Một quan chức thân Nga ở miền nam Ukraine hôm thứ Năm (3/11) cho biết, Moscow có khả năng sẽ rút quân từ bờ tây sông Dnipro, báo hiệu một cuộc rút lui lớn của Nga. Nếu thông tin này được xác nhận, đây sẽ là một bước ngoặt lớn trong cuộc chiến kéo dài hơn 8 tháng.
Tuy nhiên, các quan chức Ukraine và các nhà phân tích phương Tây vẫn khá thận trọng về những dấu hiệu cho thấy Nga đang từ bỏ khu vực này. Trong khi đó, giới chức cấp cao Moscow vẫn im lặng và chưa có động thái lên tiếng về một cuộc rút lui, theo tờ Reuters.
Kyiv cho biết, họ vẫn đang chiến đấu trong khu vực và cảnh giác rằng Moscow có thể gài bẫy bằng cách giả vờ rút quân.
"Nhiều khả năng các đơn vị của chúng tôi, những người lính của chúng tôi, sẽ rời sang bờ trái (phía đông)", ông Kirill Stremousov, phó quản trị viên dân sự do Nga bổ nhiệm tại khu vực Kherson, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh Solovyov Live, một cơ quan truyền thông trực tuyến ủng hộ Điện Kremlin.
-
- Những ngôi nhà bị tàn phá sau một cuộc tấn công tên lửa ở Mykolaiv, Ukraine hôm 29/8 trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine. Các lực lượng Ukraine đã bắt đầu một cuộc phản công để tái chiếm thành phố Kherson, miền nam nước này hiện đang bị quân đội Nga chiếm đóng. (Ảnh: Dimitar Dilkoff/AFP/Getty Images)
Khu vực này gồm cả thành phố Kherson, thủ phủ của khu vực cùng tên và là thành phố lớn duy nhất mà Nga chiếm được nguyên vẹn kể từ cuộc xâm lược vào tháng Hai. Nó cũng bao gồm một bên của một con đập lớn băng ngang qua sông Dnipro, nơi kiểm soát nguồn cung cấp nước để tưới cho Crimea, bán đảo mà Nga đã chiếm đóng từ năm 2014.
Trước đó, Nga đã kịch liệt phủ nhận việc các lực lượng của họ đang có kế hoạch rút khỏi khu vực này. Đây là khu vực quan trọng nhất mà Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố sáp nhập vào Nga vào cuối tháng 9.
-
- Một tòa nhà nằm trong đống đổ nát sau khi trúng tên lửa của Nga, vào ngày 31/10/2022 tại Mykolaiv, Ukraine. (Ảnh: Carl Court/Getty Images)
Hôm 3/11, có nhiều đồn đoán xoay quanh việc liệu Nga có thực sự rút lui hay không, sau khi các bức ảnh lan truyền trên mạng cho thấy tòa nhà hành chính ở thành phố Kherson với lá cờ của Nga không còn tung bay trên đỉnh. Ukraine cho biết những hình ảnh đó có thể là giả và nằm trong chiến lược tuyên truyền thông tin sai lệch của Nga.
Bà Natalia Humeniuk, phát ngôn viên của Bộ chỉ huy quân sự phía nam Ukraine, cho rằng đây có thể là một cái bẫy của Nga.
"Chúng tôi tiếp tục chiến đấu, cũng theo hướng Kherson, bất chấp thực tế là kẻ thù đang cố gắng thuyết phục chúng tôi rằng họ đang rời khỏi các khu định cư và tạo ra hiệu ứng của một cuộc di tản toàn diện", bà cho hay.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, ông tin rằng các lực lượng Ukraine có thể tái chiếm Kherson. Đây cũng là những bình luận được cho là lạc quan nhất của ông về chiến dịch then chốt cho đến nay.
Chiến trường trọng điểm
Moscow đã chiến đấu trong nhiều tháng để bám lấy mảnh đất mà lực lượng Nga nắm giữ ở bờ Tây ở cửa sông chia cắt Ukraine. Moscow đã cử hàng chục nghìn binh sĩ đến tiếp viện cho khu vực này, một trong những ưu tiên trên chiến trường lớn nhất của Nga.
