London - thành phố có nhiều camera giám sát nhất thế giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

London là một thành phố hội tụ rất nhiều yếu tố đan xen như: thời tiết xấu, âm nhạc tuyệt vời, đồ ăn tầm thường, thủ tướng sặc sỡ, cung điện Buckingham và camera giám sát. Cụ thể hơn, các camera giám sát được cung cấp bởi các công ty Anh Quốc có quan hệ mật thiết với ĐCSTQ.

Tất nhiên, ta không thể thảo luận về chủ đề giám sát mà không nhắc đến thuyết Panoptic của ông Jeremy Bentham, nhà triết học người Anh và nhà thiết kế nhà tù toàn cảnh (sau này được nhà tiểu luận và triết học người Pháp Michel Foucault sử dụng). Tóm lại, thuyết Panoptic cho rằng chúng ta không bao giờ có thể thực sự biết rõ rằng, liệu mình có đang bị giám sát hay không. Khi những người giám sát trở nên vô hình, chúng ta không thể nhìn thấy họ. Nhưng họ có thể nhìn thấy chúng ta rõ mồn một.

Panopticon là một công trình có thiết kế cho phép quan sát toàn bộ bề mặt bên trong của nó từ một điểm duy nhất. Kiểu cấu trúc này, do đó, tạo điều kiện cho sự kiểm soát của những người ở trong tòa nhà .

Với sự giám sát liên tục này, hoặc ý tưởng liên tục được giám sát, ông Bentham tin rằng tâm trí của mọi công dân - bất kể chủng tộc, giới tính và đảng phái chính trị của họ - về cơ bản có thể bị thay đổi. Nhà triết học lập luận rằng kiểu kỷ luật của ông - hay cụ thể hơn là kỷ luật bản thân - sẽ dẫn đến một xã hội đầy rẫy sợ hãi và nghi ngờ. Ông ấy đã đúng. Hơn 200 năm sau, ông ấy vẫn đúng. Trên thực tế, quan điểm của ông chưa bao giờ đúng đắn hơn thế.

Tuy nhiên, như các học giả đã chỉ ra, mọi thứ đã thay đổi kể từ thời của ông Bentham. Bây giờ chúng ta đang sống trong một xã hội hậu Panoptic. Theo lời của nhà lý thuyết Masa Galič, giai đoạn đầu tiên của giám sát theo lập luận của ông Bentham và Foucault, là đưa ra các lý thuyết kiến ​​trúc về giám sát bao gồm “vật lý và không gian, liên quan đến các cơ chế tập trung theo dõi các đối tượng”.

Tuy nhiên, ngày nay, giám sát kiến ​​trúc phần lớn đã được thay thế bằng các phương pháp giám sát cơ sở hạ tầng. Mặc dù dấu chân vật lý của một cá nhân vẫn có sự liên đới, nhưng nó không đáng kể gì so với dấu chân kỹ thuật số của một người.

Còn được gọi là bóng ảnh kỹ thuật số, thuật ngữ này đề cập đến một tổ hợp các hoạt động kỹ thuật số có khả năng theo dõi cao nhất và duy nhất. Mọi thứ bạn nói, làm và xem trên thiết bị kỹ thuật số đều có thể được truy xuất nguồn gốc. Nói cách khác, chính là bạn. Cái bóng ảnh đáng ngại kia được kết nối mật thiết với dữ liệu giám sát, thực hành quan sát, khai thác và vũ khí hóa dữ liệu kỹ thuật số liên quan đến các hoạt động trực tuyến.

Giai đoạn thứ hai của giám sát

Lý luận của ông Bentham đồng nghĩa với giai đoạn giám sát đầu tiên. Trung Quốc đồng nghĩa với giai đoạn thứ hai. Năm trong số 10 thành phố bị giám sát nhiều nhất trên thế giới nằm ở Trung Quốc. Chín trong số 10 nằm ở châu Á. Đứng thứ nhất là London, thành phố có 1.138,48 camera trên mỗi dặm vuông (2,5 km vuông).

