Lời cam kết đầy nguy hiểm của Tổng thống Biden dành cho Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Joe Biden - vị Tổng thống được cho là yếu kém nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại, người đã góp phần không nhỏ vào sự sụp đổ tồi tệ và đẫm máu của Afghanistan - vừa đưa ra một cam kết mở với nhà lãnh đạo Ukraine, ông Volodymyr Zelensky, rằng Mỹ sẽ "đáp trả dứt khoát" nếu Moscow xâm lược Ukraine.

Cam kết của ông Biden dường như được đưa ra mà chưa tham khảo qua các đồng minh NATO. Bản thân NATO cũng chưa thảo luận về vấn đề này. Ukraine không phải là thành viên NATO và do đó, không quốc gia NATO nào, hay Mỹ, có nghĩa vụ bảo vệ Ukraine.

Hồi tháng 12/2021, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong một thông điệp gửi tới ông Zelensky rằng: “NATO sẽ sát cánh với Ukraine. Tất cả các nước Đồng minh ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”. Và giống như lời cam kết của ông Biden, tuyên bố của ông Stoltenberg đã không được các thành viên NATO chấp thuận.

Thanh kiếm mà Mỹ và NATO vung lên đe dọa hòa bình châu Âu hơn là đe dọa Nga

Châu Âu không có đủ điều kiện để thúc đẩy một cuộc xung đột với Nga trong bối cảnh cuộc xung đột này có thể dẫn đến giao tranh từ vùng Baltic đến Biển Đen và có thể khiến một số đồng minh NATO sụp đổ. Đó là chưa kể đến những biến động chính trị ở các nước Tây Âu.

Bất kỳ cuộc giao tranh thực sự nào đều phải do Mỹ thực hiện. Quân đội châu Âu không có đủ khả năng để làm gì nhiều. Lực lượng không quân và trên bộ của Mỹ sẽ phải đóng quân ở các nước NATO. Trong khi những nước đó, ngay cả khi họ chỉ tham gia một số hoạt động nhỏ, sẽ ở vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu và đối mặt với sự trả đũa từ Nga.

Không phải là không có lý khi cho rằng liên minh NATO sẽ nhanh chóng sụp đổ nếu một cuộc chiến tranh lớn thực sự nổ ra.

Những lời cam kết của ông Biden và của ông Stoltenberg thật là liều lĩnh. Trong khi đáng lẽ họ phải nhấn mạnh sự cần thiết có một giải pháp chính trị, qua đó khiến cả Ukraine và Nga đi đến bàn đàm phán, thì các tuyên bố của họ lại khuyến khích hai bên thực hiện hành động quân sự.

Người Ukraine luôn phản đối các cuộc đàm phán xung quanh hiệp định Minsk I và Minsk II. Hiệp định Minsk I (năm 2014) và Minsk II (năm 2015) mang đến một số quyền tự trị cho Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk chưa được công nhận. Gần như chắc chắn rằng các nhà lãnh đạo của Ukraine không muốn thực hiện 2 hiệp định này vì lý do chính trị. Trên thực tế, Ukraine có thể rất muốn Nga công nhận 2 nước cộng hòa và sau đó, Ukraine sẽ lấy đó làm lý do để thuyết phục Mỹ và NATO chiến đấu cho Ukraine.

Nếu Nga công nhận 2 nước cộng hòa kể trên và trên cơ sở đó, Nga thực hiện các thỏa thuận an ninh với 2 nước cộng hòa, bao gồm cả việc công khai đưa các lực lượng Nga vào 2 khu vực đó, thì liệu điều đó có được gọi là một “cuộc xâm lược” theo quan điểm của ông Biden và ông Stoltenberg không? Nếu có, họ sẽ làm gì tiếp theo?

