Joseph Borell: EU nên thu giữ tài sản của Nga để tái xây dựng Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Josep Borrell, người đứng đầu các vấn đề đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu, đã ủng hộ ý tưởng rằng EU nên thu giữ các tài sản bị đóng băng của Nga để chuyển sang cho việc tái thiết Ukraine.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Financial Times, ông Borrell cho biết, ông sẽ ủng hộ các biện pháp như vậy. Ông cũng so sánh tình hình ở Ukraine hiện nay với những gì Hoa Kỳ đã thực hiện sau khi Taliban chiếm Afghanistan năm ngoái.

“Chúng ta có tiền [của Nga] trong túi mình, và ai đó có thể giải thích với tôi rằng tại sao làm thế với tiền Afghanistan thì được mà với tiền của Nga lại không", ông Borrell phát biểu.

Nhà ngoại giao này lưu ý, hồi tháng 2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh nhằm giải ngân 7 tỷ USD vốn thuộc sở hữu của Chính phủ tiền nhiệm Afghanistan. Khoản tiền này sau đó sẽ được sử dụng để viện trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan. Theo ý kiến của ông Borrell, “việc sử dụng tài sản của Nga cho các mục đích tương tự là hoàn toàn hợp lý”.

Sau khi Taliban giành lại quyền kiểm soát Afghanistan vào tháng 8 năm ngoái, Hoa Kỳ đã đóng băng khoảng 7 tỷ USD do ngân hàng trung ương Afghanistan nắm giữ để gửi vào Ngân hàng Dự trữ Liên bang ở New York. Trong khi chính quyền Biden cam kết chuyển một nửa quỹ cho các nỗ lực cứu trợ nhân đạo ở Afghanistan, họ dành một nửa còn lại cho các yêu cầu pháp lý tiềm năng của gia đình những người thiệt mạng hoặc bị thương trong vụ tấn công 11/9.

Quyết định đóng băng số tài sản này đã đẩy ngân hàng trung ương Afghanistan, hiện do Taliban kiểm soát, đến bờ vực phá sản, khiến đất nước vốn đã nghèo đói lại càng thêm khó khăn hơn về kinh tế.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine vào tháng 2 vừa qua, nhiều nước trong Liên minh châu Âu cũng đã đóng băng tài sản của Nga.

Mục đích của chính sách này gồm hai khía cạnh: Một mặt, nó khiến kinh tế Nga khó khăn, từ đó làm suy giảm khả năng tiếp tục gây chiến của đất nước. Mặt khác, biện pháp này còn có khả năng gây bất bình trong giới tài phiệt quyền lực của Nga, và họ sẽ có khuynh hướng phản đối ông Vladimir Putin, trong bối cảnh các cường quốc phương Tây chiếm đoạt các khu nhà nghỉ dưỡng, máy bay phản lực và các tài sản khác của họ.

Đề xuất của ông Borrell phù hợp với ý tưởng của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, cả hai đều đề nghị bán tài sản bị tịch thu của các nhà tài phiệt Nga để giúp tái thiết Ukraine.

Phát biểu hồi đầu tháng, ông Michel cho biết: “Tôi cho rằng điều quan trọng không chỉ nằm ở việc đóng băng các tài sản của Nga mà còn là tịch thu chúng, cung cấp cho việc tái thiết Ukraine.”

Cuối tháng 4, Nhà Trắng cũng trình bày loạt đề xuất toàn diện bao gồm việc thiết lập một cơ quan hành chính tinh gọn để tịch thu tài sản của những nhà chính trị hàng đầu của Nga, sau đó chuyển chúng cho Kiev để “khắc phục hậu quả của chiến dịch quân sự của Nga”.

Tuy nhiên, quá trình thu giữ tài sản bị phong tỏa tương đối khó khăn về mặt pháp lý, đạo đức và ngoại giao. Mặc dù việc thu giữ những tài sản như vậy có thể sẽ cung cấp thêm tiền mặt để hỗ trợ tài chính cho Ukraine, nhưng cũng sẽ đặt ra vô số câu hỏi về thủ tục tố tụng và luật pháp quốc tế.

Nó cũng có nguy cơ khiến các doanh nhân từ các quốc gia vốn mối quan hệ căng thẳng với phương Tây trở nên lo sợ hơn về việc tài sản của họ có thể bị tịch thu trong trường hợp căng thẳng ngoại giao giữa nước họ với NATO.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách ngày càng nhiệt tình với việc sử dụng tài sản của các nhà tài phiệt Nga để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine.

Ông Borrell nhận định, một trong những câu hỏi quan trọng nhất hiện nay là: “Ai sẽ chi trả cho việc tái thiết Ukraine? Vì điều này sẽ cần một số tiền lớn.” Ông tiết lộ, khoản tiền huy động được trong các hội nghị gần đây chỉ như “giọt nước giữa đại dương” và kêu cộng đồng quốc tế tìm ra những biện pháp khác để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Joseph Borell: EU nên thu giữ tài sản của Nga để tái xây dựng Ukraine