Lầu Năm Góc: Bắc Kinh yêu cầu Mỹ ngừng can thiệp vào mối quan hệ Trung - Ấn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc đã cảnh báo Hoa Kỳ nên ngừng can thiệp vào mối quan hệ của Trung Quốc và Ấn Độ sau các cuộc giao tranh biên giới chết người giữa hai cường quốc châu Á vào năm 2020, Lầu Năm Góc cho biết trong một báo cáo.

Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã xuống dốc kể từ khi xảy ra cuộc đụng độ biên giới tồi tệ nhất giữa hai nước trong 45 năm qua, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng. Kể từ đó, việc triển khai quân đội vẫn duy trì ở mức cao ở biên giới Himalaya giữa hai nước, mặc dù hàng nhập khẩu của Ấn Độ từ Trung Quốc đã tăng mạnh.

Ấn Độ là một phần của liên minh Quad (Bộ Tứ), với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc nhằm mục đích kiểm soát ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

"Trong suốt cuộc đối đầu, các quan chức Trung Quốc đã tìm cách hạ thấp mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng, nhấn mạnh ý định của Bắc Kinh là duy trì ổn định biên giới và ngăn chặn cuộc đối đầu làm tổn hại đến các lĩnh vực khác trong mối quan hệ song phương của nước này với Ấn Độ", Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong một báo cáo trước Quốc hội hôm thứ Ba (29/11).

"Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (PRC) tìm cách ngăn chặn căng thẳng biên giới khiến Ấn Độ hợp tác chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ. Các quan chức Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã cảnh báo các quan chức Hoa Kỳ rằng không nên can thiệp vào mối quan hệ của Trung Quốc với Ấn Độ".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã không đề cập đến báo cáo của Lầu Năm Góc trong cuộc họp báo hàng ngày hôm thứ Tư (30/11). Tuy nhiên, ông cho biết cuộc tập trận chung Mỹ - Ấn trong tháng này, cách không xa biên giới Trung Quốc, ở bang Uttarakhand, miền bắc Ấn Độ, "không có lợi cho lòng tin giữa Ấn Độ và Trung Quốc".

Ông Brahma Chellaney, một nhà phân tích các vấn đề chiến lược và quốc phòng ở New Delhi, cho biết, Trung Quốc có thể "thúc đẩy lợi ích của mình" bằng cách hạ thấp vị thế quân sự ở biên giới Himalaya trong khi bảo vệ các lĩnh vực khác trong mối quan hệ với Ấn Độ.

Căng thẳng vẫn leo thang ở biên giới Trung - Ấn
Các binh sĩ của Lực lượng An ninh Biên giới Ấn Độ (BSF) tuần tra trên đường cao tốc dẫn về phía Leh, giáp với Trung Quốc, ở Gagangir, Ấn Độ, ngày 19/6/2020. (Ảnh: Yawar Nazir/Getty Images)

Xung đột biên giới Ấn Độ - Trung Quốc

Căng thẳng giữa hai bên dẫn đến một cuộc đụng độ đẫm máu giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ vào tháng 6/2020 tại thung lũng Galwan ở vùng Ladakh, Ấn Độ, tiếp giáp với khu vực Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát. Ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc đã thiệt mạng.

Đây là cuộc xung đột nghiêm trọng nhất giữa hai nước trong 45 năm qua. Những người lính này không phải bị bắn chết, mà là tử vong trong một cuộc hỗn chiến có sử dụng đá và gậy gỗ.

Kể từ cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại Thung lũng Galwan vào tháng 6/2020, hai bên đã tổ chức 16 vòng đàm phán cấp cao, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm được giải pháp nào được cả hai bên chấp thuận.

Phía Trung Quốc cho rằng "hành động cố ý khiêu khích của Ấn Độ dẫn đến xung đột ở biên giới Trung - Ấn", khiến cho "quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng rơi vào trạng thái căng thẳng", trong khi New Delhi cáo buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột biên giới Trung - Ấn.

Vào giữa tháng 8, làn sóng rạn nứt ngoại giao mới nhất giữa Ấn Độ và Trung Quốc xảy ra, khi tàu nghiên cứu Trung Quốc "Yuanwang 5" đã đến thăm và cập cảng Hambantota ở Sri Lanka.

Các nhà phân tích an ninh tin rằng tàu Yuanwang-5 là một trong những tàu giám sát vũ trụ tiên tiến nhất của Trung Quốc, được sử dụng để giám sát vệ tinh, tên lửa và các vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Ấn Độ bày tỏ quan ngại, trong khi Bắc Kinh chỉ trích New Delhi vì "sự can thiệp vô cớ".

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Lầu Năm Góc: Bắc Kinh yêu cầu Mỹ ngừng can thiệp vào mối quan hệ Trung - Ấn