Ukraine đã tấn công các ngã ba sông chính trong nhiều tháng, khiến Nga gặp khó khăn trong việc tiếp thế cho lực lượng khổng lồ của mình ở bờ Tây. Quân đội Ukraine đã tiến dọc theo con sông kể từ khi băng qua chiến tuyến của Nga vào đầu tháng 10, mặc dù bước tiến của họ đã chậm lại trong những ngày gần đây.
Nga đã ra lệnh cho dân thường sơ tán khỏi các khu vực bị chiếm đóng ở bờ tây, và tuần này cũng ra lệnh cho dân thường sơ tán khỏi vùng đệm 15 km ở bờ đông. Kyiv cho rằng những lệnh sơ tán này chính là hành vi ép buộc trục xuất, được xem là một tội ác chiến tranh.
-
- Một hệ thống hỏa lực phóng loạt BM-21 'Grad' của Ukraine đang phóng một tên lửa về phía các vị trí của Nga trên chiến tuyến ở khu vực Kharkiv, Ukraine vào ngày 3/11/2022. (Ảnh: Ihor Tkachov/AFP/Getty Images)
Ông Stremousov kêu gọi những thường dân còn lại ở thành phố Kherson rời đi ngay lập tức, nói rằng lực lượng Nga đang đặt tính mạng của họ vào tình thế nguy hiểm.
Ukraine giữ bí mật chặt chẽ về tiến trình của quân đội nước này tại mặt trận ở Kherson nhưng cho đến nay đã công khai thận trọng trước bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang bỏ trống các vị trí chiến đấu ở khu vực này. Theo tờ Reuters, quân đội Ukraine ở chiến tuyến tuần trước cho biết, họ không thấy có bằng chứng nào về việc lực lượng Nga rút lui, mà trên thực tế là họ đang tăng viện.
Ông Michael Kofman, một chuyên gia hàng đầu của Mỹ về quân đội Nga vừa trở về từ Ukraine ở mặt trận Kherson, cho biết ý định của Moscow là không rõ ràng.
-
- Đại diện Cấp cao về Đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) và Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Josep Borrell tổ chức một cuộc họp báo tại New York vào ngày 19/9/2022. (Ảnh: Ed Jones/AFP.Getty Images)
Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, các đối tác quốc tế có nghĩa vụ đạo đức là tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống lại cuộc xâm lược trong những tháng mùa đông.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell đã cảnh báo bên lề cuộc họp của các ngoại trưởng G7 ở thị trấn Muenster của Đức rằng, ông Putin đang dùng đến các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự vì những thất bại trên chiến trường.
"Nước Nga của ông Putin đang hủy diệt Ukraine. Họ không thể chiếm đóng Kyiv, họ không thể giành chiến thắng trên chiến trường, họ không thể chiến thắng trong cuộc chiến - và họ đang phá hủy đất nước này một cách có hệ thống", nhà ngoại giao nói với các phóng viên.
Hôm thứ Tư (2/11), Nga cho biết nước này sẽ tiếp tục nối lại thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine. Thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc làm trung gian đã bị đình chỉ vào cuối tuần trước, động thái mà giới quan sát cho rằng sẽ gây ra nạn đói trên toàn cầu.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, họ đã nhận được đảm bảo từ Ukraine rằng Kyiv sẽ không sử dụng hành lang ngũ cốc ở Biển Đen cho các hoạt động quân sự chống lại Nga.
-
- Các tàu chở ngũ cốc từ Ukraine đang neo đậu ngoài khơi bờ biển Istanbul vào ngày 02/11/2022 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Chris McGrath/Getty Images)
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói rằng, điều quan trọng là phải đứng lên chống lại "sự hung hăng điên cuồng của Nga nhằm gây mất ổn định thương mại quốc tế".
Thỏa thuận ngũ cốc được ký kết cách đây 3 tháng đã xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu bằng cách dỡ bỏ lệnh phong tỏa trên thực tế của Nga đối với Ukraine, một trong những nhà cung cấp ngũ cốc lớn nhất thế giới. Việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc trong tuần trước làm dấy lên lo ngại về cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng tồi tệ và giá cả tăng cao.
Giá lúa mì, đậu nành, ngô và hạt cải dầu giảm mạnh trên thị trường toàn cầu sau tuyên bố của Nga. Điều này cũng làm giảm bớt mối lo ngại về tình trạng khủng hoảng lương thực trên toàn cầu.
Huyền Anh
Theo Reuters