Liên Hợp Quốc lờ đi các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc vì thế lực của Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Liên Hợp Quốc đang bỏ qua các vi phạm nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc vì tác động ngoại giao và tài chính mà Bắc Kinh áp lên tổ chức này, theo một cựu nhân viên Liên Hợp Quốc cho biết.

Emma Reilly — luật sư nhân quyền và là cựu nhân viên Liên Hợp Quốc (LHQ) — chia sẻ với chương trình "Nội bộ Trung Quốc" của kênh Epoch TV vào ngày 9/2 rằng: "Trên thực tế, có một chính sách rằng, Cao ủy Nhân quyền, Tổng thư ký và nhiều quan chức cấp cao khác sẽ không gặp gỡ với… người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Đài Loan, Pháp Luân Công, bất cứ ai có thể làm khó chịu Trung Quốc".

Luật sư Reilly là người đã vạch trần Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) vì đã đưa cho chính quyền Trung Quốc tên của những người bất đồng chính kiến ​​và các nhà hoạt động nhân quyền, vi phạm các quy tắc của Hội đồng Nhân quyền LHQ trong việc bảo vệ họ.

"Điều đó chắc chắn dẫn đến việc chính phủ Trung Quốc cử cảnh sát đến nhà người dân, bắt giữ các thành viên gia đình của những người ấy, buộc… phải nói cho chính quyền biết… [về] cuộc vận động quốc tế của họ", luật sư Reilly chia sẻ. "Một số câu chuyện thực sự khủng khiếp về tra tấn [cũng đã xuất hiện]".

Vào năm 2013, luật sư Reilly — lúc ấy đang làm việc tại Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ, đã báo cáo thực tế này với cấp trên của mình và các văn phòng khác của Liên Hợp Quốc, nhưng vô ích. Kết quả là, cô phải đối mặt với sự trả đũa và nỗ lực bịt miệng cô ngay trong nội bộ LHQ, luật sư Reilly cho biết. Cuối cùng, cô đã bị sa thải vào tháng 11/2021.

Vụ bê bối này xảy ra trong bối cảnh lo ngại gia tăng về sự thống trị ngày càng to lớn của ĐCSTQ tại LHQ.

Tháp canh tại một cơ sở an ninh cao gần một nơi được cho là trại cải tạo tại Tân Cương, nơi đa phần những người bị giam giữ là người dân tộc thiểu số theo đạo Hồi ở vùng này. Ảnh chụp tại ngoại ô Hotan, Tân Cương, Trung Quốc, 31/05/2019. (Greg Baker / AFP, qua Getty Images)

Liên Hợp Quốc trì hoãn báo cáo về người Duy Ngô Nhĩ

Theo luật sư Reilly, Liên Hợp Quốc đã cố gắng làm chậm tiến độ một bản báo cáo về những vi phạm nhân quyền của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc. Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ tuyên bố vào tháng 12/2021 rằng, họ hy vọng sẽ công bố báo cáo của mình trong những tuần tới, và "không có tiến triển cụ thể" trong các cuộc đàm phán kéo dài với các quan chức Trung Quốc trong chuyến thăm được đề xuất.

Tuy nhiên, luật sư Reilly tin rằng, chuyến thăm ấy là không cần thiết để có thể hoàn thành báo cáo.

"Có đủ bằng chứng bên ngoài Trung Quốc để tuyên bố rằng, đó là một cuộc diệt chủng [nhằm vào người Duy Ngô Nhĩ]. Chúng ta đã có tòa án về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ [và] một số quốc hội để tuyên bố tội ác diệt chủng. Bằng chứng là rất rõ ràng, đặc biệt liên quan đến những thứ như… cưỡng bức triệt sản một số lượng lớn dân số", luật sư Reilly cho hay.

Chiến dịch của ĐCSTQ chống lại người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã bị các tổ chức nhân quyền cũng như một số quốc gia dán mác là tội ác diệt chủng. Trong đó bao gồm cả chính quyền Mỹ trước đây và hiện tại, cũng như quốc hội của Canada, Hà Lan, Litva, Bỉ, Cộng hòa Séc, và Vương quốc Anh.

Một tòa án nhân dân độc lập, được gọi là Tòa án về vấn đề Duy Ngô Nhĩ, đã ra phán quyết vào tháng 12/2021 rằng, chính quyền Trung Quốc đã thực hiện hành vi diệt chủng đối với các dân tộc thiểu số theo đạo Hồi ở Tân Cương thông qua một loạt các hành vi đàn áp bao gồm giam giữ hàng loạt, chia cắt gia đình, triệt sản, và lao động cưỡng bức.

"Tôi nghĩ khi nạn diệt chủng đang diễn ra… và bạn là tổng thư ký LHQ, bạn có lẽ cần yêu cầu chấm dứt nạn diệt chủng, chứ không phải chỉ yêu cầu có một chuyến tham quan có hướng dẫn viên về vấn đề ấy", luật sư Reilly nói.

