Liệu Hong Kong có lấy lại được vẻ hào nhoáng sau khi nới lỏng kiểm dịch?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hong Kong đã nới lỏng các biện pháp kiểm dịch nhập cảnh kể từ ngày 26/9. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng trong ba năm qua, 'Luật An ninh Quốc gia' và chính sách zero COVID đã gây ra những thiệt hại khó có thể vãn hồi chỉ thông qua cách này. Việc Hong Kong có lấy lại được vẻ hào nhoáng hay không vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Vào ngày 29/6, tờ New York Times đã đăng một bài báo thảo luận về việc liệu Hong Kong có thể khôi phục lại vẻ hào nhoáng trước đây như một "thành phố quốc tế" hay không.

Bài báo của tờ New York Times mô tả tình hình hiện tại ở Hong Kong: những cửa hàng sang trọng một thời đã được thay thế bằng những cửa hàng bán khẩu trang; những tòa nhà chọc trời vắng bóng người và những con phố nhộn nhịp giờ đây chìm trong tĩnh lặng.

Bài báo chỉ ra rằng trong hơn hai năm qua, Hong Kong đã thực hiện các quy định phòng chống dịch nghiêm ngặt nhất thế giới. Mặc dù chính phủ hiện đang nới lỏng các biện pháp kiểm dịch nhập cảnh, nhưng "vẫn có những điểm không mấy chắc chắn trong chính sách mới", chẳng hạn như những người nhập cảnh vào Hong Kong vẫn bị cấm đến những nơi "có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao" như nhà hàng, quán bar và phòng tập thể dục trong ba ngày đầu tiên. Cộng đồng doanh nghiệp lo ngại rằng, chính sách mới sẽ không đủ sức để đảo ngược đà lao dốc của nền kinh tế Hong Kong.

Chính sách này cũng làm dấy lên những lo ngại sâu sắc hơn. Bài báo cho rằng việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch lần này "được sự cho phép của chính quyền trung ương" về vấn đề phòng chống dịch. Điều này khiến thế giới bên ngoài lo ngại rằng Hong Kong đã đánh mất đi quyền tự chủ. Xét cho cùng thì Hong Kong cũng khác biệt so với các thành phố khác của Trung Quốc.

Một chuyên gia về quản trị doanh nghiệp tại Hong Kong, David Webb đã thẳng thắn nhận định rằng, danh tiếng quốc tế của Hong Kong đã bị tổn hại hoàn toàn. Tin tức về việc bắt buộc xét nghiệm trên toàn quốc và phong tỏa thành phố từng lan truyền, khiến người dân hoang mang và khiến nhiều người rời bỏ Hong Kong, chủ yếu là người nước ngoài. Ông mô tả những điều này là "thiệt hại vĩnh viễn" đối với Hong Kong.

Bài báo cho biết, nhiều công ty đa quốc gia từng hoạt động ở Hong Kong trong nhiều thập kỷ, nay chuyển trụ sở chính và nhân viên của họ đến những nơi như Singapore và Seoul, những nơi mà các hạn chế về phòng chống dịch bệnh ít nghiêm ngặt hơn. Ngoài ra, các giáo viên của trường quốc tế Hong Kong, các vận động viên nước ngoài và giới tinh hoa địa phương cũng đã rời đi.

Sau “Luật An ninh Quốc gia”, chính quyền trung ương tiếp tục thắt chặt quản lý Hong Kong khiến môi trường xã hội ở Hong Kong hoàn toàn nghiêng về “cánh tả”, giáo dục lòng yêu nước được đưa vào các cơ sở lớn, và bầu không khí trung thành của mọi người tạo ra một chiếc bóng đè lên hệ thống giáo dục. Các trường quốc tế đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự. Một giáo viên người nước ngoài giảng dạy tại một trường quốc tế ở Hong Kong cho biết: “Ở một khía cạnh nào đó, Hong Kong giờ đây chỉ còn là một thành phố khác của Trung Quốc”.

