Made in China và bi kịch của Châu Âu (Kỳ 7)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi các nước châu Âu đang vật vã “đấu” lại con virus Trung Quốc thì Bắc Kinh đã tự đặt mình vào vị trí của một nhà lãnh đạo và một nhà hảo tâm toàn cầu nhiệt thành và đầy dã tâm. Lén lút len vào vết rạn nứt của một EU đang do dự trong cơn đại dịch, Trung Quốc đã cực kỳ chủ động trong việc thể hiện mình là vị cứu tinh cung cấp các vật tư y tế thiết yếu. Có điều, châu Âu đã nhận “quả đắng” khi vớ phải lô hàng rởm bị gắn dưới lớp mác “hàng viện trợ” made in China…

Tính đến ngày 31/3, châu Âu đã có số ca nhiễm virus Trung Quốc lớn nhất thế giới, với hơn 101.991 trường hợp ở Ý, 87.956 ở Tây Ban Nha, 66.927 ở Đức, và 44.550 ở Pháp... Châu Âu cũng đang chứng kiến ​​tỷ lệ tử vong cao nhất với hơn 11.660 người ở Ý, 7.716 người ở Tây Ban Nha và 3.024 ở Pháp.

Với các nước châu Âu vẫn đang ở trong tâm dịch, hoặc đang “hồi hộp” chờ đợi virus Trung Quốc tấn công, hãy còn quá sớm để nói quốc gia nào sẽ chiến thắng. Tuy nhiên, ĐCSTQ lại đang tranh thủ kể một câu chuyện “nhảm nhí” về một Trung Quốc “hào phóng”, về tính hiệu quả của một chế độ độc đoán che đậy mức độ khủng hoảng, và một Tập Cận Bình đang tỏ ra là “vị hoàng đế” ban ân sủng đến cho toàn thế giới.

Trung Quốc đã bắn phát súng chỉ thiên mở đầu câu chuyện “nhảm nhí” bằng Hàng viện trợ. ĐCSTQ có một lợi thế: Chế độ độc tài có thể xoa bóp, nhào nặn con số thống kê dịch bệnh theo cách mà châu Âu và nước Mỹ không thể. Đây là điểm khác biệt.

ĐCSTQ có một lợi thế: Chế độ độc tài có thể xoa bóp, nhào nặn con số thống kê dịch bệnh theo cách mà châu Âu và nước Mỹ không thể.
ĐCSTQ có một lợi thế: Chế độ độc tài có thể xoa bóp, nhào nặn con số thống kê dịch bệnh theo cách mà châu Âu và nước Mỹ không thể. (Ảnh: Getty)

Châu Âu khinh suất, Trung Quốc thời cơ

Cuộc khủng hoảng virus Trung Quốc ở châu Âu đã phản ánh những thay đổi sâu sắc trong góc nhìn của các quốc gia tại lục địa này. Mặc dù Bắc Kinh bị chỉ trích nặng nề vì không những che giấu dịch bệnh trong suốt nhiều tuần lễ mà còn ra lệnh tiêu hủy các bằng chứng mẫu, nhưng có những quốc gia châu Âu như nước Ý “mộng mơ” và “đấu sĩ” Tây Ban Nha lên tiếng ca ngợi và ủng hộ ĐCSTQ đã làm rất tốt các biện pháp ngăn chặn dịch.

Tình bằng hữu giữa Gấu trúc và Bò tót được thắt chặt bằng những hành động cụ thể chứ không phải lời nói suông, khi Tây Ban Nha - bất chấp ổ dịch Trung Quốc đang bùng phát dữ dội - vẫn không áp dụng các biện pháp hạn chế giao thương và mở thông các đường bay qua lại giữa hai nước. Quyết định của chính quyền Thủ tướng Pedro Sánchez đã được “đền đáp”: Tây Ban Nha trở thành ổ dịch nguy hiểm thứ hai tại châu Âu tiếp sau nước Ý.

Santiago Moreno, giám đốc một bệnh viện ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) đã thú nhận rằng, ông đã bị tổn thương sâu sắc khi phải chứng kiến những hình ảnh tuyệt vọng tại khoa cấp cứu nơi ông làm việc: “Chúng tôi đã phạm tội vì quá tự tin”.

