Liệu Châu Âu có thể tự 'giải phóng' khỏi Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 1/7, Đức sẽ đảm nhận chức chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) trong sáu tháng. Bị “kẹt” giữa những căng thẳng Mỹ-Trung, bà Angela Merkel sẽ phải tìm ra một phương thức để khẳng định các yêu sách của châu Âu đối với Trung Quốc trong việc: quan hệ thương mại “có đi có lại” và chấm dứt thông tin sai lệch về đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Hội nghị thượng đỉnh giữa EU và Trung Quốc, vốn sẽ được tổ chức tại Leipzig, đã chính thức bị hoãn lại. Dự kiến ​​ban đầu là sẽ diễn ra vào mùa xuân này, vào tháng 3 hoặc tháng 4, nhưng cuộc họp đã bị hoãn lại đến ngày 14/9 vì lý do đại dịch.

Đây được xem là cơ hội để Brussels và Bắc Kinh tăng cường các mối quan hệ khi Berlin đảm nhận chức chủ tịch EU trong sáu tháng kể từ ngày 1 tháng 6, và có nhiều khả năng để ký kết Thỏa thuận Toàn diện về Đầu tư (CAI, Comprehensive Agreement on Investment) được mong đợi từ lâu.

Có hai lý do đã thúc đẩy Brussels phải hoãn cuộc họp một lần nữa: một mặt, các quan chức châu Âu và Trung Quốc đều nhất trí rằng mức độ rủi ro từ đại dịch vẫn còn quá cao. Mặt khác, tâm lý “chống Trung” đang ngày càng được cảm nhận nhiều hơn trong số các nhà lãnh đạo châu Âu.

Brussels thậm chí còn công khai cáo buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong hơn sáu tháng qua, đã tiến hành một chiến dịch “đầu độc thông tin” hay chiến dịch thông tin sai lệch trên quy mô lớn nhằm gây hại cho EU. Ngoài ra, theo một số nguồn tin, EU đang suy nghĩ về một đề xuất với Liên Hợp Quốc (LHQ) nhằm đưa Trung Quốc ra trước tòa án cấp cao nhất của LHQ vì vấn đề luật an ninh quốc gia ở Hong Kong.

Bất chấp việc Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với các mặt hàng xuất khẩu của Đức, và là đối tác hàng đầu của Đức vào năm 2018 với kim ngạch mậu dịch gần 200 tỷ euro, mối quan hệ song phương giữa Berlin và Bắc Kinh đã xấu đi kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Covid-19.

Phần lớn dư luận hoài nghi về ý đồ của Trung Quốc

Theo Bộ Ngoại giao Đức, “Đức muốn Trung Quốc tiếp tục đạt được những tiến bộ về kinh tế, phát triển các cấu trúc cũng như một hệ thống an sinh xã hội dựa trên nguyên tắc ‘thượng tôn pháp luật’, tăng cường sự tham gia chính trị và kinh tế, và giải quyết những vấn đề liên quan đến [vi phạm nhân quyền đối với] các dân tộc thiểu số một cách ôn hòa”.

Tuy nhiên, phần lớn dư luận tỏ ra hoài nghi về ý đồ của Trung Quốc. Nói một cách cụ thể hơn, một cuộc thăm dò trực tuyến gần đây cho thấy 77% những người được hỏi tin rằng Trung Quốc phải “chịu trách nhiệm về đại dịch, được cho là bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán”.

Nhật báo Bild của Đức đã chỉ trích một cách nặng nề về nỗ lực của Trung Quốc trong việc che giấu thông tin và gây ảnh hưởng sai lệch đến nhận thức chung của người dân, chính phủ các nước về đại dịch.

Trên thực tế, chính sách ngoại giao của Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng hơn. Chẳng hạn như, các đại sứ quán Trung Quốc, Ban Đối ngoại Trung ương của ĐCSTQ, cũng như các phương tiện truyền thông Trung Quốc và các kênh truyền thông phương Tây “thân Trung”; tất cả đều trở thành các kênh thông tin mà thông qua đó, ngoại giao “chiến lang” của ĐCSTQ đã “ngang ngược tung hoành” trong thời gian qua.

