Malaysia tuyên bố: Không áp giải những người tị nạn Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các quan chức chính phủ Malaysia tuyên bố rằng họ sẽ không dẫn độ những người tị nạn Duy Ngô Nhĩ về nước theo yêu cầu của ĐCSTQ. Nếu những người tị nạn Duy Ngô Nhĩ nhận thấy bị đe dọa, họ sẽ được phép đến nước thứ ba một cách an toàn.

Theo Reuters, các nước Đông Nam Á luôn là điểm trung chuyển của những người tị nạn Duy Ngô Nhĩ trước khi họ chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Malaysia, ông Mohd Redzuan Md Yusof cho biết, mặc dù Malaysia tôn trọng quyền của quốc gia khác trong việc xử lý các vấn đề nội bộ, nhưng người dân Duy Ngô Nhĩ thực sự đã bị đàn áp ở Trung Quốc.

Tuyên bố này của ông Mohd Redzuan đã được công bố trong một văn bản trả lời cuộc điều tra của Quốc hội. Đây cũng là lần đầu tiên Malaysia tuyên bố lập trường sẽ không dẫn độ những người tị nạn Duy Ngô Nhĩ.

Mohd Redzuan phát biểu trong tuyên bố rằng: “Nếu có bất kỳ người tị nạn Duy Ngô Nhĩ nào chạy đến Malaysia yêu cầu được bảo vệ thì Malaysia sẽ quyết định không dẫn độ họ về nước ngay cả khi bị Trung Quốc yêu cầu”.

“Nếu họ lo lắng không được bảo vệ và đối xử công bằng, thậm chí lo lắng đến an toàn của bản thân có thể bị bức hại, họ sẽ được phép đến một nước thứ ba”.

Theo Reuters, Đại sứ quán Trung Quốc tại Kuala Lumpur chưa đưa ra bình luận.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên Malaysia biểu thị sự đồng tình đối với những người tị nạn Duy Ngô Nhĩ. Năm 2018, 11 người Duy Ngô Nhĩ sau khi ra khỏi nhà tù ở Thái Lan đã chạy đến Malaysia và được chính phủ nước này giữ lại.

Mặc dù Trung Quốc yêu cầu dẫn độ 11 người tị nạn này, nhưng chính phủ Malaysia đã thả họ và đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Mahathir Mohamad, khi đó là thủ tướng Malaysia nói: “Họ không làm bất kỳ điều gì sai ở đất nước này nên họ đã được thả”.

Đáp lại tuyên bố của chính phủ Malaysia, Mohammad Naqib Eishan Jan, giáo sư luật học của Đại học Hồi giáo Quốc tế Malaysia, đã viết trong Malaysiakini rằng: “Lập trường của chính phủ phù hợp với luật pháp quốc tế với quy định cho phép mọi quốc gia có chủ quyền đối với người dân trên lãnh thổ của họ”.

Ông nói thêm: “Khi thực thi đặc quyền trên, nhà nước có thể bảo vệ người tị nạn, cung cấp cho họ con đường đến nước thứ 3 một cách an toàn, đồng thời từ chối dẫn độ họ về đất nước, nơi mà họ sợ bị ngược đãi”.

Mohd Najib bin Abdul Razak nói: “Chạy trốn khỏi sự đàn áp và xin tị nạn ở quốc gia khác là một quyền cơ bản của con người trong “Tuyên ngôn nhân quyền thế giới” và được luật pháp quốc tế công nhận”.

Ông cũng chỉ rõ: “Bảo vệ những người tị nạn này khỏi bị đàn áp là một hành động phù hợp với tinh thần chính nghĩa, nhân đạo và luật pháp quốc tế”.

Nhiều cuộc điều tra độc lập chỉ ra rằng có ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo đã bị ĐCSTQ giam giữ bất hợp pháp và lao động cưỡng bức trong các trại lao động, thậm chí cưỡng bức triệt sản đối với những phụ nữ Duy Ngô Nhĩ với lý do thực hiện kế hoạch hoá gia đình.

Ngọc Trân



BÀI CHỌN LỌC

Malaysia tuyên bố: Không áp giải những người tị nạn Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc