Máy bay, tàu chiến Trung Quốc tập trận mô phỏng tấn công Đài Loan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các biện pháp trả đũa chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi, chính quyền Đài Bắc hôm 06/8 cáo buộc quân đội Trung Quốc 'mô phỏng một cuộc tấn công chiếm đảo Đài Loan'. Chiều 05/8, Trung Quốc cho điều 68 máy bay và 13 tàu quân sự vượt qua 'đường trung tuyến' phân cách Đài Loan và Hoa Lục, một lằn ranh chưa bao giờ được Bắc Kinh công nhận.

Các giới chức Đài Loan cho biết thêm, Trung Quốc cũng tuyên bố ngừng đàm phán với Hoa Kỳ về các vấn đề bao gồm quốc phòng và biến đổi khí hậu.

Căng thẳng giữa hai siêu cường

Chuyến thăm ngắn của bà Pelosi trong tuần này tới hòn đảo tự trị mà Trung Quốc coi là lãnh thổ của họ đã khiến Bắc Kinh tức giận và phát động các cuộc tập trận quân sự chưa từng có bao gồm tên lửa đạn đạo bắn qua bầu trời thủ đô Đài Bắc.

Các nhà phân tích cho biết, Bắc Kinh đã duy trì một số cuộc tập trận quân sự lớn nhất từ ​​trước đến nay xung quanh Đài Loan - các cuộc tập trận nhằm thực hành phong tỏa và xâm lược cuối cùng hòn đảo, các nhà phân tích nói.

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết nhiều tàu và máy bay của Trung Quốc tập trận ở eo biển Đài Loan, một số đi qua đường trung tuyến, một vùng đệm không chính thức ngăn cách hai bên. Quân đội Đài Loan mô tả các hoạt động đó là một cuộc tấn công mô phỏng vào hòn đảo.

Môi trường đã trở thành nạn nhân mới nhất của cuộc xung đột địa chính trị một ngày trước đó, khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ rút khỏi một loạt các cuộc đàm phán và thỏa thuận hợp tác với Washington - đáng chú ý nhất là về biến đổi khí hậu và hợp tác quốc phòng.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc Trung Quốc thực hiện "các bước vô trách nhiệm" bằng cách ngừng các kênh liên lạc quan trọng với Washington, đồng thời cho biết các hành động của họ đối với Đài Loan cho thấy một chuyển động từ việc ưu tiên giải quyết hòa bình sang sử dụng vũ lực.

Các cuộc tập trận của Trung Quốc - tập trung vào sáu địa điểm xung quanh hòn đảo - bắt đầu vào thứ Năm 04/8 và dự kiến kéo dài đến giữa trưa Chủ nhật 07/8.

Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông của Trung Quốc cho biết họ đã tiếp tục các cuộc tập trận phối hợp trên biển và trên không ở phía bắc, tây nam và đông của Đài Loan. Bộ này cho biết trọng tâm của họ là kiểm tra khả năng tấn công trên bộ và tấn công trên biển của hệ thống.

Tàu chiến và máy bay Trung Quốc tiếp tục "áp sát" vào đường trung tuyến của eo biển Đài Loan vào chiều thứ Bảy 06/8, một nguồn tin hiểu rõ các hoạt động quân sự ở đây cho biết.

Ngoài khơi bờ biển phía đông của Đài Loan và gần các đảo của Nhật Bản, tàu chiến và máy bay không người lái của Trung Quốc đã mô phỏng các cuộc tấn công nhằm vào tàu chiến của Mỹ và Nhật Bản, nguồn tin này cho biết thêm.

Quân đội Đài Loan đã phát đi cảnh báo đồng thời triển khai lực lượng tuần tra trinh sát trên không, tàu theo dõi và tên lửa dọc bờ biển.

Đài Loan cũng cho biết quân đội đã bắn pháo sáng vào cuối ngày thứ Sáu (05/8) để cảnh báo bảy máy bay không người lái bay qua các đảo Kim Môn và các máy bay không xác định được thể loại bay qua các đảo Matsu của họ. Cả hai nhóm đảo này nằm gần với bờ biển của Trung Quốc đại lục.

Bà Pelosi đã đến Đài Loan vào cuối ngày thứ Ba 02/8 trong chuyến thăm cấp cao nhất tới hòn đảo của một quan chức Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ, bất chấp những cảnh báo của Trung Quốc.

Ngay sau khi phái đoàn của bà rời Nhật Bản hôm thứ Sáu 05/8, chặng dừng cuối cùng của chuyến công du châu Á dài một tuần, Trung Quốc đã thông báo rằng họ sẽ ngừng đối thoại với Hoa Kỳ trong một loạt lĩnh vực bao gồm các cuộc tiếp xúc giữa các chỉ huy quân sự cấp cao và về biến đổi khí hậu.

