Latvia: Các nền dân chủ phải chung tay chống lại thách thức của chế độ độc tài như Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ trưởng Ngoại giao Latvia Edgars Rinkēvičs đã sử dụng chuyến thăm chính thức đầu tiên của mình tới Úc để kêu gọi các nền dân chủ trên thế giới liên kết chống lại các chế độ độc tài, đặc biệt là sự hung hăng ngày càng leo thang của Trung Quốc.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung vào ngày 08/8 với Ngoại trưởng Úc Penny Wong, ông Rinkēvičs cho biết chính phủ Latvia hiện tại tin rằng các nền dân chủ đang bị thách thức bởi các chế độ độc tài.

Ông nói: “Chúng ta phải phân tích, phải vạch ra các chiến lược làm thế nào để chống lại tuyên truyền, làm thế nào để chống lại những thông tin sai lệch từ các chế độ độc tài, từ các khu vực độc tài".

Ngoài ra, trong một tuyên bố chung, Ngoại trưởng Úc và Latvia cho hay cả hai quốc gia đều “cam kết kiên quyết duy trì quyền con người, pháp quyền và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ", và đồng ý làm việc cùng nhau để giải quyết những thách thức đối với các giá trị chung và lợi ích của Châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Bắc Kinh là vấn đề chung của cả hai khu vực

Nhấn mạnh những khó khăn hiện tại đang tồn tại ở châu Âu với Nga, ngoại trưởng Latvia đồng tình về vấn đề Trung Quốc, nói rằng điều tối quan trọng là các nước phải làm việc cùng nhau để cung cấp một mặt trận thống nhất.

Ông Rinkēvičs cho biết, sự hung hăng ngày càng leo thang của Trung Quốc không chỉ ở một vài khu vực riêng lẻ mà là trên phạm vi toàn cầu.

“Và tôi nghĩ điều tối quan trọng là phải hiểu rằng người Trung Quốc cũng đang theo dõi rất sát sao những diễn biến ở châu Âu và Ukraine. Tôi nghĩ rằng nước này sẽ điều chỉnh các chính sách cũng như lập trường của mình ở các khu vực trên thế giới. Vì vậy, theo quan điểm đó, điều quan trọng là chúng ta phải làm việc cùng nhau và đưa ra cùng một loại thông điệp về nhu cầu kiềm chế, không phản ứng thái quá trong các hành động của họ và không tạo ra một điểm nóng khác trong khu vực và toàn cầu”.

Bình luận từ ông Rinkēvičs được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng ở châu Á - Thái Bình Dương đạt mức cao mới sau khi Bắc Kinh cho biết họ có thể cố gắng giữ vĩnh viễn lực lượng quân sự ở eo biển Đài Loan. Bình luận này được đưa ra sau những chỉ trích từ Nhật Bản, Hoa Kỳ và Úc vì Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở khu vực xung quanh đảo Đài Loan từ ngày 02/8 đến ngày 09/8.

Trong khi đó, Đài Loan đã chỉ trích ĐCSTQ vì sử dụng các cuộc tập trận quân sự để bao vây Đài Loan và gây sức ép lên không phận và hải phận của hòn đảo như một cái cớ cho việc chuẩn bị cho chiến tranh.

“Trung Quốc đã sử dụng các cuộc tập trận trong vở kịch quân sự của họ để chuẩn bị cho cuộc xâm lược Đài Loan", Ngoại trưởng Đài Loan Joseph Wu cho biết vào ngày 09/8.

"Trung Quốc đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn và phóng tên lửa, cũng như các cuộc tấn công mạng, tuyên truyền thông tin sai lệch và cưỡng bức kinh tế, nhằm làm suy yếu tinh thần công chúng ở Đài Loan".

Bắc Kinh cũng đã cắt liên lạc quân sự với Mỹ và bắn ít nhất 11 tên lửa đạn đạo, 5 trong số đó bay thẳng qua Đài Loan và hạ cánh xuống vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Các lực lượng Trung Quốc và Đài Loan cũng tham gia vào một cuộc diễn tập quân sự xung quanh đường trung tuyến của eo biển Đài Loan với sự tham gia của khoảng 10 tàu chiến mỗi bên.

Các quan chức ĐCSTQ tuyên bố các cuộc tập trận là để phản đối chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi (Dân chủ-California) tới Đài Loan.

Tuy nhiên, Washington cho rằng ĐCSTQ đang ngụy tạo một cuộc khủng hoảng khu vực để huy động một phản ứng quân sự xung quanh Đài Loan và buộc thay đổi hiện trạng.

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Latvia: Các nền dân chủ phải chung tay chống lại thách thức của chế độ độc tài như Trung Quốc