Khủng hoảng gia tăng ở biên giới Belarus-Ba Lan có thể kéo NATO và Nga vào cuộc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Liên minh châu Âu hôm thứ Tư ngày 10/11 cáo buộc Belarus thực hiện một "cuộc tấn công hỗn hợp" ("hybrid attack")  bằng cách đẩy người di cư qua biên giới vào Ba Lan, mở đường cho các lệnh trừng phạt mở rộng đối với Minsk trong một cuộc khủng hoảng có nguy cơ kéo Nga và NATO vào cuộc.

Reuters đưa tin, trong những ngày qua, khi căng thẳng biên giới Belarus-Ba-lan gia tăng, Nga đã thể hiện sự ủng hộ đối với đồng minh thân cận Belarus bằng cách điều động hai máy bay ném bom chiến lược có khả năng hạt nhân tuần tra không phận của nước này. Một quan chức liên minh EU cho biết, Ba Lan đã thông báo ngắn gọn với các đồng minh NATO tại một cuộc họp kín và NATO cam kết ủng hộ.

Vác-xa-va cho biết, những người di cư từ Trung Đông, Afghanistan và Châu Phi bị mắc kẹt ở Belarus đã nhiều lần cố gắng tìm đường đến Ba Lan trong đêm, đồng thời thông báo rằng họ đã tăng cường các lực lượng bảo vệ bổ sung đến biên giới.

EU, vốn đã nhiều lần trừng phạt Belarus vì vi phạm nhân quyền, cáo buộc Minsk dụ người di cư từ các quốc gia bị chiến tranh tàn phá và nghèo khó, sau đó đẩy họ sang Ba Lan để cố gắng gieo rắc hỗn loạn bạo lực ở sườn phía Đông của khối.

Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel nói: "Chúng tôi đang đối mặt với một cuộc tấn công hỗn hợp tàn bạo vào các biên giới của EU.

27 Đại sứ của khối NATO đã đồng ý rằng, điều này tạo thành cơ sở pháp lý cho các biện pháp trừng phạt tiếp theo, có thể được đưa ra vào đầu tuần tới và nhằm vào khoảng 30 cá nhân và tổ chức bao gồm ngoại trưởng và hãng hàng không quốc gia Belarus.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói với các phóng viên sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington: “Rất nhanh chóng vào đầu tuần tới, các biện pháp trừng phạt đối với Belarus sẽ được tăng cường".

Bà nói thêm: “Chúng tôi sẽ xem xét khả năng xử phạt những hãng hàng không tạo điều kiện cho nạn buôn người hướng tới Minsk và sau đó là tới biên giới EU-Belarus.

Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Biden và bà von der Leyen đã đề cập đến tình hình nhân đạo ở biên giới của Liên minh châu Âu với Belarus và bày tỏ "quan ngại sâu sắc về các dòng người di cư bất thường". Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết, Washington sẽ tiếp tục gây áp lực lên Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nếu Minsk "từ chối tôn trọng các nghĩa vụ hoặc cam kết quốc tế của mình, phá hoại hòa bình và an ninh ở châu Âu và tiếp tục đàn áp và ngược đãi con người"

Lukashenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đổ lỗi cho EU.

Điện Kremlin cáo buộc châu Âu đã không hành động theo lý tưởng nhân đạo của khối, đồng thời cố gắng "bóp nghẹt" Belarus bằng kế hoạch đóng cửa một phần biên giới. Moscow cho biết, việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Belarus về cuộc khủng hoảng là không thể chấp nhận được.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói, ông không muốn khủng hoảng di cư leo thang, nhưng nhấn mạnh Belarus sẽ không đầu hàng trước áp lực.

ĐIỂM ÁP LỰC

Cuộc khủng hoảng tấn công EU ở một khu vực dễ bị tổn thương.

Vào năm 2015, khối này đã bị chấn động bởi dòng di cư hơn một triệu người chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở Syria, Iraq và Afghanistan, dẫn đến sự rạn nứt sâu sắc giữa các quốc gia thành viên, hệ thống an sinh xã hội căng thẳng và sự ủng hộ của các đảng cực hữu.

EU lần này dường như đoàn kết hơn. So với năm 2015, cuộc khủng hoảng hiện tại có thêm một khía cạnh địa chính trị khi nó đang mở ra ranh giới phân chia giữa NATO ở phía Tây và đồng minh của Nga là Belarus ở phía Đông.