Một tuần trước khi dịch bệnh nổ ra, chính phủ Tây Ban Nha còn tích cực khuyến khích tất cả người dân đổ ra đường tham gia hàng chục cuộc tuần hành vì bình đẳng giới. Khi được phóng viên hỏi về nguy cơ lây nhiễm, một vị bộ trưởng đã công khai cười mỉa. Với con số 7.716 người tử vong tại Tây Ban Nha, hình ảnh những đoàn người tuần hành đã trở thành nỗi kinh hoàng phải trả giá cho sự “điên rồ” của chính quyền Thủ tướng Pedro Sánchez.

Tuy nhiên trong cơn hoạn nạn, ông Thủ tướng Tây Ban Nha này đã nhận được những lời an ủi động viên của Chủ tịch Tập Cận Bình: “Rồi ánh nắng mặt trời sẽ đến sau cơn bão”, và rằng “hai nước nên tăng cường hợp tác và trao đổi sau khi dịch bùng phát”.

Trước khi dịch bệnh bùng nổ, người dân Tây Ban Nha còn đổ ra đường biểu tình ủng hộ bình đẳng giới. Sự ngạo mạn của chính quyền Pedro Sánchez đã khiến đất nước này phải trả giá đắt.
Trước khi dịch bệnh bùng nổ, người dân Tây Ban Nha còn đổ ra đường biểu tình ủng hộ bình đẳng giới. Sự ngạo mạn của chính quyền Pedro Sánchez đã khiến đất nước này phải trả giá đắt. (Ảnh: Getty)

Cũng vậy, trong một cuộc điện thoại với Thủ tướng Ý Giuseppe Conte, ông Tập Cận Bình cho biết ông hy vọng Trung Quốc và Ý sẽ thành lập một Con đường tơ lụa Y tế như là một phần trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường mà hai bên đã ký ước.

Châu Âu vật vã, Trung Quốc hả hê

Trong những tuần gần đây, bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh đang cố gắng “vẽ” lại lịch sử khi nhấn mạnh đến việc chiến thắng virus tại “quê nhà”, và truyền tải thông điệp ca ngợi sự hỗ trợ của ĐCSTQ với các quốc gia trên thế giới.

Trong khi châu Âu đang chiếm thế “thượng phong” trong việc chứa chấp chủng virus corona Vũ Hán đang tràn lan khắp lục địa, thì Bắc Kinh đã chớp thời cơ coi viện trợ như là một công cụ tuyên truyền đánh bóng hình ảnh.

Khi các quốc gia thành viên trong EU không đồng thuận trước yêu cầu viện trợ của Ý, trong đó hai quốc gia là Đức và Pháp còn khởi xướng lệnh cấm xuất khẩu thiết bị y tế, thì một khoảng trống to đùng đã được “nhường” lại cho Trung Quốc “thò chân” vào chiếm lĩnh, bằng các gói viện trợ khẩn cấp cho châu Âu.

Và cũng lợi dụng sự giãn cách đang gia tăng giữa hai bên bờ lục địa Âu-Mỹ, ĐCSTQ đã cố tạo ra sự tương phản giữa Trung Quốc và Mỹ, khi chính quyền Tổng thống Trump đơn phương “đóng cửa” với châu Âu bằng lệnh cấm du lịch, thì Trung Quốc đã nhanh chóng xuất hiện như là “người bạn” hào phóng và vị tha.

Trong bối cảnh hỗn loạn ấy, ĐCSTQ đã cố gắng xâm nhập và lan truyền thiện chí dưới hình thức viện trợ đến một số quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu, như Ý và Tây Ban Nha. Khoảnh khắc này chính là cơ hội để ĐCSTQ dự phóng quyền lực mềm trên một lục địa già nua đang chia năm xẻ bảy, và bị “ghẻ lạnh” hơn bao giờ hết từ đối tác truyền thống của mình bên kia bờ Đại Tây Dương.

Trong bối cảnh hỗn loạn ấy chính là cơ hội để ĐCSTQ dự phóng quyền lực mềm trên một lục địa già nua đang chia năm xẻ bảy.
Trong bối cảnh hỗn loạn ấy chính là cơ hội để ĐCSTQ dự phóng quyền lực mềm trên một lục địa già nua đang chia năm xẻ bảy. (Ảnh: Getty)

Chiến lược này của ĐCSTQ đã được chứng minh rất thành công: Bộ trưởng Ngoại giao Ý Luigi Di Maio đã tuyên bố rằng họ “sẽ không quên ai là bạn bè của mình trong khủng hoảng”. Tại Đức, trong giai đoạn đầu dịch viêm phổi Vũ Hán, một nhà lãnh đạo cộng đồng của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) đã trực tiếp viết một bức thư ngỏ gửi tới Bắc Kinh yêu cầu được giúp đỡ.

