Ít nhất 7 quốc gia cung ứng cho dự án tàu ngầm tuyệt mật của Đài Loan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Reuters dẫn lời những người quen thuộc với dự án tàu ngầm này cho biết, các chính phủ nước ngoài như Anh, Mỹ, Úc, v.v. đã cấp giấy phép xuất khẩu để bán các thành phần chính, công nghệ hoặc phần mềm cần thiết để đóng tàu ngầm cho Đài Loan. Phía Trung Quốc lên án các quốc gia này và nói rằng họ đang “đùa với lửa”. Trước những lo ngại về sự phá hoại từ Bắc Kinh, dự án này được Đài Loan xếp vào hàng tuyệt mật.

Một cuộc điều tra của Reuters cho thấy, Đài Loan đã bí mật có được công nghệ, linh kiện và chuyên gia từ ít nhất 7 quốc gia để giúp họ xây dựng một hạm đội dưới nước có thể phản kích trước bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc.

Hoa Kỳ, nhà cung ứng vũ khí chính của Đài Loan, đã cung cấp các công nghệ quan trọng, bao gồm các bộ phận máy của hệ thống chiến đấu và sonar (máy định vị bằng sóng âm thanh); các công ty quốc phòng từ Vương quốc Anh cũng là bên hỗ trợ quan trọng. Anh và Hoa Kỳ đều đang vận hành một hạm đội tàu ngầm tấn công và tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Reuters dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này nói rằng, ông Ian McGhie, một chuẩn tướng đã giải ngũ của hạm đội tàu ngầm Hải quân Anh, là nhân vật chủ chốt trong việc tuyển dụng các chuyên gia tàu ngầm. Ông McGhie đã giúp một công ty ở Gibraltar – vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Vương quốc Anh – thuê các kỹ sư bao gồm các cựu thủy thủ hải quân Anh.

Theo thông tin mà Bộ Thương mại Quốc tế có được thông qua yêu cầu "Tự do Thông tin", Anh cũng đã chấp thuận một số giấy phép xuất khẩu cho các công ty Anh cung cấp linh kiện, công nghệ hoặc phần mềm của tàu ​​ngầm cho Đài Loan trong ba năm qua. Dữ liệu của chính phủ do Reuters phân tích cho thấy, giá trị công nghệ tàu ngầm được phê chuẩn xuất khẩu từ Anh sang Đài Loan đã tăng theo cấp lũy thừa trong những năm gần đây.

Đài Loan cũng đã thuê thành công các kỹ sư, kỹ thuật viên và cựu sĩ quan hải quân từ ít nhất 5 quốc gia khác. Các quốc gia này gồm Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Tây Ban Nha và Canada. Tại một xưởng đóng tàu ở thành phố cảng Cao Hùng, các chuyên gia đã tư vấn cho Hải quân Đài Loan và "Tập đoàn đóng tàu quốc tế Đài Loan" (CSBC Corporation, Taiwan) do chính phủ hậu thuẫn để đóng tàu ngầm mới.

Ông Rupert Hammond-Chambers, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Đài Loan, nói với Reuters rằng Đài Loan đang tìm kiếm các chuyên gia về xây dựng các dự án tàu ngầm tương tự trên quy mô toàn cầu.

“Đây là trò chơi ghép hình”, ông Hammond-Chambers nói, Đài Loan phải tìm kiếm trên thị trường quốc tế những công nghệ và linh kiện mà họ không thể mua được trong nước. Do đó, Đài Loan "cắt miếng bánh thành nhiều phần nhỏ" để xác định công việc nào cần sự trợ giúp của nước ngoài, chẳng hạn như giúp hoàn thiện thiết kế tàu ngầm.

Dự án của Đài Loan chính thức được khởi động vào năm 2017, được biết đến với tên gọi chính thức là dự án "Tàu ngầm quốc tạo" hay “Tàu ngầm phòng thủ bản quốc” (Indigenous Defense Submarine). Biệt hiệu của nó là "Hải Xương” (Haichang), có nghĩa là "hải dương phồn vinh" trong tiếng Hoa. Theo một tuyên bố của chính phủ, "Tập đoàn đóng tàu quốc tế Đài Loan" đã bắt đầu đóng tàu vào năm ngoái, và mục tiêu là sẽ giao chiếc đầu tiên trong tổng số 8 chiếc theo kế hoạch vào năm 2025. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London, giá trị của dự án ước tính lên tới 16 tỷ USD.

Reuters nói rằng "Tập đoàn đóng tàu quốc tế Đài Loan" từ chối bình luận.

Ý kiến của các bên

Khi được hỏi về sự giúp đỡ của Anh đối với dự án, người phát ngôn của chính phủ Anh nói rằng Vương quốc Anh “không thay đổi chính sách lâu dài đối với Đài Loan: chúng tôi không có quan hệ ngoại giao (chính thức) với Đài Loan, nhưng dựa trên mối quan hệ không chính thức bền vững được thiết lập trên cơ sở hoạt động kinh doanh, giáo dục và văn hóa sôi nổi".

Trước những câu hỏi về kế hoạch này, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp cho Đài Loan những hàng hóa và dịch vụ quốc phòng cần thiết để Đài Loan có thể duy trì đủ khả năng tự vệ". “Làm như vậy sẽ tăng cường sự ổn định trên eo biển Đài Loan và trong khu vực".

Sau khi biết về kết quả điều tra của Reuters, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng chính quyền Đài Loan “đã thông đồng với các thế lực bên ngoài” trong kế hoạch này. Người phát ngôn nêu rõ trong một tuyên bố bằng văn bản rằng, các nước liên quan nên tránh tham gia vào các hoạt động tàu ngầm và ngừng quan hệ quân sự với Đài Loan; đồng thời lên án các quốc gia này đang “đùa với lửa”.

Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố rằng, tàu ngầm mới rất quan trọng đối với "cuộc chiến phi đối xứng của lực lượng phòng vệ quốc gia". Bộ Quốc phòng nói thêm rằng, những thách thức mà kế hoạch phải đối mặt đã được "loại bỏ" và đang được "thực thi theo kế hoạch".

Hai người Đài Loan có hiểu biết trực tiếp về dự án tàu ngầm này cho biết, các tàu ngầm này cũng sẽ được triển khai ở vùng biển sâu hơn ở phía đông của đảo Đài Loan. Điều này sẽ giúp giữ cho các cảng trên bờ biển phía đông của quốc đảo luôn mở cửa trong thời gian xảy ra xung đột, và tiện cho việc tiếp tế. Đó là nơi cách xa ​​Trung Quốc đại lục nhất.

Các nhà phân tích cho rằng, việc triển khai các tàu ngầm này cũng là đang khai thác một điểm yếu của Hải quân Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc vẫn thua Mỹ và các đồng minh về khả năng tác chiến chống tàu ngầm tiên tiến. Sự hiện diện của các tàu ngầm gần bờ biển Trung Quốc sẽ buộc nước này phải duy trì các hoạt động chống tàu ngầm liên tục.

Dự án tàu ngầm của Đài Loan được xếp vào hàng tuyệt mật

Ông Hoàng Thự Quang (Huang Shu-kuang), cựu Tư lệnh Hải quân của Đài Loan và hiện là cố vấn cấp cao của Ủy ban An ninh Quốc gia, đã thông báo cho các nhà lập pháp Đài Loan về những tiến triển mới nhất của dự án. Dự án cực kỳ bí mật. Một người tham dự cuộc họp nói rằng, các nhà lập pháp phải ký một thỏa thuận bảo mật. Trong một số cuộc họp được tổ chức trong vài năm qua, các quan chức hải quân đã mang mô hình tàu ngầm đựng trong hộp các tông đến buổi họp. Người này nói rằng, các thiết kế liên tục phát triển và mô hình mỗi lần trông đều khác nhau.

Tại một cuộc họp vào cuối năm ngoái, Hải quân Đài Loan đã đệ trình giấy phép xuất khẩu do các chính phủ nước ngoài cấp, để các nhà lập pháp xem xét. Nguồn tin tham dự cuộc họp nói rằng, tên của những công ty này đã được mã hóa, và các nhà lập pháp phải tham khảo sách hướng dẫn để biết được những công ty nào đang hỗ trợ cho kế hoạch. Nhưng mỗi khi các nhà lập pháp sử dụng sách hướng dẫn, họ cần đăng ký tên của mình và số trang mà họ xem.

Những trở ngại đối với dự án vẫn còn tồn tại. Việc chế tạo một chiếc tàu ngầm từ đầu rất tốn kém và mang đầy thách thức về mặt kỹ thuật.

Hai người Đài Loan có hiểu biết trực tiếp về dự án nói rằng, lãnh đạo dự án đã lập ra một chiến lược không phô trương, nhằm hạn chế khả năng Bắc Kinh gây áp lực cho các chính phủ và công ty nước ngoài và phá hoại mối hợp tác của Đài Loan. Hai nguồn tin này cho biết, nhóm phụ trách của Đài Loan đã trực tiếp làm việc với các công ty nước ngoài thay vì yêu cầu chính phủ các nước phê duyệt. Sau khi có đơn đặt hàng, các công ty nước ngoài này sẽ tự nộp đơn lên chính phủ của họ để xin cấp giấy phép xuất khẩu.

Theo hai người nắm rõ tình hình kể trên và một tuyên bố công khai của quan chức Đài Loan, hiện tại tất cả các bộ phận quan trọng đã được chấp thuận xuất khẩu. Hai người quen thuộc với vấn đề nói rằng, rất nhiều phần trong đó có liên quan đến hệ thống chiến đấu.

Tuy nhiên, do lo sợ bị Bắc Kinh trả đũa nên có công ty đã hủy giao dịch. Hai nguồn tin tiết lộ rằng, một công ty cung cấp thiết bị quan trọng của Đức đã đột ngột chấm dứt giao dịch vào năm ngoái. Sau đó, giám đốc của nhà cung cấp đó đã tiết lộ với Đài Loan rằng mối làm ăn bị chặn bởi công ty mẹ của họ – một công ty có nhiều lợi ích thương mại ở Trung Quốc.

Hai người quen thuộc với vấn đề này cho biết, để giảm thiểu những trở ngại như trên, nhóm phụ trách Đài Loan đã đảm bảo rằng, đối với những công nghệ quan trọng sẽ có hai hoặc ba nhà cung ứng để đề phòng một trong số họ rút lui.

Washington giữ bí mật hầu hết các chi tiết của dự án, bao gồm cả những công ty Mỹ nào tham gia. Theo hai người thạo tin bên phía Đài Loan, công ty Lockheed Martin đang cung cấp một hệ thống tác chiến tàu ngầm, hệ thống này tích hợp và hiển thị sonar cùng các dữ liệu cảm biến khác. Theo nguồn tin, công ty công nghệ Raytheon đang cung cấp sonar.

Cũng theo người cung cấp tin tức, công ty quốc phòng công nghệ cao QinetiQ của Anh và công ty con ở Canada thuộc Tập đoàn BMT của Anh cũng tham gia vào dự án của Đài Loan. BMT là nhà thầu cho hạm đội tàu ngầm hạt nhân của Anh.

Truyền thông đưa tin, các công ty kể trên từ chối bình luận về vấn đề này.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Ít nhất 7 quốc gia cung ứng cho dự án tàu ngầm tuyệt mật của Đài Loan