Israel - từ đồng minh thân cận Mỹ trở thành đồng minh thân thiết của ĐCSTQ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hoa Kỳ và Israel dường như là những đồng minh thân cận. Tuy nhiên, mọi thứ không phải lúc nào cũng như vẻ ngoài ấy. Khi Israel ngày càng hâm nóng mối quan hệ với Trung Quốc, mối quan hệ từng là “mối quan hệ không thể phá vỡ” giữa Hoa Kỳ và Israel ngày càng trở nên mong manh.

Năm 1948, Hoa Kỳ trở thành quốc gia đầu tiên chính thức công nhận Nhà nước Israel mới. Bảy thập kỷ sau đó, chính quyền ông Trump đã làm nên lịch sử khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, "Israel không có người bạn nào lớn hơn Hoa Kỳ". Mối quan hệ không thể phá vỡ của hai quốc gia “chưa bao giờ bền chặt hơn”, hoặc chúng ta đã từng nghe những điều tương tự.

Liệu Bắc Kinh có thể cắt đứt mối liên kết chặt chẽ này một lần cho mãi mãi?

Trong một bài phát biểu vào năm 2017, ông Benjamin Netanyahu - khi đó là người đàn ông quan trọng nhất của Israel - đã kể về một cuộc hôn nhân “được tạo dựng bởi thiên đường”. Vị chính trị gia này không nói về vợ mình, mà cũng không nói về Hoa Kỳ. Ông ấy đang nói về cuộc hôn nhân của Israel với Trung Quốc. Một cuộc hôn nhân vì vụ lợi hơn là vì tình yêu, không nghi ngờ gì nữa. Dù sao thì đó cũng là một cuộc hôn nhân.

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cũng có quan điểm mềm mỏng đối với Israel và ông Isaac Herzog, tổng thống của đất nước Trung Đông này. Ông Tập gần đây đã mời Tổng thống Herzog đến thăm Bắc Kinh vào năm tới, để đánh dấu kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường giữa hai nước. Cuộc hôn nhân giữa Israel và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dường như đang phát triển mạnh mẽ hơn theo từng ngày.

Theo nghiên cứu được công bố bởi tổ chức RAND - một tổ chức tư vấn của Mỹ - kể từ năm 2000, Trung Quốc và Israel đã bắt đầu hình thành mối quan hệ bền chặt hơn. Từ ngoại giao đến thương mại, cơ sở hạ tầng đến nghiên cứu, ĐCSTQ liên tục đầu tư mạnh mẽ vào Israel. Khách du lịch Trung Quốc hiện đổ xô đến Israel với số lượng kỷ lục, theo BBC.

Tuy nhiên, chế độ Trung Quốc không thực sự quan tâm đến việc thăm thú các điểm tham quan. Họ quan tâm nhiều hơn đến việc thăm thú khoa học. Cụ thể hơn, họ quan tâm đến việc nhìn thấy công nghệ tiên tiến của Israel, như bài báo của RAND đã tiết lộ.

Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn trong chuyến công du với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Hội nghị Thượng đỉnh Đổi mới của Israel tại Jerusalem vào ngày 24/10/2018. (Ariel Schalit / AFP / Getty Images)
Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn trong chuyến công du với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Hội nghị Thượng đỉnh Đổi mới của Israel tại Jerusalem vào ngày 24/10/2018. (Ariel Schalit / AFP / Getty Images)

Tại sao Israel quan tâm đến Trung Quốc? Một lần nữa, theo RAND, mối quan tâm này xuất phát từ mong muốn của chính phủ Israel trong việc “mở rộng quan hệ ngoại giao và kinh tế với nền kinh tế lớn đang phát triển nhanh nhất thế giới”. Các nhà lãnh đạo của Israel mong muốn đa dạng hóa "thị trường xuất khẩu và đầu tư" của đất nước, mặc dù ĐCSTQ kiên quyết ủng hộ Iran - một quốc gia không muốn gì hơn là chứng kiến ​​Israel bị xóa sổ trên hành tinh này.

Đầu năm nay, Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận chiến lược kéo dài 25 năm với Tehran. Làm thế nào mà một quốc gia vừa là bạn của Iran mà vừa có thể làm bạn của Israel? Một lần nữa, làm sao một người bạn của Hoa Kỳ (Israel) lại trở thành bạn của ĐCSTQ?