Ông Frederik Gollob, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Hong Kong, cho biết, Hong Kong sẽ phải nỗ lực rất nhiều để định hình lại hình ảnh trong mắt cộng đồng quốc tế và thu hút các công ty nước ngoài. Một số nhân vật trong lĩnh vực tài chính thẳng thừng tuyên bố rằng, để Hong Kong lấy lại sức cạnh tranh thì phải tuân theo cách làm của London, New York và Singapore.

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, hơn một phần ba các công ty đầu tư cho biết họ đã chuyển một số hoặc tất cả các giám đốc điều hành của mình ra khỏi Hong Kong. Tình trạng chảy máu chất xám đã thu hẹp lực lượng lao động ở Hong Kong xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ. Bộ trưởng Tài chính dự kiến ​​suy thoái kinh tế của Hong Kong sẽ tiếp tục cho đến ít nhất là cuối năm nay.

Hong Kong sẽ tổ chức hội nghị đầu tư của các nhà lãnh đạo tài chính quốc tế trong vòng hai ngày, từ ngày 01/11 đến ngày 02/11 . Theo báo chí Hong Kong, sẽ có khoảng 200 lãnh đạo tài chính quốc tế tham dự, bao gồm Giám đốc điều hành HSBC Holdings, Giám đốc điều hành Ngân hàng Standard Chartered, lãnh đạo của Morgan Stanley, Goldman Sachs, JPMorgan Chase, UBS, Citi, Blackstone, ACM và BlackRock.

Về quy định cách ly nhập cảnh "0 + 3", ông Yu Weiwen, Chủ tịch Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) , cho biết hội nghị có sự tham gia của các đối thủ nặng ký trong ngành tài chính toàn cầu. Hầu hết các nhà lãnh đạo này đều kinh doanh lớn và chỉ có thể ở Hong Kong trong thời gian ngắn. Các nhà chức trách sẽ có biện pháp hỗ trợ hợp lý để họ ở lại Hong Kong.

Trong thời gian này, có thể tổ chức các cuộc họp như bình thường để thiết lập mối quan hệ. Ông Weiwen tin rằng vòng biện pháp nới lỏng mới là rất hữu ích, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia và thể hiện vị thế của Hong Kong như một trung tâm tài chính quốc tế.

Một sự kiện quốc tế khác vào tháng 11 là giải World Rugby Sevens, một trong những sự kiện thể thao nổi tiếng nhất của Hong Kong. Ông Robbie McRobbie, giám đốc điều hành của Liên đoàn bóng bầu dục Hong Kong, không chắc liệu "vé có được bán hết" hay không, vì khán giả nước ngoài phải trải qua quá trình tự theo dõi tình trạng sức khỏe ba ngày sau khi nhập cảnh, trước khi họ có thể xem các trận đấu khác.

Trước đó, một số nhà phân tích chỉ ra rằng Hong Kong còn lâu mới "trở lại bình thường". Chính sách "0 + 3" chỉ là một bước nhỏ trong việc "trở lại bình thường mới". Trong tương lai, một loạt các hạn chế xã hội như lệnh đeo khẩu trang và hạn chế tụ tập cần được dỡ bỏ. Tuy nhiên, nhiều công dân địa phương vui mừng khi thấy việc thực hiện chính sách "0 + 3", vì không cần phải ở trong khách sạn cách ly sau khi trở về Hong Kong, và cuối cùng họ có thể đi du lịch nước ngoài sau khi bị "giam giữ" gần 3 năm.

Tờ Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ cho biết kể từ khi chính phủ thông báo nới lỏng các quy định nhập cảnh vào ngày 23/9, họ đã nhận được hơn 300 yêu cầu du lịch từ người dân Hong Kong, nhiều người trong số họ "đã đi du lịch ở nước ngoài lần đầu tiên trong gần ba năm".

Việc đi du lịch nước ngoài của người dân đã làm dịch chuyển sức chi tiêu của Hong Kong, khiến ngành dịch vụ ăn uống tại địa phương bị ảnh hưởng rất nhiều.

Lam Giang

Theo Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Liệu Hong Kong có lấy lại được vẻ hào nhoáng sau khi nới lỏng kiểm dịch?