Kim Jong Un hiếm khi thừa nhận thất bại, địa vị quyền lực bị thách thức?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 19/8, tại Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, ông Kim Jong Un đã đích thân thừa nhận: “Các chính sách kinh tế mà Triều Tiên theo đuổi đã không cải thiện được đời sống cho nhân dân”.

Hồi đầu năm nay từng có thông tin về việc ông Kim Jong Un mắc trọng bệnh, điều này cũng làm dấy lên nhiều đồn đoán. Các biện pháp trừng phạt gần đây của Mỹ đối với Triều Tiên và những khó khăn hiện tại do dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán và lũ lụt gây ra đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Triều Tiên. Mới đây, cơ quan tình báo Hàn Quốc chỉ ra rằng, Kim Jong Un đã phân quyền cho em gái Kim Yo Jong, và tình trạng địa vị bất ổn của ông đã thu hút sự chú ý của các chuyên gia quốc tế.

Ngày 21/8, Yonhap News Agency đưa tin, tại Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, ông Kim Jong Un đã trình bày chi tiết kết quả đã đạt được và các vấn đề phát sinh của một loạt chính sách được chính phủ thúc đẩy trong 4 năm qua. Những chính sách này đều nằm trong kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ nhất được công bố từ năm 2016. Ngoài ra ông Kim cũng giải đáp nghi vấn rằng các ban bộ có đạt được mục tiêu hoạt động hay không. Trong phần kết của báo cáo, nó đã gián tiếp thừa nhận rằng ông Kim Jong Un kể từ khi lên nắm quyền đã dốc toàn lực để khôi phục nền kinh tế, nhưng kết quả cuối cùng là thất bại.

Báo cáo nêu rõ: “Trước tình thế khắc nghiệt bị kèm cặp cả trong và ngoài nước, cũng như những thách thức bất ngờ lũ lượt kéo đến, chính phủ và các cấp đảng đang phải đối mặt với một gánh nặng rất lớn”. Ngoài ra, nội dung bản báo cáo còn đề cập: “Sự nghiệp kinh tế chưa đạt được cải thiện, hơn nữa mục tiêu nền kinh tế kế hoạch của quốc gia vẫn đang bị phủ bóng đen và đời sống của người dân không được cải thiện rõ ràng".

Kế hoạch 5 năm mà chính quyền Bình Nhưỡng thừa nhận thất bại lần này đã được ông Kim Jong Un công bố tại đại hội đảng năm 2016. Kế hoạch này có thể được coi là kế hoạch phát triển 5 năm đầu tiên được Triều Tiên xây dựng trong 36 năm qua. Trọng tâm chính của nó là cải thiện nguồn điện, nông nghiệp và sản xuất công nghiệp của Triều Tiên. Tuy nhiên, do những khó khăn liên tục đến từ trong và ngoài Triều Tiên, nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện. Ngoài các lệnh trừng phạt mà Hoa Kỳ áp đặt đối với Triều Tiên, dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát vào đầu năm nay và lũ lụt gần đây cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Triều Tiên.

Các nhà lãnh đạo đảng cấp cao như ông Kim Jong Un… đã quyết định tổ chức Đại hội đảng lần thứ 8 vào năm sau. Theo quy định của Đảng Lao động Triều Tiên, đại hội đảng được tổ chức 5 năm một lần, tuy nhiên dưới thời của cựu lãnh đạo Triều Tiên Kim Il Sung (Kim Nhật Thành), các quy định này dường như vô tác dụng và nó mãi đến khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền mới được khởi động trở lại. Hôm 21/8, các nhà chức trách Triều Tiên thừa nhận rằng chính sách kinh tế mà ông Kim Jong Un đưa ra tại đại hội đảng lần trước là không hiệu quả. Đại hội đảng sẽ được tổ chức vào tháng 1 năm sau, và ngoại giới suy đoán rằng Kim Jong Un sẽ có những động thái mới vào lúc đó.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, một số mục tiêu phát triển kinh tế quan trọng mà ông Kim Jong Un đặt ra trong năm 2016 không thể đạt được thành công là vì sau khi Triều Tiên áp dụng chính sách cách ly [biên giới], các hoạt động trao đổi của Triều Tiên với Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những hạn chế này cũng đã làm giảm khả năng huy động lao động của Triều Tiên. Ngoài đại dịch viêm phổi Vũ Hán, những trận mưa lớn và lũ lụt gần đây đã khiến một lượng lớn nhà cửa ở Triều Tiên bị phá hủy, hơn 100.000 mẫu đất bị lũ nhấn chìm, lại thêm việc ông Kim Jong Un đóng cửa biên giới vì dịch bệnh nên Triều Tiên đã không nhận được bất kỳ viện trợ nước ngoài nào.

Yonhap News Agency cũng đã phân tích quyết định triệu tập Đại hội đảng vào tháng 1 năm sau của Triều Tiên và cho biết, đại hội đảng năm sau sẽ diễn ra ngay sau cuộc bầu cử của Mỹ. Khi đó, Triều Tiên có thể đưa ra định hướng chính sách mới dựa trên chiến lược của Mỹ và Hàn Quốc. Ông Leif-Eric Easley, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Nữ sinh Ewha ở Seoul, cho rằng, ông Kim Jong Un có thể sẽ căn cứ trên việc Tổng thống Mỹ tiếp theo là ai mà có thái độ mới liên quan đến các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên đối với Hoa Kỳ.

Đông Phương
Theo secretchina.com



BÀI CHỌN LỌC

Kim Jong Un hiếm khi thừa nhận thất bại, địa vị quyền lực bị thách thức?