Ngày 21/3, người ta nhìn thấy một biểu ngữ bằng hai thứ tiếng Hy Lạp và Trung Quốc, trích dẫn câu nói của Aristotle: “Tình bạn là một linh hồn sống trong hai cơ thể” dán trên thân chiếc máy bay của hãng Air China tại thủ đô Athens (Hy Lạp). Nó mang theo 18 tấn hàng viện trợ, được tài trợ bởi chính quyền Bắc Kinh (cùng các doanh nghiệp và tổ chức Trung Quốc), theo yêu cầu khẩn cấp của chính phủ Hy Lạp.

Những lô hàng viện trợ kịp thời của Trung Quốc cùng với sự đề cao biểu tượng văn hóa cổ đại của Hy Lạp chắc chắn sẽ “ghi điểm” trong trái tim dân chúng nước này. Tại sự kiện bàn giao, Đại sứ Trung Quốc tại Hy Lạp là Zhang Qiyue phát biểu: “Thời điểm khó khăn này mới biết ai là những người bạn thật sự, và sự trợ giúp này khẳng định mối quan hệ tuyệt vời và tình bạn giữa hai dân tộc”. Tất nhiên, chính phủ Hy Lạp rất biết ơn ĐCSTQ trong thời điểm hệ thống y tế nước này đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng.

Xem thêm:

Sau cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài hàng thập kỷ, hệ thống y tế của Hy Lạp trở nên suy yếu, lạc hậu đã không thể đủ sức chống chọi lại số ca nhiễm virus Trung Quốc gia tăng đột biến. Khi EU còn đang “phân vân” thiết lập một hệ thống trung tâm cung cấp thiết bị y tế cho các thành viên của mình, thì món quà tặng của Trung Quốc lúc nào cũng nhanh chóng và rất kịp thời.

Chủ nghĩa dân túy thực dụng mà các quan chức Hy Lạp từ lâu đã muốn thúc đẩy cách tiếp cận của nước này sát gần với Trung Quốc, nay tiến thêm một bước dài trong mối quan hệ “trăng mật” đã khiến chính phủ Hy Lạp không ngần ngại liên tiếp bán các tài sản của quốc gia cho các công ty Trung Quốc.

Vì vậy, trong số hàng viện trợ mà chiếc máy bay Trung Quốc chở đến thủ đô Athens, có một phần được quyên góp bởi Công ty Điện lực Trung Quốc - nơi đang nắm giữ tới 25% cổ phần của Công ty Điện lực Hy Lạp. Khi bị chất vấn về mối lo ngại những ảnh hưởng của Trung Quốc và làm thế nào để quản lý các rủi ro như vậy, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis trả lời mơ hồ rằng: “Hy Lạp đã đặt ra những chuẩn mực riêng về việc bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng”.

Lợi dụng tình thế khó khăn của các quốc gia Châu Âu, trong khi Mỹ đang vật lộn với dịch bệnh, ĐCSTQ đã thành công trong việc tỏ ra hào phóng, xây dựng 'tình bạn thân thiết' với những nước như Hy Lạp.
Lợi dụng tình thế khó khăn của các quốc gia Châu Âu, trong khi Mỹ đang vật lộn với dịch bệnh, ĐCSTQ đã thành công trong việc tỏ ra hào phóng, xây dựng 'tình bạn thân thiết' với những nước như Hy Lạp. (Ảnh: Getty)

Tuy nhiên, có câu “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, cử chỉ “hữu nghị” của Trung Quốc đã đánh bay mọi ngờ vực vào thời điểm mà tình đoàn kết châu Âu vẫn chỉ là một lời hứa, và nước Mỹ đang phải bận rộn “hướng nội”.

Nếu bất cứ ai muốn có một cảm nhận rõ ràng về cuộc chiến tranh giành tầm ảnh hưởng giữa EU và Trung Quốc trong thời điểm khủng hoảng này, thì khu vực Balkan ở Đông Âu là một nơi rất tốt để “chiêm nghiệm”. Serbia, một trong số những quốc gia trong khu vực này, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Alexanderar Vucic đã tuyên bố, chính phủ của ông đang nghe theo lời khuyên của Bắc Kinh về các biện pháp chống lại virus corona Vũ Hán, cùng lúc loan báo Serbia nhận được hơn 10 tấn viện trợ vật tư y tế từ nước bạn anh em.