Ngoài ra, tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung mới đây cũng cho rằng sự tôn trọng của Berlin đối với Bắc Kinh đã giảm xuống, điều này có thể đồng nghĩa với việc hội nghị Leipzig sẽ bị hoãn lại vô thời hạn.

Chính phủ Đức đã đưa ra một tuyên bố ngắn gọn liên quan đến Luật An ninh Quốc gia Hong Kong. Berlin mong muốn Trung Quốc tuân thủ nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”.

Tạp chí Der Spiegel tiết lộ, giới chính trị gia đối lập của Đức, như Margarete Bause (đảng Alliance 90/Les Verts), đã có thái độ thẳng thắn hơn, lên án các biện pháp mà Trung Quốc đã thực hiện và sự phản ứng miễn cưỡng của chính phủ Đức. Kể từ đó, đã có rất nhiều cuộc thảo luận mở được tiến hành ở Quốc hội Đức [Bundestag] liên quan đến chủ đề này.

Tất cả các cuộc đàm phán đều không đi đến đâu?

Vào tháng 5/2013, Ủy ban Châu Âu đã công bố một bản đánh giá về những tác động đến các mối quan hệ đầu tư giữa EU và Trung Quốc, kèm theo một khuyến nghị cho Hội đồng Châu Âu trong việc ra quyết định cho phép mở các cuộc đàm phán về thỏa thuận CAI.

Vòng đàm phán đầu tiên đã diễn ra vào tháng 1/2014. Đến cuối năm 2020, sau khoảng 7 năm đàm phán miệt mài, cuối cùng, Trung Quốc và EU đã sẵn sàng ký kết thỏa thuận.

Tóm lại, thỏa thuận được cho là sẽ cải thiện những điều kiện để các doanh nghiệp châu Âu tiếp cận thị trường Trung Quốc, ngoài các cam kết hiện tại của Trung Quốc trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới. Thỏa thuận này sẽ cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận của các nhà đầu tư EU vào thị trường Trung Quốc, loại bỏ những hạn chế mang tính định lượng, những trần giới hạn tham gia hoặc những yêu cầu liên doanh.

Tuy nhiên, những người hiểu rõ hơn về vấn đề này cho rằng giữa hai bên đã nảy sinh một rạn nứt mới, khó có thể “hàn gắn” trong ngắn hạn. Điều này phát sinh chủ yếu từ cách xử lý của ĐCSTQ trong đại dịch, và đã ngăn cản các cuộc đàm phán trực tiếp, do đó dẫn đến một sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc.

Brussels đã nói rõ: họ hy vọng Bắc Kinh sẽ đáp ứng một loạt yêu cầu để có thể tiến lên. Điều quan trọng nhất là sự “có đi có lại” trong việc tiếp cận thị trường, tạo ra một tình huống công bằng hơn cho các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Trung Quốc và một sự minh bạch hơn về các khoản trợ cấp của Bắc Kinh dành cho các doanh nghiệp nhà nước của họ.

Trên thực tế, những yêu cầu này cho thấy một sự thay đổi của những người ra quyết định và giới kinh doanh tại châu Âu trong nhận thức về Trung Quốc: vốn từng theo truyền thống “rất lạc quan”. Giờ đây, đặc biệt là trong những năm gần đây, họ ngày càng coi Trung Quốc như một đối thủ cạnh tranh “vô cùng bất chính”.

ĐCSTQ yêu sách ‘có đi có lại’

Giới chức trách Trung Quốc sau đó cũng đưa ra các yêu sách của họ. Vào tháng 12 năm 2019, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, đã lưu ý rằng hiệp định đầu tư là một vấn đề quan trọng đối với Bắc Kinh, nhưng nhấn mạnh rằng EU cũng phải sẵn sàng chấp nhận một số điều kiện do Trung Quốc đặt ra.

Vương Nghị đã yêu cầu EU phải khách quan và đưa ra những quyết định độc lập về mạng 5G, ám chỉ về quyết định của nhiều chính phủ châu Âu không cho phép Huawei phát triển mạng 5G của Trung Quốc do những lo ngại từ lệnh cấm từ Hoa Kỳ.

