Liệu Ukraine có thức tỉnh trước sự thất hứa của Bắc Kinh?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi các nhà lãnh đạo phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga vì cuộc chiến ở Ukraine, Trung Quốc đã kìm chế. Hành vi này hướng công luận đến mối quan hệ thân thiết giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và chính phủ Ukraine.

Ukraine đã hỗ trợ ĐCSTQ phát triển quân sự

Ukraine và chính quyền Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 4/1/1992, gần như ngay sau khi Ukraine tuyên bố độc lập vào năm 1991 sau sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết (Liên-xô cũ).

Kế thừa nền công nghiệp quân sự của Liên Xô cũ, Ukraine đã phát triển quan hệ thân thiết với ĐCSTQ. ĐCSTQ đã nhận được sự trợ giúp to lớn về thiết bị quân sự và công nghệ từ Ukraine.

Về thiết bị quân sự, Ukraine đã bán tàu Varyag cùng với các bản thiết kế liên quan cho Trung Quốc. Nó được Lực lượng Hải quân Trung Quốc cải hoán và đổi tên thành Liêu Ninh. Tàu này đã trở thành tàu sân bay đầu tiên của nước này.

Vào năm 2015, tờ Thời báo Hoàn Cầu của nhà nước Trung Quốc đưa tin: “Trong 20 năm, Ukraine đã xuất khẩu sang ĐCSTQ hơn 30 loại công nghệ quân sự liên quan đến các thiết bị chủ chốt như tàu sân bay, hệ thống động lực tàu lớn, thiết kế máy bay vận tải cỡ lớn, vũ khí siêu thanh tiên tiến, máy bay huấn luyện, động cơ xe tăng và tên lửa không đối không.

Tờ báo cũng cho biết, ĐCSTQ đã có được gần như tất cả công nghệ quân sự mà họ mong muốn từ Ukraine. Thời báo Hoàn cầu đã từng thừa nhận rằng “nếu không có Ukraine, ĐCSTQ sẽ không có các thành tựu quốc phòng”.

Hàng nghìn kỹ sư quân sự Ukraine đã được tuyển dụng để làm việc cho ĐCSTQ, trong đó có ông Valery Vasilevich Babich, nhà thiết kế chính của tàu Varyag.

ĐCSTQ cũng dựa vào Ukraine trong chương trình thăm dò Mặt Trăng. Theo một báo cáo do IGCC (Viện Xung đột và Hợp tác Toàn cầu) soạn thảo vào năm 2015, “Ukraine được thừa hưởng một lượng đáng kể ngành công nghiệp vũ trụ của Liên Xô cũ, đặt cơ sở hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực này, đặc biệt là những ngành liên quan đến tên lửa đạn đạo và phương tiện phóng”.

Ukraine thiết lập quan hệ kinh tế sâu sắc với Trung Quốc

Năm 2011, Ukraine và Trung Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đồng ý hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, khoa học và công nghệ, hàng không, vũ trụ, nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Năm 2016, COFCO của Trung Quốc, một công ty kinh doanh nông nghiệp, đã đầu tư 75 triệu đô la vào một bến trung chuyển ngũ cốc và dầu tại cảng biển Mykolaiv.

Một công nhân trưng bày đậu nành nhập khẩu từ Ukraine tại cảng ở Nam Thông, thuộc tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, vào ngày 10/5/2019. (STR / AFP / Getty Images)

Năm 2019, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei đã giành được hợp đồng xây dựng mạng 4G cho hệ thống tàu điện ngầm Kyiv.

Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Ukraine; thương mại giữa hai bên đạt 15 tỷ đô la vào năm 2020 và gần 19 tỷ đô la vào năm 2021, theo dữ liệu hải quan của chính phủ Ukraine.

Tháng 6/2021, Thứ trưởng Kinh tế Ukraine Taras Kachka nói rằng Trung Quốc là đối tác chiến lược quan trọng nhất của Ukraine ở châu Á.

Ngày 30/6, Ukraine đã ký một thỏa thuận với Trung Quốc về hợp tác sâu rộng trong các dự án cơ sở hạ tầng. Theo các điều khoản của thỏa thuận, Trung Quốc được phép đầu tư tài chính với các điều kiện ưu đãi vào các công trình xây dựng đường xá, cầu cống và sân bay ở Ukraine.