Tổng thống Alexanderar Vucic đã gạt bỏ EU để ngợi ca Trung Quốc đã trợ giúp khi đất nước ông “lâm nạn” virus ngoại xâm: Quốc gia duy nhất có thể giúp chúng tôi là Trung Quốc”. Nghịch lý ở chỗ, đất nước Serbia nghèo khó của ông ta vừa muốn gia nhập khối EU thịnh vượng, nhưng chính phủ của ông ta lại mon men muốn tiến gần Trung Quốc trong một mối quan hệ đầy bấp bênh.

Tổng thống Serbia đã cầu xin sự giúp đỡ của Trung Quốc trong một bài phát biểu trên truyền hình: "Đoàn kết châu Âu không tồn tại. Đó là một câu chuyện cổ tích trên giấy. Tôi tin tưởng vào người anh trai và người bạn của mình, ông Tập Cận Bình, và tôi tin vào sự giúp đỡ của Trung Quốc". Đích thân Tổng thống Serbia còn ra tận sân bay để chào đón lô hàng vật tư y tế từ người anh trai và bạn bè của ông.

Tại Trung Âu, trận chiến tranh giành ảnh hưởng cũng khắc nghiệt không kém thông qua lăng kính của chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc vốn đã tiềm ẩn từ trước cả khi đại dịch bùng phát. Trung Quốc đã trở thành một mô hình xã hội thành công và là nhà viện trợ y tế mà các quốc gia Trung Âu đang khao khát.

Trung Quốc đã trở thành một mô hình xã hội "thành công" và là nhà viện trợ y tế mà các quốc gia Trung Âu đang khao khát. 
Trung Quốc đã trở thành một mô hình xã hội "thành công" và là nhà viện trợ y tế mà các quốc gia Trung Âu đang khao khát. (Ảnh: Getty)

Đại dịch virus Trung Quốc là cơ hội để ĐCSTQ khuếch đại sự “vỡ mộng” mà các quốc gia Trung và Đông Âu, tiền thân vốn là những nước thuộc hệ thống Cộng sản Đông Âu (cũ) chuyển đổi sang dân chủ phương Tây sau năm 1989 với lời hứa về tự do, ổn định và an ninh. Nay trong đại dịch, các nước này phải “đơn côi” tự giải quyết khi EU cũng đang rối bời vì cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có trong lịch sử.

Tất nhiên, Trung Quốc lại xuất hiện kịp thời với hàng chục tấn hàng “viện trợ” cho các quốc gia Trung Âu, bao gồm mặt nạ phòng độc và dụng cụ phòng hộ y tế cần thiết. Điều này đã dẫn đến sự cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc và Cộng hòa Séc. Bộ trưởng Bộ Nội vụ của Séc là Jan Hamacek tuyên bố: “Chỉ có Trung Quốc là quốc gia duy nhất có khả năng cung cấp cho châu Âu số tiền như vậy”.

Câu chuyện về Trung Quốc thành công vượt qua cuộc khủng hoảng trong nước đã khiến mô hình độc đoán của ĐCSTQ trở nên hấp dẫn hơn nhiều so với môi trường dân chủ “không an toàn” ở châu Âu. ĐCSTQ đã huy động các kênh ngoại giao và phương tiện truyền thông xã hội nhắm vào khu vực Trung và Đông Âu để đẩy mạnh câu chuyện nghĩa hiệp của nó, nhằm thu hút những công dân châu Âu đang nơm nớp lo sợ cho sức khỏe và cuộc sống của họ, sẽ dễ dàng cởi mở hơn với ý tưởng chấp nhận “đánh đổi” tự do để đổi lấy an ninh cho mình.

Trung Quốc - quê hương của virus corona Vũ Hán - đã xoay xở giành quyền kiểm soát, xuất khẩu hàng hóa hỗ trợ nhiều quốc gia châu Âu, nhờ đó đã giành được vương miện “quyền lực mềm” từ tay EU và xa hơn là Mỹ.