Tất nhiên, đây không phải là camera giám sát thông thường. Những con quái vật công nghệ cao này được trang bị phần mềm nhận dạng khuôn mặt có khả năng phân tích hình dạng khuôn mặt của một cá nhân. Trong tích tắc, những chiếc máy ảnh này tạo ra một mã kỹ thuật số duy nhất, thường được gọi là nhận dạng khuôn mặt.

Theo HD Integrated Systems, nhà sản xuất công nghệ giám sát, dữ liệu này “có thể được lưu trữ và sử dụng” giống như cách “dữ liệu sinh trắc học khác, bao gồm dấu vân tay, quét võng mạc và ghi âm giọng nói” được sử dụng và vũ khí hóa. Sau đó, "thuật toán nhận dạng khuôn mặt" sử dụng dữ liệu thu thập được để "xác định và phân tích" các chi tiết cụ thể về khuôn mặt của một cá nhân, bao gồm cả khuôn hàm và hình dạng mũi. Thông tin này sau đó được lưu trữ trong một cơ sở dữ liệu tập trung, không rõ ràng.

Những chiếc máy ảnh đang được sử dụng ở London đến từ đâu? Quý vị đã có câu trả lời rồi đó.

Chính là Trung Quốc.

Như tác giả Sakshi Tiwari đã lưu ý gần đây, Hikvision và Dahua - hai trong số những công ty sản xuất camera giám sát lớn nhất thế giới và có quan hệ chặt chẽ với ĐCSTQ - hiện đang “quét” bầu trời London. Với 41,88% quyền sở hữu, ĐCSTQ là bên liên quan lớn nhất của Hikvision.

Như vậy, họ làm gì với tất cả dữ liệu được thu thập được? Như tôi đã viết trước đây, có lý do để tin rằng chúng được gửi trở lại Bắc Kinh và được sử dụng để phát triển các thuật toán thậm chí còn phức tạp hơn nhiều.

Ảnh của Epoch Times
Màn hình hiển thị nhận dạng khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo được nhìn thấy trên màn hình tại khuôn viên Bantian của Huawei ở Thâm Quyến, Trung Quốc, hôm 26/4/2019. (Ảnh: Kevin Frayer / Getty Images)

Đáng lo ngại hơn nữa, những điều đang xảy ra ở London không phải là điều bất thường. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, ngày càng có nhiều cơ quan chính phủ sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt để thu thập lượng dữ liệu không đáng kể về những công dân khiêm tốn. Hiện tại, các Bộ Nông nghiệp, Thương mại, Quốc phòng, An ninh Nội địa, Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Nội vụ, Tư pháp, Nhà nước, Kho bạc và Cựu chiến binh đang bận rộn mở rộng hệ thống nhận dạng khuôn mặt của họ.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, quê hương của các công nghệ xâm lấn, ĐCSTQ hiện đang sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt để “phát hiện các dấu hiệu nhiễm COVID-19”, theo tờ South China Morning Post . Theo ông Wang Feng, một chuyên gia tài chính và công nghệ, nói với tờ Post rằng “tiềm năng thị trường” cho các máy ảnh nhận dạng khuôn mặt phức tạp là rất lớn.

Ông Wang tin rằng tiềm năng chỉ đơn giản là "không thể sánh được với bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, bởi vì những thiết bị thông minh này sẽ được sử dụng rộng rãi ở các thành phố lớn để đáp ứng các quy tắc kiểm soát virus nghiêm ngặt".

Chỉ ở các thành phố của Trung Quốc đại lục thôi phải không? Sai lầm!

Hiện nay, Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu công nghệ giám sát lớn nhất từ Nam Mỹ sang Nam Phi, đồng thời cũng xuất khẩu 'sản phẩm công nghệ cao' này tới thành phố London, đưa London lọt top 10 thành phố có nhiều camera giám sát nhất thế giới.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Huyền Anh

Tác giả bài viết là ông John Mac Ghlionn - một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được xuất bản bởi những tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US, và những tờ báo đáng kính khác. Ông cũng là một chuyên gia tâm lý xã hội, rất quan tâm đến các rối loạn chức năng xã hội và thao túng truyền thông.



BÀI CHỌN LỌC

London - thành phố có nhiều camera giám sát nhất thế giới