Nổ ra nhiều vụ khủng bố dọc theo Vành đai và Con đường của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Số lượng các vụ khủng bố dọc theo Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đang làm gia tăng chi phí và gây ra nhiều lo ngại về khả năng thành công của BRI.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hẳn cảm thấy như đang chơi trò chơi đập chuột (chỉ có thể giải quyết một phần vấn đề, các phần khác sẽ nảy sinh nối tiếp nhau). Sau nhiều năm đạt được những thành tựu dễ dàng về chính trị, kinh tế và ngoại giao, gần đây, ông ấy đang phải đối mặt với một loạt vấn đề, hết cái này đến cái khác.

Các chính sách COVID-19 hà khắc của ông Tập đang gây ra trở ngại to lớn cho nền kinh tế và làm dấy lên nỗi bất bình trong công chúng.

Hơn một năm qua, Trung Quốc phải đối phó với chồng chất những khó khăn tài chính đến từ sự thất bại của gã khổng lồ bất động sản Evergrande - một vấn đề nghiêm trọng mà Bắc Kinh đã phản ứng một cách muộn màng.

Những tháng gần đây, thế giới ngày càng nhận ra rằng BRI, từng rất được tung hô, đang đứng trước vô vàn vấn đề tài chính; điều này đặt ra câu hỏi về khả năng tồn tại của nó. Và nếu điều đó vẫn chưa đủ, thì số lượng các vụ khủng bố dọc theo BRI đang làm tăng chi phí và gây thêm nhiều lo lắng về khả năng thành công của BRI.

Nhiều bài báo của The Epoch Times đã điều tra các vấn đề nêu trên. Một số bài báo chỉ trích Bắc Kinh vì đã phản ứng một cách thờ ơ và chậm chạp trước những nguy cơ tài chính phát sinh từ sự kiện Evergrande và các nhà phát triển bất động sản làm ăn thua lỗ khác. Các bài báo khác thì phân tích về những tác động xấu mà chính sách phong tỏa và cách ly COVID tác động đến nền kinh tế Trung Quốc. Một bài báo gần đây thì tập trung thảo luận về những khó khăn tài chính trong BRI và việc Bắc Kinh phải xấu hổ để đi tìm sự giúp đỡ từ các cường quốc phương Tây nhằm giải quyết những vụ vỡ nợ tại các quốc gia thành viên của BRI. Bây giờ, đã đến lúc xem xét sức nặng của chủ nghĩa khủng bố lên BRI - một sáng kiến từng được Bắc Kinh tự hào ca ngợi là có thể thay đổi thế giới.

Các vụ khủng bố lớn nhất liên quan đến BRI đã nảy sinh ở Pakistan. Tất nhiên, Pakistan đặc biệt bị khủng bố hoành hành, nhưng quốc gia này cũng là một trong những thành viên tích cực nhất của BRI. Sự kiện gần đây nhất là vụ một quả bom phát nổ ở cổng Viện Văn hóa và Ngôn ngữ Trung Quốc của Đại học Karachi, nơi đặt Viện Khổng Tử. Quả bom đã giết chết tên khủng bố cũng như một tài xế người Pakistan. Nó cũng giết chết ba giáo viên Trung Quốc và làm giáo viên thứ tư bị thương nặng. Nhiều bài báo nói rằng Bắc Kinh sau đó phải sơ tán toàn bộ giảng viên Trung Quốc tại đây. Nhóm khủng bố Quân đội Giải phóng Baloch, đến từ vùng tây bắc đầy bất ổn của Pakistan, đã nhận trách nhiệm về vụ việc.

Đó mới chỉ là sự kiện nổi bật nhất. Công dân Trung Quốc đã liên tục bị nhắm mục tiêu trong một khoảng thời gian dài. Năm 2021, Taliban từng cố gắng ám sát đại sứ Trung Quốc tại Pakistan bằng một quả bom - thứ đã tàn phá cả một khách sạn. Vị đại sứ đó chỉ thoát chết trong gang tấc. Ở phía bắc của đất nước, những kẻ khủng bố đã tấn công một chiếc xe buýt chở công dân Trung Quốc đến địa điểm mà BRI đang xây dựng một con đập. Chín người Trung Quốc và bốn người Pakistan thiệt mạng.

Tại Karachi (Pakistan), một đám người đã tấn công một phòng khám nha khoa do công dân Trung Quốc điều hành, giết chết một nhân viên và làm bị thương một nha sĩ lớn tuổi tại đó. Nhóm Quân đội Giải phóng Baloch cũng tấn công Lãnh sự quán Trung Quốc tại Karachi và sàn giao dịch chứng khoán bởi vì, như những kẻ khủng bố tuyên bố, những nơi nay được vận hành để phục vụ lợi ích của Trung Quốc.