Nỗi e ngại về sức ảnh hưởng của Trung Quốc đang tăng dần tại châu Âu cũng thể hiện qua cách nói mềm mỏng của bà Thủ tướng Đức Angela Merkel, quốc gia “đầu tàu” trong khối EU khi bà gọi lô hàng viện trợ của Trung Quốc cho các nước châu Âu là “vấn đề có đi có lại”.

Nói tóm lại, đây là một phần trong nỗ lực tuyên truyền của ĐCSTQ để định hình lại câu chuyện “nhảm nhí”: Từ một quốc gia đi gieo rắc virus nguy hiểm ra toàn thế giới, nay lại mở rộng bàn tay đi giúp đỡ cho thế giới, bao gồm cả EU. ĐCSTQ “tiện thể” cũng lăng xê mô hình quản lý độc tài của nó nhằm chế giễu mô hình dân chủ đề cao tự do của các nước phương Tây.

Từ một quốc gia đi gieo rắc virus nguy hiểm ra toàn thế giới, nay lại mở rộng bàn tay đi giúp đỡ cho thế giới, bao gồm cả EU, ĐCSTQ cũng nhân tiện lăng xê mô hình quản lý 'độc tài' của nó.
Từ một quốc gia đi gieo rắc virus nguy hiểm ra toàn thế giới, nay lại mở rộng bàn tay đi giúp đỡ cho thế giới, bao gồm cả EU, ĐCSTQ cũng nhân tiện lăng xê mô hình quản lý 'độc tài' của nó. (Ảnh: Getty)

ĐCSTQ vừa đe dọa cắt nguồn cung ứng các sản phẩm thuốc y dược quan trọng cho châu Âu trong đại dịch, nhưng đồng thời lại ra sức mời chào bán các máy trợ thở và mặt nạ phòng hộ. Quốc gia châu Âu nào “ngoan ngoãn” nghe theo lời ĐCSTQ thì sẽ được ưu tiên nhận đơn đặt hàng trước.

Có điều, đơn hàng đặt mua các thiết bị y tế do chính phủ các quốc gia châu Âu móc hầu bao ngân sách ra mua, lại được nhận về bằng những “thương phẩm” kém chất lượng… Thông qua sự việc này, có thể thấy châu Âu đang khiến mình dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết trước các hoạt động gây ảnh hưởng của ĐCSTQ.

Châu Âu bẽ bàng, Trung Quốc toan tính

Khó có thể tưởng tượng được rằng, châu Âu phải nhờ cậy Trung Quốc hỗ trợ “nhân đạo” dưới dạng vật tư y tế và kỹ thuật viên. Đó quả là một sự đảo ngược lịch sử đột ngột vốn được coi là trật tự “tự nhiên”: Một phương Tây tân tiến luôn đi đầu trong công tác nhân đạo đối với phần còn lại của thế giới, trong đó bao gồm cả Trung Quốc.

Châu Âu - đồng minh truyền thống của Mỹ đã phải cầu cứu và được Trung Quốc đồng ý cung cấp cả tỷ cái khẩu trang, hàng triệu bộ dụng cụ xét nghiệm, đồ bảo hộ và các điều khoản y tế khẩn cấp khác. Alibaba và Quỹ Jack Ma cũng vận chuyển các thiết bị y tế đến Bỉ, Ukraine và Tây Ban Nha. Và danh sách vẫn đang được nối dài…

ĐCSTQ không bao giờ để một cuộc khủng hoảng tốt như vậy bị lãng phí."Trung Quốc tạo ra chất độc và bán giải pháp cho điều đó. Trung Quốc cũng tuyên truyền rằng họ đã quyên góp tất cả các vật tư y tế vì lo ngại cho thế giới. Nhưng rất nhiều thứ mà Trung Quốc tuyên bố đã được quyên góp thì đã không được quyên góp. Nó đã được bán", chuyên gia đối ngoại về Trung Quốc Gordon Chang (Mỹ) chia sẻ với Fox News.

