Miền Nam Ukraine hứng chịu pháo kích, Nga trở thành tâm điểm bị 'chỉ trích' tại LHQ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Miền nam Ukraine tiếp tục hứng chịu pháo kích vào hôm thứ Bảy (24/9), trong bối cảnh Nga trở thành tâm điểm bị chỉ trích tại cuộc họp của đại hội đồng Liên Hợp quốc ở New York.

Nga đang tìm cách bảo vệ thành quả của cuộc chiến kéo dài 7 tháng của mình và có động thái leo thang xung đột bằng việc sáp nhập bốn khu vực ở phía đông và phía nam mà lực lượng Nga đã chiếm giữ tại Ukraine.

Ukraine và các nước phương Tây cho rằng, các cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga được coi là "một trò lừa bịp". Nó được thiết kế để biện minh cho việc sáp nhập của Nga và gia tăng các hành động thù địch bằng cách điều động các tân binh để bù đắp cho những tổn thất trên chiến trường trong những tuần gần đây, theo Reuters.

Gần 3/4 quốc gia tại đại hội đồng LHQ bỏ phiếu Nga rút quân khỏi Ukraine

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp quốc và các phương tiện truyền thông thế giới hôm 24/9, phản đối cáo buộc Nga tấn công nước láng giềng.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov có bài phát biểu trong phiên họp lần thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) tại trụ sở Liên Hợp Quốc, hôm 24/9/2022 ở thành phố New York. (Ảnh: Stephanie Keith/Getty Images)

Gần 3/4 quốc gia trong cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã bỏ phiếu khiển trách Nga và yêu cầu nước này rút quân khỏi Ukraine.

"Chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, khiến một số thành phố của Ukraine trở nên hoang tàn và gây ra cuộc đối đầu lớn nhất giữa Nga với phương Tây kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Ukraine và Nga đã đổ lỗi cho nhau về vụ pháo kích vào khu vực Zaporizhzhia của Ukraine hôm 24/9.

Thống đốc khu vực Oleksandr Starukh cho biết trên Telegram rằng các lực lượng Nga đã tiến hành "một cuộc tấn công tên lửa lớn" vào khu vực với khoảng 10 máy bay, khiến ít nhất 3 người bị thương.

Hãng thông tấn nhà nước RIA của Nga dẫn nguồn tin chưa được xác nhận cho biết, các lực lượng Ukraine đã nã pháo vào một kho thóc và kho phân bón trong khu vực.

Reuters đã không thể xác minh tuyên bố của cả hai bên.

Cuộc trưng cầu dân ý kéo dài 4 ngày

Cư dân của các nước cộng hòa nhân dân Donetsk và Luhansk (DPR và LPR), cũng như các vùng lãnh thổ được giải phóng của các vùng Kherson và Zaporozhye, đã tiến hành bỏ phiếu trong các cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga từ ngày 23/9 đến 27/9, tờ TASS đưa tin hôm 23/9.

Các cuộc trưng cầu dân ý về việc trở thành một phần của Nga đã được tổ chức gấp rút, sau khi Ukraine tái chiếm các vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía đông bắc trong một cuộc phản công vào tháng này.

Bốn tỉnh của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia sẽ bỏ phiếu trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga từ ngày 23/9 đến ngày 27/9 (Ảnh: TASS).

Các quan chức Ukraine cho biết người dân bị cấm rời khỏi một số khu vực bị chiếm đóng cho đến khi kết thúc cuộc bỏ phiếu kéo dài 4 ngày, tờ Reuters đưa tin.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết cuộc bỏ phiếu sẽ bị thế giới "lên án rõ ràng", cùng với việc Nga bắt đầu huy động lực lượng trong tuần này, bao gồm cả ở Crimea và các khu vực khác của Ukraine do Nga chiếm đóng.

Nga khẳng định rằng các cuộc trưng cầu dân ý tạo cơ hội cho người dân ở các khu vực đó bày tỏ quan điểm của họ.

Việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân là 'không thể dung thứ'

Ngoại trưởng Nga Lavrov, trong một cuộc họp báo sau bài phát biểu của mình trước quốc hội ở New York, cho biết các khu vực đang tiến hành bỏ phiếu sẽ được Moscow "bảo vệ hoàn toàn" nếu sáp nhập vào Nga.

Khi được hỏi liệu Nga có cơ sở cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ các khu vực bị sáp nhập của Ukraine hay không, Ngoại trưởng Lavrov cho biết lãnh thổ Nga, bao gồm cả lãnh thổ "được ghi trong hiến pháp của Nga trong tương lai "đang nằm dưới sự bảo hộ toàn diện của nhà nước Nga".

Ông nói: “Tất cả các luật, học thuyết, khái niệm và chiến lược của Liên bang Nga đều áp dụng cho toàn bộ lãnh thổ của mình”, đồng thời ông đề cập cụ thể đến học thuyết của Nga về việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Nhóm bảy cường quốc công nghiệp (G7) cho biết, họ sẽ không công nhận kết quả của các cuộc bỏ phiếu.

Trung Quốc xoa dịu Ukriane trong khi vẫn tiến hành thương mại bình thường với Nga
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba phát biểu tại cuộc họp toàn thể lần thứ 58 của Đại hội đồng ở New York vào ngày 23/02/2022. (Ảnh: Timothy A. Clary/AFP/Getty Images)

Ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba, cho hay những tuyên bố của Nga về việc có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân là "hoàn toàn không thể chấp nhận được" và Kyiv sẽ không nhượng bộ.

Ông Kuleba nói: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các cường quốc hạt nhân lên tiếng và nói rõ với Nga rằng, những lời lẽ như vậy sẽ khiến thế giới gặp rủi ro và sẽ không được dung thứ".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Oleg Nikolenko cho biết, Ukraine đã yêu cầu một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về các cuộc trưng cầu dân ý, cáo buộc Nga vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc bằng cách cố gắng thay đổi biên giới của Ukraine.

Hôm 24/9, ông Putin đã ban hành lệnh điều động quân đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ II, cử một số người Nga nhanh chóng tới biên giới. Ngay sau động thái này, lưu lượng giao thông tại các ngã ba biên giới với Phần Lan và Gruzia tăng vọt và cháy vé các chuyến bay từ Moscow.

Hơn 2.000 người đã bị giam giữ trên khắp nước Nga vì phản đối lệnh động viên, trong đó có 798 người bị giam giữ tại 33 thị trấn vào hôm 24/9, theo nhóm giám sát độc lập OVD-Info.

Sự thất vọng thậm chí còn lan sang các phương tiện truyền thông ủng hộ Điện Kremlin, trong đó một biên tập viên của kênh tin tức RT do nhà nước Nga điều hành phàn nàn rằng, các vấn đề như "giấy triệu tập" bị gửi nhầm người đã khiến "công chúng phẫn nộ".

Khi được hỏi hôm thứ 24/9 tại sao nhiều người Nga rời khỏi đất nước, ông Lavrov cho biết người dân nước này có quyền tự do đi lại.

Thanh Hải



BÀI CHỌN LỌC

Miền Nam Ukraine hứng chịu pháo kích, Nga trở thành tâm điểm bị 'chỉ trích' tại LHQ