Theo luật sư Reilly, Hội đồng Nhân quyền LHQ và Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ cố gắng tránh chỉ trích Trung Quốc. Cô cho biết, Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet đã không lên án những hành vi vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ hoặc các học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần có các học viên đã bị ĐCSTQ bức hại một cách có hệ thống kể từ năm 1999.

"Nếu bạn… xem rất nhiều bài báo nói rằng, 'LHQ đã tuyên bố như thế này [thế khác] về vấn đề nhân quyền của Trung Quốc', thì tuyên bố ấy luôn là do một chuyên gia độc lập nói. Vì vậy, đó thực ra không phải là một người từ LHQ, mà là một người độc lập với LHQ, nhưng được chỉ định làm chuyên gia trong một lĩnh vực cụ thể để xem xét vấn đề đó", luật sư Reilly cho hay.

(Từ trái sang phải) Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc Peter Thomson, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres chụp ảnh trước một cuộc họp tại trụ sở châu Âu của Liên Hợp Quốc, Geneva, 18/01/2017. (Denis Balibouse / AFP, qua Getty Images)

Thế lực ngoại giao và tài chính của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc

Luật sư Reilly tin rằng, có hai lý do đằng sau sự đối xử đặc biệt mà Trung Quốc nhận được từ LHQ: thế lực ngoại giao và tài chính của Bắc Kinh.

Theo luật sư này, các nhà ngoại giao Trung Quốc thường xuyên gây áp lực lên các nhân viên của LHQ, nhằm tác động đến nội dung các báo cáo của họ về vi phạm nhân quyền. Cô cho biết, Trung Quốc sẽ có quyền truy cập vào báo cáo sắp tới về người Duy Ngô Nhĩ trước khi nó được đăng tải.

Về ảnh hưởng tài chính, cô Reilly cho biết, các nước tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc có xu hướng ủng hộ Bắc Kinh tại Hội đồng Nhân quyền LHQ cơ quan cao nhất về nhân quyền của LHQ với 47 thành viên.

Sáng kiến Vành đai và Con đường là dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn của Bắc Kinh, nhằm mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của ĐCSTQ trên toàn thế giới. Kế hoạch này đã bị phương Tây giám sát kỹ lưỡng, và được mô tả là "ngoại giao bẫy nợ" gây khó khăn cho các nước đang phát triển với mức nợ không bền vững.

Luật sư Reilly cũng đặt câu hỏi về sự công bằng của Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet đối với Trung Quốc, với lưu ý rằng khi bà Bachelet còn là tổng thống Chile, thì bà là đại diện khu vực cho Sáng kiến Vành đai và Con đường. Trong một diễn đàn Sáng kiến Vành đai và Con đường năm 2017, bà Bachelet được trích dẫn là đã ca ngợi sáng kiến ​​của Bắc Kinh, theo Bộ Ngoại giao Chile cho hay.

"Không phải là bà ấy vào làm tại Văn phòng Cao ủy Nhân quyền rồi đột nhiên quên đi quá khứ của mình".

Các quan chức cấp cao của LHQ đã và đang thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường, theo một báo cáo của Foreign Policy. Đặc biệt, Tổng thư ký LHQ António Guterres đã ca ngợi Sáng kiến Vành đai và Con đường, nhấn mạnh rằng có sự giống nhau "giữa Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường và các Mục tiêu Phát triển Bền vững của [LHQ]".

Năm 2016, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận với LHQ, cam kết đầu tư 20 triệu USD hàng năm trong 10 năm, vào Quỹ Ủy thác Hòa bình và Phát triển của LHQ.

Luật sư Reilly mô tả cam kết này là một "quỹ đen, để thúc đẩy sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, nhưng như là để thúc đẩy [sáng kiến] do văn phòng António Guterres và chính phủ Trung Quốc cùng thực hiện".

"Bây giờ, họ (Trung Quốc) rõ ràng nghĩ rằng họ đang đạt được điều gì đó từ việc này. Và tôi cho rằng, điều đó có thể là sự im lặng của ông ấy (Tổng thư ký LHQ)", cô nói.

Tờ Epoch Times đã liên lạc với Tổng thư ký LHQ Guterres, mời ông tham gia phỏng vấn về chủ đề này. Tuy nhiên, ông đã từ chối với lý do không muốn can thiệp vào các cuộc đàm phán giữa cao ủy và chính quyền Trung Quốc liên quan đến chuyến thăm đến Tân Cương. Ông Guterres nói rằng, ông không muốn "làm suy yếu khả năng của chuyến công tác đáng tin" đến khu vực Tân Cương mà ông đã yêu cầu thực hiện.

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ vẫn chưa trả lời đề nghị bình luận từ tờ Epoch Times tại thời điểm bài báo này được đăng.

Cao Dương

Theo The Epoch Times

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Liên Hợp Quốc lờ đi các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc vì thế lực của Bắc Kinh