ĐCSTQ không bao giờ để một cuộc khủng hoảng tốt như vậy bị lãng phí.
ĐCSTQ không bao giờ để một cuộc khủng hoảng tốt như vậy bị lãng phí. (Ảnh: Getty)

Thông qua cái “loa” Tân Hoa Xã , Đại sứ quán Trung Quốc tại Madrid đã công khai cho biết bộ dụng cụ thử nghiệm được gửi tới Tây Ban Nha vào ngày 12/3 như là một “sự giúp đỡ hoặc hỗ trợ”, ngụ ý rằng đây là một món quà từ chính phủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha là Salvador Illa tuyên bố rằng nước này đã mua 46 triệu đô la vật tư y tế từ Trung Quốc, bao gồm 950 máy thở, 5,5 triệu bộ dụng cụ thử nghiệm, 11 triệu găng tay và hơn nửa tỷ khẩu trang. Ngay sau khi nhận được hàng “viện trợ”, chính phủ Tây Ban Nha đã công bố kế hoạch trả lại các bộ xét nghiệm "kết quả nhanh" cho Trung Quốc vì không đạt tiêu chuẩn. Cụ thể là độ nhạy của bộ xét nghiệm chỉ đạt khoảng 30%.

Thời gian và tiền bạc mà Tây Ban Nha lãng phí cho các nguồn hàng y tế rởm này, có thể làm gia tăng tác động tàn phá của virus, khi quốc gia này đang bước sang tuần thứ ba của lệnh phong tỏa sau các ca nhiễm virus Trung Quốc tăng vọt.

Vào giữa tháng 3, Ý cũng nhận được các lô hàng vật tư y tế với một lá cờ khổng lồ của Trung Quốc được in trên các thùng hàng kèm dòng chữ: "Con đường tình bạn không có biên giới". Các kênh truyền thông tại Trung Quốc thi nhau ca ngợi sự “viện trợ” cho nước Ý, tuy nhiên thực chất là nước này phải bỏ tiền ra mua.

Chính phủ của Cộng hòa Séc cũng cho biết có tới 80% bộ dụng cụ xét nghiệm mà Trung Quốc bán cho nước này đã "bị lỗi hoặc cho ra kết quả không chính xác".

Ngày 28/3, Bộ Y tế Hà Lan cũng thu hồi 600.000 chiếc trong số 1,3 triệu khẩu trang được sản xuất ở Trung Quốc do không đạt tiêu chuẩn an toàn. Theo AFP, Bộ Y tế Hà Lan phát hiện khẩu trang có tấm lọc khí bị lỗi và không che kín vùng cần bảo vệ trên mặt.

Cả Châu Âu hớ hênh khi mất hàng núi tiền chỉ để mua "món quà tặng" kém chất lượng từ Trung Quốc. Ảnh: Trung Quốc 'viện trợ' kit xét nghiệm và khẩu trang y tế cho Slovakia.
Cả Châu Âu hớ hênh khi mất hàng núi tiền chỉ để mua "món quà tặng" kém chất lượng từ Trung Quốc. Ảnh: Trung Quốc 'viện trợ' kit xét nghiệm và khẩu trang y tế cho Slovakia. (Ảnh: Getty)

Châu Âu “đu dây”, Trung Quốc hưởng lợi

Châu Âu hơn ai hết hiểu rõ những mục tiêu trong “trò chơi” nấp sau cái mác “viện trợ” của ĐCSTQ. Sự “khó chịu” của EU trước câu chuyện viện trợ “nhảm nhí” này đã phải lùi bước để “cân đo đong đếm” lợi ích thiệt-hơn trước sức ảnh hưởng toàn cầu đang gia tăng của Trung Quốc. Bởi đơn giản lúc này, châu Âu đang cần sự hợp tác của Trung Quốc để đối phó với tình hình kịch tính hiện nay.

Cùng với đó, nước Mỹ được xem là đang dồn hết nội lực giải quyết khủng hoảng virus, đã không quan tâm đến phúc lợi của các đồng minh và đối tác truyền thống, nên có lẽ châu Âu không còn cách nào khác phải tạm thời “nhắm mắt làm ngơ” trong “trò chơi” viện trợ này.

Có một lý do mà ĐCSTQ nghĩ rằng châu Âu có thể dễ bị thuyết phục khi nước này cố gắng truyền bá các giá trị độc đoán của mình trên toàn cầu. Khi sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng gia tăng, châu Âu đã tránh né Hoa Kỳ một cách rõ ràng trong mối quan hệ đầy phức tạp với Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn tin rằng, họ có thể duy trì và chia sẻ các giá trị và chuẩn mực với Washington, trong khi vẫn đạt được các lợi ích kinh tế từ Bắc Kinh. Lập trường “hai chân trên hai thuyền” này của châu Âu quả là thiển cận và nguy hiểm.

