Lần đầu tiên hải quân Bộ Tứ tập trận chung, gửi thông điệp mạnh mẽ cho Trung Quốc 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bối cảnh căng thẳng biên giới Trung - Ấn đang bế tắc dọc theo Đường kiểm soát thực tế ở Ladakh và căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, Nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc lên kế hoạch cùng tập trận Malabar vào tháng Mười Một.

New Delhi và Washington đang thúc đẩy việc ký kết Thỏa thuận Hợp tác và Trao đổi Cơ bản (BECA) trước thềm cuộc họp cấp bộ trưởng Ấn - Mỹ 2 + 2 vào ngày 26 và 27 tháng Mười.

Theo đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark T Esper dự kiến ​​sẽ đến Ấn Độ họp với người đồng cấp Ấn Độ là Ngoại trưởng Jaishankar và Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh.

BECA là một hiệp ước quân sự quan trọng, cho phép Ấn Độ sử dụng thông tin tình báo không gian địa lý của Mỹ và nâng cao độ chính xác của các hệ thống và vũ khí tự động như tên lửa và máy bay không người lái có vũ trang. Vào tháng Hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Narendra Modi đã kêu gọi sớm hoàn thành thỏa thuận BECA.

Ngày 19/10, Ấn Độ thông báo rằng, Úc sẽ tham gia Cuộc tập trận Malabar vào tháng Mười Một, đây là cuộc tập trận quân sự đầu tiên bao gồm tất cả các quốc gia trong Bộ Tứ.

Kể từ năm 2017, Malabar là cuộc tập trận gồm 3 bên: Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản, thực hiện các hoạt động mô phỏng chiến tranh và diễn tập chiến đấu.

Năm 2019, Tập trận Malabar được tổ chức vào tháng Chín ở ngoài khơi Nhật Bản, bao gồm các hoạt động hàng hải phức tạp trên mặt nước, dưới mặt đất và trên không, tập trung vào tác chiến chống tàu ngầm, đối không và trên mặt đất; và loạt hoạt động ngăn chặn hàng hải ( MIO) bao gồm Tìm kiếm và thu giữ tàu cùng hoạt động chiến thuật trên biển theo kịch bản.

Việc thúc đẩy hoàn tất thỏa thuận BECA và quyết định của 4 nước Bộ Tứ cùng tham gia Cuộc tập trận Malabar được cho là một tín hiệu chiến lược đối với một Trung Quốc hiếu chiến.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, ông S Jaishankar đã mô tả Trung Quốc là một “thách thức an ninh quan trọng” tại biên giới. Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã có một cuộc giao tranh quân sự dọc biên giới Ladakh kể từ đầu tháng Năm và một cuộc đụng độ đẫm máu vào 15/6.

Đây là một trong những thỏa thuận cơ bản cuối cùng, và phần lớn liên quan đến tình báo không gian địa lý, chia sẻ thông tin trên bản đồ và hình ảnh vệ tinh cho mục đích quốc phòng.

Mỹ đã đưa ra một dự thảo cho thoả thuận và Ấn Độ muốn bổ sung chi tiết về mức độ thông tin cần được chia sẻ theo thỏa thuận này. Một nguồn tin nói với tờ The Indian Express hôm 19/10 rằng: “Bây giờ là lúc phải chấm dứt cái tôi và vượt qua cái tôi”.

Nguồn tin cho biết, ngay cả khi thỏa thuận BECA không được ký kết, 2 bên có thể sẽ thông báo kết thúc thỏa thuận trong cuộc họp tới.

Vào tháng 9/2018, sau cuộc đối thoại 2 + 2 đầu tiên giữa 2 nước - Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ khi đó là bà Sushma Swaraj và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ là ông Nirmala Sitharaman đã có cuộc gặp với những người đồng cấp Hoa Kỳ là Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Hai bên đã ký Thỏa thuận Bảo mật và Tương thích Truyền thông (COMCASA), mở đường cho việc chuyển giao thiết bị an ninh thông tin liên lạc từ Mỹ sang Ấn Độ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho “khả năng tương tác” giữa các lực lượng của họ - và có khả năng là với quân đội các quốc gia khác sử dụng hệ thống của Hoa Kỳ để liên kết dữ liệu an toàn.

Trước đó, vào tháng 8/2016, Ấn Độ và Mỹ đã ký Bản ghi nhớ trao đổi hậu cần (LEMOA), cho phép quân đội của mỗi nước bổ sung từ các căn cứ của nước kia.

Các thỏa thuận này gắn liền với Cuộc tập trận Malabar, vì Ấn Độ đã ký các Bản ghi nhớ LEMOA với tất cả quốc gia thành viên trong Bộ Tứ.

Trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 19/10, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã xác nhận Cuộc tập trận Malabar, cho biết: “Khi Ấn Độ tìm cách tăng cường hợp tác với các quốc gia khác trong lĩnh vực an ninh hàng hải và trong bối cảnh tăng cường hợp tác quốc phòng với Úc, Malabar 2020 sẽ có sự tham gia của Hải quân Úc”.

“Năm nay, cuộc tập trận đã được lên kế hoạch theo hình thức ‘không tiếp xúc trên biển’. Cuộc tập trận sẽ tăng cường sự phối hợp giữa Hải quân các nước tham gia”, tuyên bố viết.

“Những quốc gia tham gia Cuộc tập trận Malabar 2020 nhằm tăng cường an toàn và an ninh trong lĩnh vực hàng hải và cùng nhau hỗ trợ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, cởi mở, đồng thời cam kết tuân thủ một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, ”, theo tuyên bố.

Phản ứng trước thông báo này, Bộ trưởng Ngoại giao Úc là bà Marise Payne, cho biết: “Theo lời mời từ Ấn Độ, Úc sẽ tham gia Cuộc tập trận Malabar 2020”.

Bà Marise Payne nói: “Cuộc tập trận sẽ quy tụ 4 đối tác quốc phòng quan trọng trong khu vực: Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc vào tháng 11/2020”.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc là bà Linda Reynolds, cho biết, Cuộc tập trận Malabar đánh dấu một cơ hội quan trọng đối với Lực lượng Quốc phòng Úc.

Bà Linda Reynolds nói: “Các cuộc tập trận quân sự cao cấp như Malabar là chìa khóa để nâng cao khả năng hàng hải của Úc, xây dựng khả năng tương tác với các đối tác thân thiết của chúng tôi và thể hiện quyết tâm chung của chúng tôi nhằm hỗ trợ một Ấn Độ - Thái Bình Dương cởi mở và thịnh vượng”.

“Tập trận Malabar cũng thể hiện sự tin tưởng sâu sắc giữa 4 nền dân chủ lớn ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và ý chí chung của các nền dân chủ này trong việc cùng nhau thực hiện các lợi ích an ninh chung”.

Marise Payne cũng cho biết thông báo này là một bước quan trọng khác trong mối quan hệ ngày càng sâu sắc của Úc với Ấn Độ. Bà nói: “Cuộc tập trận chung sẽ thúc đẩy khả năng của Ấn Độ, Úc, Nhật Bản và Hoa Kỳ hợp tác cùng nhau để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực của chúng ta”.

Nguyễn Minh
Theo The Indian Express



BÀI CHỌN LỌC

Lần đầu tiên hải quân Bộ Tứ tập trận chung, gửi thông điệp mạnh mẽ cho Trung Quốc