Máy bay ném bom Tupolev Tu-22M3 mà Nga cử tới Belarus có khả năng mang tên lửa hạt nhân, bao gồm cả tên lửa siêu thanh được thiết kế để né tránh hệ thống phòng không phức tạp của phương Tây.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo Liên minh châu Âu "không cuốn vào một vòng xoáy khá nguy hiểm".

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói với các phóng viên rằng trong một cuộc điện đàm, bà đã thúc giục ông Putin sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Tổng thống Belarus Lukashenko "bởi vì người di cư đang bị lợi dụng, có thể nói, họ đã trở thành nạn nhân của một chính sách vô nhân đạo - và cần phải giải quyết vấn đề này".

Ông Putin nói với bà Merkel rằng EU nên nói chuyện trực tiếp với Belarus, Điện Kremlin cho hay.

CÁC GIA ĐÌNH BỊ MẮC KẸT, TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN

Hàng nghìn người đã tập trung về biên giới trong tuần này, nơi có hàng rào thép gai tạm bợ và binh lính Ba Lan liên tục chặn đường vào của họ. Một số người di cư đã sử dụng khúc gỗ, thuổng và các dụng cụ khác để cố gắng vượt qua.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba lan Mariusz Blaszczak nói với đài truyền hình PR1: "Đó không phải là một đêm yên tĩnh. Thật vậy, đã có nhiều nỗ lực xâm phạm biên giới Ba Lan".

Video từ biên giới do Reuters thu được cho thấy có nhiều trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh trong số những người mắc kẹt ở biên giới.

"Có rất nhiều gia đình ở đây có trẻ sơ sinh từ hai đến bốn tháng tuổi. Họ không ăn gì trong ba ngày qua", người cung cấp đoạn video nói với Reuters, cho biết họ là người di cư và từ chối xác định danh tính.

Một số người di cư đã phàn nàn về việc bị lính biên phòng Ba Lan và Belarus liên tục đẩy tới lui khiến họ có nguy cơ nhiễm bệnh, thiếu thức ăn và nước uống.

Người di cư Syria Youssef Atallah cho biết, anh lo sợ mình sẽ chết trong rừng ở biên giới sau khi bị mắc kẹt nhiều ngày, không thể thở vì bị nghẹt mũi.

Atallah, người cuối cùng đã đến được nơi an toàn tại một trung tâm dành cho người di cư bên trong Ba Lan hôm thứ Tư, mô tả rằng họ gần như bỏ cuộc sau khi bị chặn ở cả hai hướng ở biên giới. Ông nói với Reuters: "Chúng tôi nói với (lính canh Belarus) rằng chúng tôi muốn quay trở lại Minsk, chúng tôi không muốn tiếp tục chuyến đi này. Nhưng họ nói rằng, không có đường quay lại Minsk, chỉ có đường đến Ba Lan".

LITHUANIA

Theo tin từ BBC, Lithuania cũng đã chuyển quân đến biên giới với Belarus để chuẩn bị đối phó với dòng người di cư có thể xảy ra. Chính phủ nước này cho biết việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp là một biện pháp phòng ngừa.

Thứ trưởng Nội vụ Lithuania Kestutis Lancinskas nói với BBC rằng, khoảng hai chục người di cư bị giam giữ sau khi vượt biên trái phép từ Belarus, bị nghi ngờ có liên hệ với các tổ chức khủng bố.

Ông Lancinskas cho biết, hầu hết họ đều xuất trình ID giả và việc kiểm tra lý lịch vẫn đang được tiến hành. Ông không thể bình luận về những tổ chức khủng bố nào có thể có liên hệ với những người di cư, cũng như khi họ bị giam giữ.

Ông nói: “Luôn có một mức độ rủi ro nhất định khi có một lượng lớn người qua biên giới. Tất cả các quốc gia thành viên đều có mức độ bị đe dọa khủng bố. Các dịch vụ tình báo của chúng tôi đang cố gắng hết sức để ngăn chặn những loại hoạt động này".

Trưởng ban nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet kêu gọi các quốc gia hạ nhiệt căng thẳng và giải quyết cuộc khủng hoảng.

Bà nói: “Không thể để hàng trăm người đàn ông, phụ nữ và trẻ em này phải trải qua một đêm nữa trong thời tiết băng giá mà không có nơi trú ẩn, thức ăn, nước uống và dịch vụ chăm sóc y tế đầy đủ".

Nguyên Hương



BÀI CHỌN LỌC

Khủng hoảng gia tăng ở biên giới Belarus-Ba Lan có thể kéo NATO và Nga vào cuộc