Châu Âu tự mình đặt vào thế “tắc kẹt” giữa hai đối tác quan trọng, một bên là nước Mỹ với “cái ô” đảm bảo an ninh và một bên là Trung Quốc - đối tác kinh tế gần gũi và quan trọng. Mỗi ngày, châu Âu và Trung Quốc giao thương trị giá khoảng 1 tỷ Euro, và đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào EU lần lượt đạt 29,1 tỷ Euro (năm 2017) và 17,3 tỷ Euro (năm 2018).

Chiến lược 'đu dây' của Châu Âu tỏ ra thiển cận và nguy hiểm khi một bên muốn giữ mối quan hệ với Washington, trong khi bên còn lại muốn nhận lợi ích kinh tế từ Bắc Kinh.
Chiến lược "đu dây" của Châu Âu tỏ ra thiển cận và nguy hiểm khi một bên muốn giữ mối quan hệ với Washington, trong khi bên còn lại muốn nhận lợi ích kinh tế từ Bắc Kinh. (Ảnh: Getty)

Cơ hội kinh tế mà Trung Quốc mang lại cho châu Âu là khá lớn, đặc biệt đối với các quốc gia ở khu vực Đông Âu vốn luôn bị tụt hậu so với các nước ở Tây Âu. Các quốc gia này đã được hưởng lợi từ các dự án Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, và thậm chí nhiều nước còn “nịnh nọt” nhằm tránh Trung Quốc “gạt tên” không cho tham gia.

Ở cấp độ EU, các nhà lãnh đạo đã không thể vạch ra một chiến lược rõ ràng để đối phó với Trung Quốc. Một số quốc gia “đầu tàu” như Đức và Pháp muốn tăng cường vai trò trong quốc phòng và an ninh châu Âu sau Brexit, đã gọi Bắc Kinh là “đối thủ mang tính hệ thống, đang thúc đẩy cho một mô hình khác về quản trị và nhà nước”. Xa hơn, Ủy ban châu Âu còn đưa ra một khuôn khổ mới, tạo điều kiện giám sát chặt chẽ hơn các khoản đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu, và tuyên bố Bắc Kinh là "đối thủ kinh tế tìm cách giành vị trí lãnh đạo về công nghệ”.

Nhưng trong khi các tuyên bố và hướng dẫn thực thi chung ở cấp EU là khá quyết liệt, thì việc “biến” các tuyên bố ấy thành hiện thực lại là “quyền” của mỗi quốc gia thành viên EU. Mỗi chính phủ của các quốc gia châu Âu lại có các chiến lược và lợi ích khác nhau để đối phó hay bắt tay với Trung Quốc.

Điều này thể hiện rất rõ như khi một số nhà lãnh đạo châu Âu sẵn sàng chỉ trích các hoạt động kinh doanh và hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, thì cũng lại có những quốc gia trong khối EU vẫn giữ im lặng và thậm chí còn ca ngợi ĐCSTQ. Sự thiếu gắn kết này đã ngăn cản châu Âu chống lại những thách thức từ mối đe dọa của Trung Quốc, đang muốn làm xói mòn các giá trị dân chủ và tự do mà EU đã cố công gây dựng và bảo vệ.

ĐCSTQ vốn coi nền dân chủ tự do là mối đe dọa đối với thành công và sự ổn định chế độ nên chính quyền Bắc Kinh tin rằng, bằng cách làm suy yếu nền dân chủ, nó có thể đẩy nhanh sự suy giảm ảnh hưởng của phương Tây. Và bằng việc “xuất khẩu” virus Trung Quốc sang khuấy đảo châu Âu, ĐCSTQ bước đầu đã thành công trong việc “chia để trị” từng quốc gia trong lòng một châu Âu đang rối như tơ vò.

Cho đến lúc này, chỉ có duy nhất nước Mỹ, mà đúng hơn là chính quyền Tổng thống Donald Trump là dám mạnh mẽ lên án và vạch trần bản chất của ĐCSTQ. “Tương sinh tương khắc”, ĐCSTQ sẽ không để Tổng thống Trump dễ dàng làm việc đó. ĐCSTQ đã có hẳn một kế hoạch thâm nhập và “quấy nhiễu” nước Mỹ từ lâu và giờ bắt đầu khởi tác dụng...

(Còn tiếp...)

Xuân Trường

Xem thêm: Kỳ 6



BÀI CHỌN LỌC

Made in China và bi kịch của Châu Âu (Kỳ 7)