Phát biểu trong chuyến thăm Philippines, Ngoại trưởng Blinken cho biết Hoa Kỳ nhận biết sự lo ngại từ các đồng minh về những gì ông gọi là hành động nguy hiểm và gây bất ổn của Trung Quốc xung quanh Đài Loan, nhưng Washington sẽ giữ vững lập trường trong việc xử lý tình hình và tìm cách tránh làm tình hình leo thang.

Ông cho rằng việc Trung Quốc ngừng đối thoại song phương trong 8 lĩnh vực chính là động thái sẽ gây tổn hại cho cả thế giới, không chỉ Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu rằng Blinken đã phát tán "thông tin sai lệch", đồng thời nói thêm: "Chúng tôi muốn đưa ra lời cảnh báo đối với Hoa Kỳ: Đừng hành động hấp tấp, đừng gây ra một cuộc khủng hoảng lớn hơn".

Quân đội Đài Loan hôm thứ Bảy (06/8) đã công bố những hình ảnh về một trong những tàu khu trục nhỏ của họ theo dõi một tàu Trung Quốc trong khoảng cách gần nhau, và các binh sĩ kích hoạt hệ thống tên lửa đất đối đất của họ.

Các cuộc tập trận cũng chứng kiến ​​Bắc Kinh bắn tên lửa đạn đạo qua thủ đô của Đài Loan, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Bắc Kinh cho biết họ cũng sẽ tổ chức một cuộc diễn tập bắn đạn thật ở một phần phía nam của Hoàng Hải - nằm giữa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên - từ ngày 06/8 cho đến ngày 15/8.

Nền hoà bình 'sống còn'

Quy mô và cường độ của các cuộc tập trận của Trung Quốc đã gây ra sự phẫn nộ ở Hoa Kỳ và các nền dân chủ khác, với việc Nhà Trắng triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Washington để khiển trách ông về hành động của Bắc Kinh.

Ông Blinken cùng ngoại trưởng Nhật Bản và Úc đã ra tuyên bố chung kêu gọi Trung Quốc dừng các cuộc tập trận sau cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Campuchia.

Việc Bắc Kinh quyết định rút khỏi hợp tác bền vững về biến đổi khí hậu giờ đây đã làm dấy lên những lo ngại lớn hơn về tương lai của hành tinh.

Ông Alden Meyer, một cộng sự cấp cao tại E3G, một tổ chức tư vấn tập trung vào khí hậu, nói với tờ AFP rằng “không thể giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu nếu các nền kinh tế số một và số hai thế giới không hành động".

Quy mô và cường độ của các cuộc tập trận của Trung Quốc đã gây ra sự phẫn nộ ở Hoa Kỳ.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói với các phóng viên ở Washington rằng quyết định này về cơ bản là "vô trách nhiệm".

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo hai siêu cường phải tiếp tục hợp tác với nhau - vì lợi ích của thế giới.

Người phát ngôn của ông Antonio Guterres cho hay: “Đối với Tổng thư ký, không có cách nào để giải quyết những vấn đề cấp bách nhất của thế giới mà không có một cuộc đối thoại và hợp tác hiệu quả giữa hai nước".

'Bình thường mới'

Với căng thẳng về Đài Loan đã tăng lên mức cao nhất trong gần 30 năm và nguy cơ xung đột quân sự gia tăng, các chuyên gia nói với đài AFP rằng sự suy thoái mới nhất trong quan hệ giữa hai siêu cường có thể còn kéo dài.

Bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ Marshall của Đức, cho biết việc đình chỉ đối thoại quân sự và hàng hải song phương vào thứ Sáu (05/8) trong khi Trung Quốc tiếp tục các cuộc tập trận là “đặc biệt đáng lo ngại”.

“Chúng tôi không biết hành động tiếp theo của họ là gì", bà nói.

Ông John Culver, cựu chuyên gia phân tích châu Á của Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA), cho biết trong một cuộc thảo luận do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tổ chức rằng, mục đích chính của Bắc Kinh trong các cuộc tập trận quân sự là nhằm thay đổi hiện trạng đó.

“Tôi nghĩ rằng đây là một kiểu bình thường mới", ông Culver nói.

"Người Trung Quốc muốn chứng tỏ cho thế giới thấy rằng là một ranh giới đã bị vượt qua bởi chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ", ông nhận định.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Máy bay, tàu chiến Trung Quốc tập trận mô phỏng tấn công Đài Loan