Zhang Ming, đặc phái viên của Bắc Kinh tại EU, đã nói thêm rằng Trung Quốc cũng cảnh giác đối với những nỗ lực của các chính phủ châu Âu và khối EU nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào châu Âu hoặc mua lại các doanh nghiệp của EU. Bắc Kinh còn lớn tiếng "buộc tội" rằng những biện pháp như vậy chỉ đơn giản là “đạo đức giả”.

Châu Âu cho rằng Trung Quốc phải từ bỏ các hoạt động bảo hộ, và Trung Quốc cũng muốn kiểu “có đi có lại” đó. Kể từ năm 2016, EU đã quyết định hạn chế việc các nhà đầu tư ngoài châu Âu mua lại các công ty chiến lược của châu Âu. Trên thực tế, điều này thể hiện một hàng rào phi thuế quan, nhằm chống lại các hoạt động đầu tư từ Trung Quốc.

Bước ngoặt

Đức hiện đang đánh giá lại các mối quan hệ với Trung Quốc. Berlin lo ngại sâu sắc về việc thiếu sự “có đi có lại”, sự lạm phát các khoản nợ và ảnh hưởng chính trị dọc theo sáng kiến Vành đai và Con đường, còn được gọi là “Con đường tơ lụa mới” của Bắc Kinh; cũng như việc ĐCSTQ giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, các đàn áp nhân quyền, chưa kể đến tương lai của Hong Kong sau Luật An ninh Quốc gia.

Theo chiều hướng này, thách thức của bà Angela Merkel trong năm 2020 sẽ là việc xác định một không gian giao tiếp cho EU trong một bối cảnh quốc tế được cấu trúc lại, trên diện rộng, bởi mối quan hệ căng thẳng Mỹ-Trung. Đó là một không gian mà ở đó Châu Âu có thể thể hiện những cân nhắc của mình.

Điều quan trọng cần nhấn mạnh là, ngay từ đầu, chiến lược của Đức là làm “Trung Quốc thay đổi thông qua thương mại”. Tuy nhiên, điều này được chứng tỏ là không có hiệu quả trong nhiều trường hợp. Năm 2016, chính phủ Đức đã gióng lên hồi chuông cảnh báo khi công ty Midea của Trung Quốc đề nghị mua lại 35% cổ phần của tập đoàn Kuka, một nhà chế tạo robot của Đức, với giá 4,6 tỷ euro.

Tiếp theo đó, vào năm 2017, Đức cùng với Pháp và Ý đã tiến hành thảo luận về việc triển khai một cơ chế sàng lọc các khoản đầu tư trong toàn khối EU.

Giới tinh hoa chính trị của Đức cần có lập trường về sự can thiệp của Trung Quốc trong việc thông tin sai lệch và các vấn đề liên quan khác. Giới lãnh đạo châu Âu lo ngại rằng, trên thực tế, Đức không có khả năng dẫn dắt châu Âu trong một lập trường kiên quyết hơn đối với Trung Quốc.

Dù sao, một điều chắc chắn nổi lên từ sự “rối rắm chính trị” này là: lần đầu tiên, giới lãnh đạo các doanh nghiệp Đức đã bắt đầu các cuộc thảo luận mở về những rủi ro khi kinh doanh với ĐCSTQ hoặc với các đối tác Trung Quốc, và đang suy nghĩ về các lựa chọn khác để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ.

Cuộc khủng hoảng có nhiều khả năng thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách của Đức nhận ra sự cần thiết của một sự đoàn kết lớn hơn trong khối EU, để đối phó với sự trỗi dậy của một ĐCSTQ ngày càng thủ đoạn quyết liệt hơn.

Tác giả: Federico Brembati - Giám đốc khu vực Tây Âu của tập đoàn Cercius. Ông chuyên về các chủ đề đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào EU và châu Mỹ Latinh. Từng là khách mời nghiên cứu của trường El Colegio de Mexico, vào năm 2017, ông được mời trình bày các công trình của mình về sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) tại Hạ viện ở Italia.

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

Liệu Châu Âu có thể tự 'giải phóng' khỏi Trung Quốc?