dám có ba con?"

Cao Dương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Hướng dẫn tăng sinh mới tiết lộ vấn đề dân số 'nghiêm trọng' ở Trung Quốc