Câu hỏi thứ hai có thể được trả lời bằng một từ: Tiền. Ngày nay, mối quan hệ thương mại song phương giữa Bắc Kinh và Jerusalem trị giá 10 tỷ USD. 28 năm trước, nó chỉ trị giá tầm 50 triệu USD.

Mọi ánh mắt đổ dồn vào công nghệ

Theo các chuyên gia công nghệ, lĩnh vực điện toán lượng tử đang phát triển nhanh chóng sẽ có những ảnh hưởng “sâu rộng” và có khả năng “đột phá”. Tại Hoa Kỳ, có những lo ngại thực sự rằng ĐCSTQ sẽ sử dụng công nghệ lượng tử để đánh cắp dữ liệu nhạy cảm từ công dân cũng như các nhánh khác nhau của chính phủ Mỹ.

Do đó, sẽ có chút ngạc nhiên khi biết rằng Israel - người bạn thân mới nhất của ĐCSTQ - là một trong những nước đi đầu trong lĩnh vực công nghệ lượng tử trên toàn cầu.

Theo Chỉ số Đổi mới của Bloomberg gần đây, đất nước Israel với dân số tương đương với Thành phố New York, hiện là quốc gia đổi mới dứng hàng thứ 7 trên thế giới. Điều quan trọng cần lưu ý là, Hoa Kỳ không còn nằm trong top 10 của danh sách này. Tại Silicon Wadi, phiên bản Thung lũng Silicon của Israel, có thể tìm thấy hơn 5.000 công ty khác nhau, trong đó có nhiều công ty chuyên về công nghệ. Trong số 18 quốc gia ở Trung Đông, Israel tự hào có số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp lớn nhất tính theo đầu người. Một số công ty khởi nghiệp này thực hiện nghiên cứu trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và điện toán lượng tử - một thực tế mà ĐCSTQ không dễ dàng bỏ qua.

Kể từ năm 2019, theo một bài báo gần đây của Physics Today, số lượng các công ty Israel làm việc trong lĩnh vực công nghệ lượng tử đã "tăng từ 5 lên 30", với "quân đội, không quân và cộng đồng tình báo Israel" tạo thành "xương sống" của sự phát triển ngành công nghiệp.

Như báo cáo của Rand đã cảnh báo, khoản đầu tư của ĐCSTQ vào công nghệ của Israel “có thể dẫn đến rò rỉ công nghệ nhạy cảm và hoạt động gián điệp mạng”.

Đừng ngạc nhiên nếu ĐCSTQ sử dụng kiến ​​thức lượng tử của Israel để tấn công kẻ thù lớn nhất của họ là Mỹ. Rốt cuộc, phần mềm gián điệp của Israel đã được sử dụng để nhắm mục tiêu vào các quan chức Mỹ, và Bắc Kinh dường như đã có Jerusalem làm sân sau của mình.

Như chuyên gia về chính trị Trung Đông Neville Teller gần đây đã viết, câu hỏi đặt ra cho chính phủ Israel, “là họ nên đi bao xa trong việc đón nhận Trung Quốc như một đối tác kinh doanh, trước những nghi ngờ của Mỹ về động cơ thực sự của [ĐCSTQ]. Có phải tất cả các khoản đầu tư như vậy của Trung Quốc trong một bức tranh ghép hình rộng lớn được thiết kế để đảm bảo vị thế toàn cầu về kinh tế và chính trị không thể có của Trung Quốc không?”.

Câu trả lời cho câu hỏi đó, thưa ông Teller, là một lời đồng ý vang dội.

Israel là một quốc gia đóng vai trò là cầu nối giữa ba lục địa khác nhau - Châu Á, Châu Phi và Châu Âu. Nước này dường như là một thành phần quan trọng trong kế hoạch thống trị thế giới của Bắc Kinh. Người ta mường tượng rằng, ĐCSTQ sẽ không dừng lại cho đến khi họ phá hủy được “mối liên kết không thể phá vỡ” giữa Israel và Hoa Kỳ. Liệu chế độ này sẽ thành công chứ? Chỉ có thời gian mới trả lời được.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times và NTD Việt Nam.

Tác giả bài viết là ông John Mac Ghlionn - một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được xuất bản bởi những tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US, và những tờ báo đáng kính khác. Ông cũng là một chuyên gia tâm lý xã hội, rất quan tâm đến các rối loạn chức năng xã hội và thao túng truyền thông.

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Israel - từ đồng minh thân cận Mỹ trở thành đồng minh thân thiết của ĐCSTQ