Mike Pompeo: 'Nước Mỹ cần lãnh đạo thế giới' để chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hoa Kỳ cần giúp chấm dứt cuộc bức hại “khủng khiếp” của chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với Pháp Luân Công để các học viên có thể thực hiện quyền tự do tín ngưỡng của mình, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo nói nhân dịp kỷ niệm 22 năm chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công tàn bạo của Bắc Kinh.

Ông Pompeo nói chuyện với NTD, một kênh truyền thông của Tập đoàn The Epoch Times, vào đêm trước ngày kỷ niệm 22 năm cuộc đàn áp.

“Đối với Pháp Luân Công, việc mất tự do tôn giáo ở Trung Quốc diễn ra thật kinh khủng, thật bi thảm. Vấn đề này đã diễn ra quá lâu và Mỹ cần dẫn đầu thế giới để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của các học viên Pháp Luân Công”.

 

Học viên Pháp Luân Công tham gia cuộc diễu hành kỷ niệm 22 năm cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ tại Washington ngày 16/7/2021. (Samira Bouaou/The Epoch Times)

Pháp Luân Công, một môn thiền định đề cao các giá trị “Chân-Thiện-Nhẫn”, được giới thiệu ra công chúng lần đầu tiên ở miền Bắc Trung Quốc vào năm 1992. Ngay lập tức, Pháp Luân Công giành được sự thu hút rộng rãi của công chúng Trung Quốc vì những lợi ích sức khỏe của nó. Tuy nhiên, khiếp sợ bởi sự phổ biến nhanh chóng của Pháp Luân Công, ngày 20/7/1999, ĐCSTQ đã phát động chiến dịch tiêu diệt nhắm vào Pháp Luân Công.

Toàn bộ bộ máy nhà nước đã chống lại các học viên Pháp Luân Công, mà theo ước tính chính thức vào thời điểm đó, có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người.

Trong hơn hai thập kỷ qua, học viên Pháp Luân Công đã trở thành mục tiêu giam cầm kéo dài, lao động khổ sai, tra tấn, ngược đãi tinh thần, lạm dụng tình dục và cưỡng bức mổ cướp nội tạng vì kiên định vào đức tin của họ.

Trước thềm lễ kỷ niệm 22 năm ngày bức hại Pháp Luân Công 20 /7, Liên minh quốc tế gồm các chính trị gia từ 20 quốc gia và ít nhất 15 nhà lập pháp Hoa Kỳ đã ban hành thư, tuyên bố hoặc thông điệp video ủng hộ các học viên của bộ môn này. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng kêu gọi ĐCSTQ “chấm dứt ngay lập tức” chiến dịch đàn áp kéo dài của mình và trả tự do cho tất cả những người đang bị bỏ tù.

Dân biểu Vicky Hartzler cho biết: “Việc bỏ tù và đối xử với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc là vô lương tri và đó thực sự là một sự vi phạm nhân quyền ở cấp độ cao nhất.

Về tội cưỡng bức mổ cướp nội tạng, bà Hartzler nhấn mạnh rằng, nghị quyết của Hạ viện năm 2016 (H.Res. 343) lên án hành vi rùng rợn này là “một bước đi đúng hướng”. Bà kêu gọi ban hành nhiều nghị quyết hơn nữ về vấn đề này. Nữ nghị sĩ là một trong 17 nhà lập pháp đã tài trợ cho Đạo luật Ngừng cưỡng bức thu hoạch nội tạng năm 2021 (H.R. 1591).

“Không thể tưởng tượng có tội ác nào tồi tệ hơn như thế nữa”, Hạ nghị sĩ Steve Chabot viết trong một bức thư đề cập đến việc mổ cướp nội tạng. "Tội ác khôn lường này đòi hỏi trả lại công lý cho vô số nạn nhân đã bị ĐCSTQ đàn áp".

Các học viên Pháp Luân Công tham gia cuộc diễu hành đánh dấu năm thứ 22 cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc, ở Brooklyn, N.Y. vào ngày 18/7/2021. (Chung I Ho/The Epoch Times)

Ngày 20 /7, Thượng nghị sĩ Marco Rubio ra một tuyên bố “để tưởng nhớ các nạn nhân đã ngã xuống” trong cuộc bức hại Pháp Luân Công đang còn tiếp diễn ở Trung Quốc.

