Lầu Năm Góc cảnh báo Quân đội Trung Quốc có thể sẽ tăng cường hiện diện ở Biển Đông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một báo cáo mới đây của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trung Quốc sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông. Các nước láng giềng của Trung Quốc có thể sẽ được chứng kiến ​​hàng không mẫu hạm mới nhất, các tên lửa diệt hạm và Thủy quân lục chiến của PLA ngang nhiên tiến vào vùng biển tranh chấp, khi Trung Quốc tập trung vào việc quân sự hóa các tiền đồn của họ để tăng cường khả năng “viễn chinh” ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Trong báo cáo hàng năm về sức mạnh quân sự của Trung Quốc được công bố ngày 2/9/2020, Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc đã tăng cường và hiện đại hóa khả năng quân sự của mình và trong một số lĩnh vực, họ đã “vượt Hoa Kỳ”.

Trong một sự kiện do Viện Doanh nghiệp Mỹ tại Washington D.C. tổ chức ngày 1/9, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Chad Sbragia cho biết: “Trước đây vùng Biển Đông chưa bao giờ lộn xộn như thế này”. Ông trích dẫn việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp và việc Trung Quốc từ chối phân định các yêu sách của mình theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, hay UNCLOS.

Ông nói thêm: “Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế. Những gì cần làm thì họ không làm. Họ tiếp tục tranh cãi và đưa ra những tuyên bố và yêu sách vô lý. Vấn đề này chắc chắn là một trong những vấn đề mà chúng tôi đã thảo luận với Trung Quốc”.

Báo cáo cho biết Trung Quốc hiện có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới. Trong khi lực lượng chiến đấu của Hoa Kỳ hiện tại chỉ có 293 tàu chiến và tàu ngầm, thì con số này của Trung Quốc lên đến 350 tàu. Theo Lầu Năm Góc, sự tăng trưởng này là nhằm phục vụ cho yêu sách chủ quyền của họ ở Biển Đông.

Đặc biệt, tàu sân bay Sơn Đông [là tàu đầu tiên được sản xuất trong nước của Trung Quốc] "rất có thể" sẽ đóng quân lâu dài tại Căn cứ Hải quân Du Lâm của Hạm đội Nam Hải thuộc Hải quân Trung Hoa. Căn cứ này nằm ở vị trí cửa vào quần đảo Hoàng Sa, một dải đá ngầm đang trong tranh chấp giữa Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan.

Trung Quốc hiện cũng đang vận hành 30 khinh hạm mang tên lửa dẫn đường Kiểu 054A và hơn 42 tàu hộ tống Kiểu 056 - cả hai lớp tàu chiến thường xuyên được phát hiện ở Biển Đông. Họ cũng đang lên kế hoạch tuần tra Biển Đông với “tàu mặt nước không người lái hỗ trợ AI”. Tuy nhiên, báo cáo của Lầu Năm Góc không cung cấp nhiều thông tin chi tiết về các chiến hạm này.

Năm 2020, Lực lượng đổ bộ Thủy quân Lục chiến của hải quân Trung Quốc đã tập trận ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Lực lượng này đã tăng từ hai đến tám lữ đoàn.

Tuy nhiên, theo báo cáo, Thủy quân lục chiến đã cải thiện “chậm hơn dự kiến”, với chỉ hai lữ đoàn ban đầu được trang bị phù hợp và sẵn sàng cho sứ mệnh bảo vệ các căn cứ của PLA và chiếm giữ các đảo nhỏ và đá ngầm khác ở Biển Đông.

Với các đảo nhân tạo được xây dựng trái phép ở Biển Đông, PLA đang chuẩn bị lực lượng để tăng cường khả năng “viễn chinh”.

Báo cáo cho biết: “Việc xây dựng các sân bay và nhà chứa máy bay mới trên các tiền đồn ở Biển Đông đã mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng không quân Trung Quốc. “Trong tương lai, Trung Quốc có thể triển khai các máy bay chiến đấu từ các tiền đồn của đảo Trường Sa để hoạt động trên Biển Đông và thậm chí vươn ra Ấn Độ Dương”.

Hai trong số các máy bay ném bom mới nhất của Trung Quốc, H-6K và H-6J, được biết là đã hạ cánh xuống các căn cứ quân sự quan trọng của Trung Quốc ở Biển Đông là đảo Phú Lâm và Đá Chữ Thập.

Theo báo cáo, các căn cứ này cũng đã được nâng cấp đáng kể. Các căn cứ của Trung Quốc ở Trường Sa bao gồm Đá ngầm Subi, Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn, Rạn Nam Johnson và Rạn Cuarteron tự hào có hệ thống tên lửa phòng không và chiến hạm tiên tiến cũng như có thiết bị gây nhiễu.

Bất chấp những cảnh báo của báo cáo về khả năng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc so với Hoa Kỳ, Trung Quốc đã thông tin hạ thấp mức độ hoạt động của mình và bác bỏ vấn đề này, bao biện rằng đó là quá trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang của Trung Quốc.

Trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết: "Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quy định rõ ràng rằng Trung Quốc tuân theo con đường phát triển hòa bình và thúc đẩy công cuộc xây dựng tương lai chung của thế giới. Trung Quốc đã và đang theo đuổi chính sách phòng thủ quốc phòng. Trung Quốc là người xây dựng hòa bình thế giới, đóng góp vào sự phát triển toàn cầu và bảo vệ trật tự quốc tế. Sự phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc đồng nghĩa với việc gia tăng sức mạnh vì hòa bình của nhân loại ”.

Tuy nhiên, báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết PLA cũng đã cải thiện khả năng tấn công các tàu đang di chuyển trên biển bằng tên lửa từ đất liền.

Trong một cuộc tập trận quân sự gần đây ở khu vực, Trung Quốc đã phóng 4 tên lửa chống hạm vào vùng biển ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa, trong đó có một tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 (IRBM). Theo Lầu Năm Góc, lực lượng tên lửa PLA đang tăng cường đáng kể các tên lửa 'diệt hạm', có thể được sử dụng với đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường. Lầu Năm Góc ước tính Trung Quốc hiện đang sở hữu khoảng 200 đầu đạn hạt nhân IRBM DF-26.

Theo báo cáo, lực lượng tên lửa PLA của Trung Quốc hiện có hơn 1.250 tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất với tầm bắn từ 500 đến 5.500 km.

Ông Sbragia cho biết: “Ban lãnh đạo Hoa Kỳ đã liên tục kêu gọi Trung Quốc hạn chế hoạt động và chấm dứt quân sự hóa ở biển Đông. Để ngăn chặn những hoạt động bất hợp pháp và những tham vọng của họ đối với Hoa Kỳ và những nước khác, Hoa Kỳ đã phải tăng cường các hoạt động quân sự ở Biển Đông, phối hợp với các nước khác trong khu vực và trên toàn cầu. Và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm như vậy”.

Nguyên Hương
Theo AFP



BÀI CHỌN LỌC

Lầu Năm Góc cảnh báo Quân đội Trung Quốc có thể sẽ tăng cường hiện diện ở Biển Đông