Lời cam kết đầy nguy hiểm của Tổng thống Biden dành cho Ukraine, tổng thống Joe Biden vừa đưa ra một cam kết mở với nhà lãnh đạo Ukraine ông Volodymyr Zelensky rằng Mỹ sẽ đáp trả dứt khoát nếu Moscow xâm lược Ukraine
Quân nhân và xe tăng Ukraine gần chiến tuyến đụng độ với quân ly khai ở khu vực gần Lysychansk, Ukraine, ngày 7/4/2021. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)

Về phần mình, Nga không thực sự hứng thú với Donetsk và Luhansk. “Lằn ranh đỏ” đối với Tổng thống Putin là sự hiện diện quân sự của NATO ở Ukraine. Không có gì nghi ngờ rằng thế giới đang ngày càng tiến gần hơn đến điều đó trong bối cảnh Mỹ cung cấp vũ khí và trang thiết bị tinh vi cho Ukraine, thực hiện các chuyến bay do thám dọc biên giới Ukraine-Nga, đồng thời thực hiện các cuộc diễn tập quân sự trên Biển Đen xung quanh Crimea (bán đảo krym). Mục tiêu của ông Putin là đạt được cam kết rằng NATO sẽ không biến Ukraine trở thành thành viên của liên minh. Ông Putin cũng muốn giảm thiểu các cuộc xung đột có thể xảy ra ở phía đông NATO, đặc biệt là ở Ba Lan.

Rất tiếc, chúng tôi không có bất kỳ thông tin nào từ cuộc điện đàm mới nhất giữa ông Biden và ông Putin. Cuộc gọi gần đây nhất được cho là sẽ tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga sẽ diễn ra vào ngày 9 và 10/01. Nga cũng sẽ gặp NATO vào ngày 12/1. Từ những gì có thể thấy, cuộc gọi sắp tới sẽ không có tác dụng đáng kể. Nó sẽ bao gồm các lời đe dọa trừng phạt và các biện pháp khác - như là cắt đứt quan hệ ngoại giao Mỹ-Nga.

Chiến tranh Nga-Ukraine nếu xảy ra sẽ ở mức độ nào?

Sẽ không công bằng nếu buộc tội rằng Tổng thống Biden đã đe dọa Nga mà không tham khảo các chính trị gia ở quê nhà. Có một sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Ukraine trong Quốc hội Mỹ và một sự ủng hộ nhất định trong công chúng Mỹ. Tất nhiên, người Mỹ không thích Nga. Nhưng chiến đấu với Nga sẽ khác rất nhiều so với chiến đấu với Saddam Hussein hay Taliban.

Nga đã xây dựng lại quân đội, có lực lượng phòng không và không quân mạnh mẽ, đồng thời có vị trí địa lý rất gần với tất cả mục tiêu ở Đông Âu. Tệ hơn nữa, rất khó để hiểu khi nào thì một trò chơi mới kết thúc.

Cuộc chiến sẽ chỉ diễn ra ở Ukraine hay sẽ mở rộng sang Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan? Liệu người Nga có ‘thèm muốn’ các sân bay và kho chứa ở Đức hay thậm chí là ở Anh? Ngay cả khi chiến tranh không lan rộng, liệu Mỹ hay NATO có cam kết ở lại Ukraine vô thời hạn?

Ngoài Ukraine, Mỹ cũng nên xem xét những gì mà những bên khác, bao gồm Trung Quốc, có thể làm. Nếu một cuộc chiến tranh, thậm chí là một cuộc chiến tranh cục bộ, nổ ra ở châu Âu, Trung Quốc có khả năng sẽ lợi dụng nó để thực hiện hành động quân sự chống lại Đài Loan. Trung Quốc có thể cho rằng Mỹ sẽ không có đủ nguồn lực hoặc kỹ năng để đối đầu với 2 đối thủ lớn cùng một lúc.

Do đó, lời cam kết của ông Biden với nhà lãnh đạo Ukraine, ông Zelensky, là rất nguy hiểm cho lợi ích của Mỹ ở nhiều cấp độ.

Quan điểm trong bài viết là của hai tác giả Stephen Bryen và Shoshana Bryen, và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Xuân Hoa

Theo The Epoch Times

Thế giới Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Lời cam kết đầy nguy hiểm của Tổng thống Biden dành cho Ukraine