“ĐCSTQ đã giam giữ các học viên Pháp Luân Công, có rất nhiều trường hợp bị giam giữ không chỉ một lần, trong các trung tâm ‘chuyển hóa thông qua cải tạo giáo dục’— một phiên bản tương tự trung tậm đào tạo nghề hàng loạt và các hành vi diệt chủng đang diễn ra chống lại người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và những nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương”, ông nói.

Theo Minghui.org, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ để ghi lại cuộc bức hại, cuộc đàn áp vẫn đang tiếp tục không suy giảm trong bối cảnh đại dịch xảy ra, với gần 9.500 học viên bị cảnh sát sách nhiễu, bắt giữ hoặc truy quét trong nửa năm qua.

Cuộc đàn áp đã gây ảnh hưởng đến tinh thần của những người còn thân nhân ở Trung Quốc.

Đã nhiều tháng qua, ông Zhou Deyong bị giam giữ ở tỉnh Sơn Đông thuộc miền Đông Trung Quốc. Vợ và con trai của ông sống ở Florida. Ông Zhou bị buộc tội “phá hoại việc thực thi pháp luật” sau khi cảnh sát ập vào nhà ông và tìm thấy sách Pháp Luân Công của vợ ông, cũng là một học viên Pháp Luân Công.

Các học viên Pháp Luân Công trong một buổi lễ kỷ niệm 22 năm cuộc đàn áp ở Trung Quốc, tại Los Angeles, vào ngày 18/7/2021. (Ảnh được phép của Debora Cheng)

Bà Deng Cuiping ở tỉnh Vân Nam là mẹ của một cư dân Florida khác. Bà bị bắt năm 2016 cùng với bốn học viên khác vì chia sẻ tài liệu thông tin về cuộc bức hại. Bà Deng từng bị bỏ tù 3 năm và bị sa thải khỏi trường tiểu học nơi bà làm việc, hiện đang thụ án sáu năm sau khi bị giữ tám tháng không xét xử.

“Mẹ tôi và bao học viên Pháp Luân Công khác đều là những người rất chân thành và tốt bụng. Họ không bao giờ làm tổn thương ai. Tại sao họ phải từ bỏ sáu năm cuộc đời hoặc lâu hơn nữa chỉ vì kiên định với lương tâm và đức tin của mình”? Con gái của bà Deng, Iris Lu Wanqing, một nhân viên kế toán ở Temple Terrace, Florida, nói với The Epoch Times năm 2019.

Nhiều nhà lập pháp cũng nêu bật các giá trị cốt lõi được thúc đẩy bởi thực hành tu luyện Pháp Luân Công. Trong một tuyên bố của quốc hội nhằm “tôn vinh môn tu luyện hòa bình Pháp Luân Đại Pháp”, Dân biểu Sean Patrick Maloney nói, giáo lý của Pháp Luân Đại Pháp “kết nối các nền văn hóa, quốc gia, chủng tộc, giới tính và tuổi tác, góp phần nâng cao sức khỏe và sự hài hòa của xã hội”.

“Thế giới của chúng ta chắc chắn sẽ hòa bình hơn nếu chúng ta hướng tới những giá trị đó trong cuộc sống hàng ngày của mình”, Hạ nghị sĩ Dean Phillips nói.

Dân biểu Gus Bilirakis, người đã viết thư cho chính quyền Bắc Kinh liên quan đến hoàn cảnh của ông Zhou, cho biết ông có kế hoạch đưa ra một nghị quyết khác để “nêu bật bản chất đặc biệt nghiêm trọng” của chiến dịch tiêu diệt Pháp Luân Công.

“Trước những vi phạm này, nếu chúng ta im lặng, thì chúng ta đã bỏ qua một vấn đề đạo đức căn bản. Làm như vậy sẽ gây nguy hiểm cho xã hội dân sự,” ông phát biểu trong một clip được ghi âm trước.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Mike Pompeo: 'Nước Mỹ cần lãnh đạo thế giới' để chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công