Liên Hợp Quốc: Cơ sở hạt nhân thứ hai của Ukraine bị hư hại do pháo kích

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Hai (7/3), cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA cho biết, một cơ sở nghiên cứu hạt nhân ở Ukraine đã bị hư hại do trận pháo kích của Nga.

Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc cho biết trong một bản cập nhật vào cuối ngày thứ Hai (7/3) rằng, không có "hậu quả phóng xạ" nào đối với cơ sở ở Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine.

Cơ quan quản lý hạt nhân quốc gia của Ukraine nói với IAEA rằng, vụ việc không gây bất kỳ sự gia tăng nào về mức độ phóng xạ tại khu vực này.

IAEA cho biết, cơ sở ở đông bắc Ukraine, thuộc Viện Vật lý và Công nghệ Kharkiv, được sử dụng để nghiên cứu phát triển và sản xuất đồng vị phóng xạ.

“Vật liệu hạt nhân trong cơ sở luôn ở mức dưới tới hạn và lượng chất phóng xạ tồn kho rất thấp", cơ quan này cho biết.

Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA Rafael Mariano Grossi lưu ý rằng, vụ việc nêu bật những rủi ro mà Ukraine phải đối mặt về các cơ sở hạt nhân trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Ông nói: “Chúng tôi đã có nhiều đợt ảnh hưởng đến sự an toàn tại các địa điểm hạt nhân của Ukraine".

Sự việc diễn ra chỉ vài ngày sau khi Nga pháo kích vào nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia ở Enerdohar, Ukraine, gây ra một đám cháy song đã được dập tắt.

Các nhà chức trách Ukraine cho biết, các lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát Zaporizhzhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu và nằm trong số 10 nhà máy lớn nhất thế giới.

Trong khi đám cháy tại Zaporizhzhia nhanh chóng được dập tắt và không gây thiệt hại cho các lò phản ứng hạt nhân, song sự việc cũng làm nổi bật những lo ngại về hậu quả thảm khốc có thể xảy ra nếu cuộc xung đột làm hư hại một trong bốn nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động của Ukraine.

Hiện chỉ có hai trong số sáu lò phản ứng của cơ sở đang hoạt động.

Ông Rafael Grossi, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), chỉ trên bản đồ vị trí nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraina ở Vienna, Áo, vào ngày 4/3/2022. (Ảnh Getty Images)
Ông Rafael Grossi, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), chỉ trên bản đồ vị trí nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraina ở Vienna, Áo, vào ngày 4/3/2022. (Ảnh Getty Images)

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA cho biết vào hôm Chủ nhật (6/3) rằng, các lực lượng Nga chiếm giữ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hiện đã bố trí nhân viên điều hành cơ sở dưới quyền chỉ huy của họ và hạn chế liên lạc với thế giới bên ngoài.

Cơ quan này cũng cho biết họ “cực kỳ lo ngại” về những phát triển tại nhà máy hạt nhân.

"Ukraine báo cáo rằng, bất kỳ hành động nào của ban quản lý nhà máy - bao gồm các biện pháp liên quan đến hoạt động kỹ thuật của sáu tổ máy phản ứng - cần phải có sự chấp thuận trước của chỉ huy Nga", IAEA cho biết trong một tuyên bố.

Nga đã ngắt hệ thống mạng di động và Internet tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế của Liên Hợp Quốc (IAEA) cho biết hôm Chủ nhật (6/3).

Trong một tuyên bố hôm Chủ nhật (6/3), Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA, ông Rafael Mariano Grossi cho biết, điều đó có nghĩa là “thông tin đáng tin cậy từ trang web không thể được lấy thông qua các kênh liên lạc thông thường”.

“Tình hình xấu đi liên quan đến thông tin liên lạc quan trọng giữa cơ quan quản lý và [nhà máy hạt nhân] Zaporizhzhia cũng là một nguyên nhân gây lo ngại sâu sắc, đặc biệt là trong một cuộc xung đột vũ trang có thể gây nguy hiểm cho các cơ sở hạt nhân của đất nước bất cứ lúc nào”, tuyên bố của ông nói thêm.

Theo các quan chức, giữa các cuộc pháo kích và báo cáo về một vụ hỏa hoạn tại một cơ sở đào tạo trong khuôn viên, một số lò phản ứng đã phải đóng cửa và những lò khác được đặt ở mức công suất thấp.

Pháo sáng của quân đội Nga rơi xuống nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine. (Ảnh chụp YOUTUBE/Zaporizhzhya NPP)
Pháo sáng của quân đội Nga rơi xuống nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine. (Ảnh chụp YOUTUBE/Zaporizhzhya NPP)

Ông Grossi bày tỏ quan ngại về các báo cáo rằng, các lực lượng Nga đã bố trí nhân viên dưới quyền chỉ huy của họ.

“Để có thể vận hành nhà máy một cách an toàn và bảo mật, ban quản lý và nhân viên phải được phép thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của họ trong điều kiện ổn định mà không có sự can thiệp hoặc áp lực quá mức từ bên ngoài", ông Grossi nói.

Kể từ tuyên bố của ông Grossi, các quan chức Nga vẫn chưa đưa ra bất kỳ phản hồi công khai nào.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Liên Hợp Quốc: Cơ sở hạt nhân thứ hai của Ukraine bị hư hại do pháo kích