Tháng 7/2021, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có cuộc điện đàm đầu tiên với lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình. Ông Zelensky bày tỏ rằng “phía Ukraine coi trọng và hết lòng thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc”. Ông cũng nói, Ukraine có thể trở thành “cầu nối châu Âu” của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Các đảng chính trị lớn của Ukraine có chung các giá trị của ĐCSTQ

Vào ngày 4/7/2016, nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày thành lập ĐCSTQ, Thủ tướng Ukraine khi đó là Yulia Tymoshenko nói với Đại sứ Trung Quốc tại Ukraine, ông Du Wei, rằng Đảng Batkivshchyna của bà hoan nghênh các hoạt động trao đổi giữa hai nước. Bà cũng nói, Ukraine cần học hỏi kinh nghiệm điều hành đất nước của ĐCSTQ.

Theo một báo cáo năm 2019 về chính sách đối ngoại của Ukraine, “Đảng Batkivshchyna có mối quan tâm lớn nhất đối với Trung Quốc, so với các đảng chính trị khác. Chương trình bầu cử ‘Ukraine’s New Course’ của Đảng này nói rằng, một công thức mới cho các cuộc đàm phán, gọi là ‘Budapest +’, cần có sự tham gia của Trung Quốc”.

Vào tháng 7/2021, Tổng thống Ukraine Zelensky và Đảng chính trị của ông, Servant of the People (Đầy tớ của dân), đã chúc mừng ĐCSTQ nhân kỷ niệm 100 năm thành lập. Lãnh đạo của Đảng Đầy tớ của dân, ông David Arakhamia, nhấn mạnh rằng Đảng của ông có cùng “các nguyên tắc chung” với ĐCSTQ.

Kyiv tránh chỉ trích các vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh

Khi thế giới lên án Bắc Kinh vi phạm chính sách “một quốc gia, hai chế độ” của Hong Kong và làm xói mòn các quyền tự do của Đặc khu này, Thủ tướng Tymoshenko khi đó nói với Tân Hoa xã rằng các nước khác “không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”.

Năm ngoái, Ukraine đột ngột rút lại sự ủng hộ của mình đối với tuyên bố của Liên Hợp Quốc lên án việc chính quyền Trung Quốc ngược đãi người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Những lời hứa suông của ĐCSTQ

Vào tháng 12/2013, Trung Quốc và Ukraine đã ký một “Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác” và ra một Tuyên bố chung, nêu rõ “Trung Quốc cam kết vô điều kiện không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Ukraine không-có-hạt-nhân [,] và Trung Quốc cam kết cung cấp thêm cho Ukraine [a] đảm bảo an ninh hạt nhân khi Ukraine xảy ra một cuộc xâm lược liên quan đến vũ khí hạt nhân hoặc [khi] Ukraine đang bị đe dọa về một cuộc xâm lược hạt nhân”.

Nhưng hiện tại, trong bối cảnh cuộc xâm lược Ukraine của Nga, hành động mạnh mẽ nhất của ĐCSTQ cho đến nay là lời kêu gọi của ông Tập về "sự kiềm chế tối đa" ở Ukraine vào ngày 8/3.

Trung Quốc đã “từ chối lên án các hành động của Nga ở Ukraine, từ chối gọi đó là một cuộc xâm lược, Ngược lại, Bắc Kinh đã nhiều lần bày tỏ sự phản đối đối với những gì họ mô tả là các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp đối với Nga”, Reuters đưa tin vào ngày 8/3.

Vậy sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với Ukraine hiện đang ở đâu? Liệu Ukraine cuối cùng có thức tỉnh trước việc ĐCSTQ thất hứa và phá vỡ cam kết của họ không?

Tác giả: Li Zhengkuan. Li Zhengkuan là nhà báo tự do chuyên viết về các vấn đề của Trung Quốc và bắt đầu tham gia The Epoch Times năm 2020.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times

Quan điểm trong bài viết này là của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD VIETNAM.

 



BÀI CHỌN LỌC

Liệu Ukraine có thức tỉnh trước sự thất hứa của Bắc Kinh?