Iran: Biểu tình lan rộng khiến ít nhất 234 người thiệt mạng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ít nhất 234 người, trong đó có 29 trẻ em, đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Iran, một tổ chức nhân quyền đưa tin hôm 25/10.

Tổ chức Nhân quyền Iran (IHRNGO) cho biết, họ cũng đã nhận được nhiều báo cáo về việc chính quyền Iran cố gắng che đậy việc sát hại người biểu tình.

Tổ chức này cho hay, việc chính quyền Iran có trao trả thi thể (cho người nhà nạn nhân) hay không còn tùy thuộc vào việc các gia đình có hứa sẽ giữ im lặng về cái chết của người nhà họ hay không. Theo đó, Tổ chức Pháp y nước này đã xác nhận nguyên nhân tử vong giả trên giấy chứng tử của nạn nhân.

Trong khi đó, người dân ở Iran đã biểu tình trong vòng 5 tuần và không ngừng đòi lật đổ chế độ Hồi giáo ở Iran. Lực lượng an ninh đã giải tán các cuộc biểu tình bằng đạn thật và xịt hơi cay, tổ chức IHRNGO cho biết.

Iran đã bị rung chuyển bởi bạo lực đường phố đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 17 người kể từ cái chết của cô gái trẻ 22 tuổi Mahsa Amini vào tuần trước, người bị giam giữ vì đội khăn trùm đầu "không đúng cách". Hình ảnh người dân Iran diễu hành ở thủ đô Tehran, Iran, hôm 23/9/2022. (Ảnh: Getty Images)

Ông Mahmood Amiry-Moghaddam, người đứng đầu tổ chức nhân quyền IHRNGO và là giáo sư tại Đại học Oslo đã viết trong một tweet vào ngày 25/10: “Áp lực buộc các bác sĩ phải viết sai nguyên nhân tử vong trên giấy chứng tử; sự hiện diện của lực lượng an ninh trong khi xác định những người bị thương trong bệnh viện; sự xuất hiện của lực lượng an ninh trong xe cứu thương — đây là những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và các nguyên tắc đạo đức. Tổ chức Y tế Thế giới và Hội Chữ thập đỏ cần phải phản ứng trước những hành động này”.

Có trụ sở tại Oslo ở Na Uy, IHRNGO có các thành viên cả ở trong và ngoài Iran. Tổ chức này tự mô tả là một tổ chức phi đảng phái và độc lập về mặt chính trị.

Khoảng 80.000 người đã tuần hành ở Berlin vào ngày 22/10 để ủng hộ các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Iran, theo cảnh sát Đức.

Cuộc biểu tình được cho là có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức bởi cộng đồng người Iran. Mọi người từ khắp châu Âu đã đổ về thủ đô nước Đức để tham gia cuộc biểu tình.

Ảnh của Epoch Times
Những người biểu tình giơ cao một tấm biểu ngữ với khẩu hiệu bằng tiếng Kurd 'Jin, Jiyan, Azadi' (Phụ nữ, Cuộc sống, Tự do) khi họ tham gia một cuộc tuần hành ủng hộ các cuộc biểu tình ở Iran, tại Berlin vào ngày 22/10/2022. (Ảnh: John MacDougall/AFP/Getty Images)

Ông Hamed Esmaeilion, một nhà hoạt động và nha sĩ người Canada gốc Iran đã mất con gái và vợ trong vụ bắn rơi máy bay chở khách Ukraine vào tháng 1/2020 bởi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Ông cũng là người phát ngôn của cuộc biểu tình và yêu cầu cộng đồng quốc tế trục xuất các đại sứ của Tehran.

Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế không đàm phán với lãnh tụ tối cao Ali Khamenei, vì “Cộng hòa Hồi giáo không đại diện cho người dân Iran”.

Ảnh của Epoch Times
Nhà hoạt động người Canada gốc Iran Hamed Esmaeilion phát biểu tại một sự kiện do“Women Life Freedom Collective” tổ chức hôm 22/10/2022, tại Berlin, Đức. (Ảnh: Maja Hitij/Getty Images)

Các cuộc biểu tình đã nổ ra sau cái chết của cô gái Mahsa Amini 22 tuổi đến từ Iran. Cô đã bị bắt tại Tehran vì "trang phục không phù hợp". Vài giờ sau khi bị bắt, cô hôn mê và phải nhập viện. Cô qua đời vào ngày 16/9.

Các cuộc biểu tình tập trung ở các khu vực phía tây bắc đông người Kurd của Iran nhưng đã lan ra ít nhất 50 thành phố và thị trấn trên toàn quốc. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi xảy ra làn sóng biểu tình tăng giá xăng vào năm 2019.

Các quan chức Iran đã bác bỏ thông tin rằng lực lượng an ninh đã sát hại người biểu tình, và nói rằng họ có thể đã bị bắn bởi những người bất đồng chính kiến ​​có vũ trang.

Cái chết của cô gái trẻ Amini làm dấy lên sự tức giận của công chúng về quyền tự do ở nhà nước Hồi giáo Iran trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang quay cuồng với các lệnh trừng phạt. Phụ nữ đóng một vai trò nổi bật trong các cuộc biểu tình. Họ vẫy tay và đốt mạng che mặt, một số còn cắt tóc ở nơi công cộng.

Chính phủ Iran cũng hạn chế báo chí và quyền truy cập Internet tại nước này sau khi nổ ra các cuộc biểu tình. Điều đó gây không ít khó khăn cho giới truyền thông trong việc xác minh các nguồn tin.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Iran: Biểu tình lan rộng khiến ít nhất 234 người thiệt mạng