Theo các phóng viên tại hiện trường, bất ổn đang bùng phát dữ dội xung quanh cảng do BRI xây dựng ở Gwadar (Pakistan). Người dân địa phương nghèo khó nói rằng cảng này không giúp ích gì cho họ và cảng này không được sử dụng đúng mức, trung bình chỉ phục vụ ba chuyến tàu mỗi tuần.

Nổ ra nhiều vụ khủng bố dọc theo Vành đai và Con đường của Trung Quốc
Quang cảnh một góc của cảng Gwadar ở Pakistan, ngày 04/10/2017. (Ảnh: Amelie Herenstein/AFP/Getty Images)

Chủ nghĩa khủng bố không chỉ xảy ra ở Pakistan mà còn xảy ra ở nhiều nơi khác. Tại Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi lợi ích của Trung Quốc chiếm hoàn toàn ưu thế trong lĩnh vực khai thác mỏ, cộng đồng người Hoa thường xuyên phàn nàn về các cuộc tấn công vũ trang và bắt cóc. Những kẻ khủng bố Nigeria đã bắt cóc bốn công nhân mỏ Trung Quốc vào tháng 6. Tháng 10, theo Lãnh sự quán Trung Quốc tại Lagos (Nigeria), người dân địa phương đã tấn công một số doanh nghiệp Trung Quốc, khiến một công dân Trung Quốc thiệt mạng.

Theo tổ chức Hiệp hội các vấn đề Trung Á Oxus có trụ sở tại Washington, người dân và doanh nghiệp Trung Quốc là mục tiêu của 160 vụ khủng bố hoặc bất ổn dân sự xảy ra từ năm 2018 đến giữa năm 2021. Theo một nghĩa nào đó, điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Rốt cuộc, Trung Quốc đã trở thành người cho vay lớn nhất của các nước đang phát triển và có khoảng 440.000 công dân làm việc tại nước ngoài, 93.500 công dân chỉ riêng ở châu Phi.

Cho đến nay, Bắc Kinh, mặc dù thừa nhận mối đe dọa khủng bố, vẫn từ chối từ bỏ BRI. Ít nhất thì Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố đó trên mặt trận chống khủng bố. Qian Feng, một thành viên cao cấp tại Viện Chiến lược Quốc gia của Đại học Thanh Hoa, từng bình luận về các vụ khủng bố, nhấn mạnh rằng Trung Quốc “không thể chờ đợi các hoạt động khủng bố chấm dứt trước khi bắt đầu các dự án mới”, theo The Wall Street Journal. Lời cam kết này đã nhận được sự ủng hộ trong chuyến thăm gần đây tới Bắc Kinh của Thủ tướng mới của Pakistan, ông Shehbaz Sharif.

Không có gì phải nghi ngờ về việc khủng bố đã làm tăng chi phí của BRI cho cả Trung Quốc và các nước tham gia. Một số nhóm lợi ích của Trung Quốc đã viện dẫn chủ nghĩa khủng bố như lý do để từ chối tham gia. Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn luôn phản đối việc sử dụng quân đội của họ để đảm bảo an ninh cho BRI. Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng cho thấy họ đã thuê các nhà thầu an ninh độc lập để bảo vệ “con đường tơ lụa” của họ, điều mà một cây bút đã mô tả là một “đội quân tư nhân”.

Trung Quốc đang gây áp lực lên các nước chủ nhà, buộc họ phải tăng cường an ninh, điều mà các quốc gia nghèo khó không đủ khả năng để chi trả. Ví dụ, Pakistan đã điều 30.000 quân cho mục đích này — đây là một chi phí không hề nhỏ.

Trung Quốc, trong nỗ lực thách thức phương Tây, dường như đã tạo ra sự thù địch mà Hoa Kỳ và các cường quốc châu Âu thuộc địa cũ từng đối mặt. Bất chấp sự thật không mong muốn này, không điều gì có thể ngăn cản BRI. Bắc Kinh đã đầu tư quá nhiều nỗ lực ngoại giao và công sức cho BRI. Nhưng với chủ nghĩa khủng bố, cùng những vụ vỡ nợ nghiêm trọng và các cuộc đàm phán lại, tốc độ phát triển của BRI sẽ chậm lại đáng kể. BRI hoàn toàn không phải là yếu tố sẽ làm thay đổi thế giới như Bắc Kinh tuyên bố và phương Tây lo sợ.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Xuân Hoa

Theo Milton Ezrati - The Epoch Times

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề "Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live" (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sinh sống).



BÀI CHỌN LỌC

Nổ ra nhiều vụ khủng bố dọc theo Vành đai và Con đường của Trung Quốc