Mặc kệ lệnh trừng phạt, Taliban dự kiến sẽ gia tăng việc buôn bán ma túy

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi thế giới theo dõi các sự kiện diễn ra ở Afghanistan, nhiều người bắt đầu tự hỏi sự cai trị của Taliban có ý nghĩa như thế nào đối với tương lai của ngành sản xuất thuốc phiện tại đất nước Nam Á này.

Afghanistan là quốc gia sản xuất cây thuốc phiện lớn nhất thế giới. Loại cây này là nguyên liệu thô cho heroin - một trong những loại ma túy gây chết người nhiều nhất thế giới. Quốc gia này chiếm gần 83% sản lượng thuốc phiện toàn cầu từ năm 2015 đến năm 2020, theo ước tính của Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (U.N. Office on Drugs and Crime - UNODC). Và nước này là nhà cung cấp chính cho các thị trường heroin trên khắp châu Âu và châu Á.

Sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ đã không thể hạn chế việc sản xuất thuốc phiện trên khắp vùng nông thôn Afghanistan. Trong 2 thập kỷ qua, nền kinh tế thuốc phiện đã trở thành nguồn tiền chính cho Afghanistan, trong đó bao gồm các quy trình trồng cây thuốc phiện, chế biến thành bạch phiến và buôn bán thành phẩm.

Bất chấp luận điệu chống heroin của mình, nhóm phiến quân Taliban đã thu lợi rất nhiều từ nền kinh tế trồng cây thuốc phiện này và trở thành tay chơi chính trong hoạt động buôn bán ma túy trên thế giới.

Trong cuộc họp báo chính thức đầu tiên ở Kabul, nhóm khủng bố Taliban cam kết chấm dứt việc trồng cây thuốc phiện ở Afghanistan, trong nỗ lực giành được sự chấp nhận của cộng đồng quốc tế.

Phát biểu trước các phóng viên hôm 17/8, phát ngôn viên Zabihullah Mujahid của Taliban cho biết: “Hôm nay, khi chúng tôi bước vào Kabul, chúng tôi thấy một số lượng lớn thanh niên của chúng tôi đang ngồi dưới gầm cầu hoặc cạnh các bức tường và họ đang sử dụng chất gây nghiện. Điều này thật đáng tiếc”.

Ông tuyên bố: “Từ giờ trở đi, Afghanistan sẽ là một quốc gia không có ma tuý, nhưng nước này cần sự hỗ trợ quốc tế”. Ông nói thêm rằng, cần phải có viện trợ nước ngoài để giúp nông dân Afghanistan chuyển sang các loại cây trồng thay thế.

Afghanistan nổi tiếng với các loại trái cây chất lượng cao bao gồm lựu, nho và dưa. Nhiều tổ chức quốc tế khác nhau trong quá khứ đã giúp các gia đình Afghanistan trồng một loại cây thay thế quan trọng cho thuốc phiện, ví dụ như lựu.

Mặc dù có ngành nông nghiệp và nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, quốc gia này vẫn phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ nước ngoài. Tuy nhiên, khoản thu này đã cạn kiệt với sự tiếp quản của Taliban.

Các nhà tài trợ quốc tế đã phụ cấp cho 75% ngân sách hoạt động của chính phủ Afghanistan, theo những gì bà Vanda Felbab-Brown viết trong một báo cáo của Chatham House. Bà Felbab-Brown hiện là giám đốc của phân nhánh Sáng kiến ​​về Phần tử Vũ trang Phi quốc gia (Initiative on Nonstate Armed Actors) tại Viện Brookings.

Chính quyền ông Biden đã đóng băng gần 9 tỷ USD trong nguồn tiền dự trữ của chính phủ Afghanistan hiện được giữ ở Hoa Kỳ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng chặn không để Afghanistan nhận gần 440 triệu USD tiền quỹ đã được lên kế hoạch gửi trước đó. Và chính phủ Đức đã thông báo đình chỉ khoản viện trợ phát triển trị giá 300 triệu USD được phân bổ cho nước này năm nay.

Các biện pháp trừng phạt tài chính cũng sẽ gây khó khăn cho các tổ chức quốc tế trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho các gia đình Afghanistan.

Vì vậy, theo các chuyên gia, quốc gia này dự kiến ​​sẽ sớm rơi vào khủng hoảng nhân đạo và tài chính. Điều này có thể khiến chế độ mới của Taliban gia tăng các hoạt động bất hợp pháp, bao gồm cả buôn bán ma túy.

Giám đốc Felbab-Brown viết: “Tác động tức thì của việc siết chặt tài chính là nguồn tiền mặt lưu động ở Afghanistan có thể giảm xuống, điều này sẽ làm tăng lạm phát — bao gồm cả giá lương thực — đồng thời gây bất lợi cho những người nghèo nhất Afghanistan và hàng trăm nghìn người phải di tản nội địa".

Như trước đây, bà lưu ý, những ai cố gắng cấm trồng cây thuốc phiện ở các vùng nông thôn của Afghanistan có thể “thấy mình phải đối mặt với những thiệt hại đáng kể về vốn chính trị và sự phản đối bạo lực”.

Bà Gretchen Peters bày tỏ, không nên đặt niềm tin khi Taliban đưa ra lời hứa xóa sổ việc buôn bán cây thuốc phiện. Bà Peters hiện là Giám đốc điều hành tại Trung tâm Mạng lưới bất hợp pháp và Tội phạm có Tổ chức Xuyên Quốc gia (Center on Illicit Networks and Transnational Organized Crime).

Trao đổi với hãng tin NPR, bà nói: “Họ đã thực hiện một chiến dịch điều động tương tự vào những năm 90. Họ đã thực sự thành công trong việc cấm nông dân trồng cây thuốc phiện trong một năm”.

Bà nhấn mạnh: “Nhưng điều bí mật là Taliban thực sự đang ngồi trên những kho thuốc phiện khổng lồ, rộng lớn này. Giá thuốc phiện tăng vọt, họ bán đi và kiếm được nhiều tiền hơn năm trước”.

Theo giám đốc Peters, Taliban giờ sẽ có toàn quyền truy cập vào các năng lực và thể chế của nhà nước, bao gồm hệ thống ngân hàng, hãng hàng không và các cửa khẩu biên giới. Điều này sẽ khiến việc buôn bán ma túy của nhóm phiến quân trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Gần đây, việc trồng cây thuốc phiện đã mở rộng ở hầu hết các vùng của đất nước Afghanistan, gia tăng 37% chỉ trong năm qua, theo UNODC.

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Mặc kệ lệnh trừng phạt, Taliban dự kiến sẽ gia tăng việc buôn bán ma túy