Moderna từ chối chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tờ Financial Times của Anh dẫn nhiều nguồn tin tiết lộ, công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ đã từ chối chuyển giao tài sản sở hữu trí tuệ cốt lõi dùng để phát triển vaccine ngừa COVID -19 mRNA cho Trung Quốc. Điều đó dẫn đến sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán phân phối vaccine ngừa COVID-19 của Moderna ở thị trường châu Á đầy tiềm năng này.

Tờ Financial Times hôm 1/10 dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Trung Quốc yêu cầu hãng dược phẩm Moderna có trụ sở tại thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ, chuyển giao công thức phát triển vaccine ngừa COVID-19, dựa trên công nghệ mRNA nếu muốn kinh doanh tại thị trường này.

Tuy nhiên, phía Moderna đã từ chối yêu cầu của Trung Quốc do lo ngại về thương mại và vấn đề an ninh và “từ bỏ” việc thâm nhập thị trường Trung Quốc đầy tiềm năng.

Những người quen thuộc với vấn đề này cho biết thêm rằng, Moderna vẫn "háo hức" bán sản phẩm cho Trung Quốc. Giám đốc y tế của Modena, ông Paul Burton, hồi đầu tháng 9 cho biết công ty rất mong muốn hợp tác với Trung Quốc để cung cấp cho nước này vaccine ngừa COVID-19 dựa trên công nghệ mRNA. Ông Paul Burton nói rằng, phía Moderna vẫn chưa có bất cứ động thái gì nhưng khá cởi mở về việc này.

Vào tháng 9, Giám đốc điều hành của Modena, ông Stephane Bancel nói rằng, Modena đã có các cuộc thảo luận với chính quyền Bắc Kinh về việc cung cấp vaccine ngừa COVID-19, nhưng chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra. Báo cáo cho biết, cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa phê duyệt bất kỳ loại vaccine ngừa COVID-19 nào được phát triển ở nước ngoài mà hiện vẫn chỉ dựa vào một số loại vaccine được sản xuất trong nước.

Những nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết, các nhà điều hành Moderna không muốn giao công thức phát triển vaccine cho đối tác Trung Quốc, chủ yếu là vì họ sợ đối tác địa phương mắc sai lầm trong quá trình sản xuất, gây thiệt hại về uy tín của hãng này.

Một số công ty dược phẩm "nội địa Trung" đã phát triển vaccine được sản xuất bằng công nghệ bất hoạt, nhưng công nghệ vaccine mRNA được phát triển bởi Moderna và Pfizer (BioNTech / Pfizer) có khả năng bảo vệ mạnh hơn và lâu dài hơn.

Vaccine ‘bất hoạt’ sử dụng virus có vật chất di truyền đã bị phá hủy nên chúng không thể nhiễm vào tế bào và tái tạo, nhưng vẫn có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch.

Còn vaccine truyền tin RNA (mRNA) “dạy” các tế bào cách tạo protein giúp kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể của con người. Bằng cách tiêm mRNA tổng hợp, các tế bào của con người được biến thành nhà máy sản xuất vaccine theo yêu cầu, từ đó sản sinh bất kỳ loại protein nào mà chúng ta muốn hệ miễn dịch học cách nhận biết và tiêu diệt.

Chính quyền Bắc Kinh đã cung cấp hai kênh cho các nhà sản xuất vaccine COVID-19 nước ngoài bán tại thị trường Trung Quốc, hoặc "chuyển giao toàn bộ công nghệ cho các nhà sản xuất thuốc nội địa Trung Quốc" hoặc "thiết lập các nhà máy sản xuất trên lãnh thổ Trung Quốc nhưng giữ lại quyền kiểm soát công nghệ". Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp nào còn tùy thuộc vào phê duyệt của chính phủ Trung Quốc, và Modena được yêu cầu thực hiện phương án đầu tiên.

BioNTech được dùng phương án thứ hai: ký thỏa thuận với công ty Fosun Thượng Hải để giữ quyền kiểm soát quyền sở hữu trí tuệ, tiến hành các thử nghiệm lâm sàng vào năm 2020 và thương mại hóa vaccine. Với mối quan hệ đối tác này, Fosun đồng ý cung cấp nhà máy đủ sức sản xuất 1 tỷ liều vaccine mỗi năm.

Ngoài ra, công ty công nghệ sinh học Canada Providence Therapeutics cũng đã đạt được thỏa thuận với Công ty dược phẩm sinh học Trung Quốc Everest Medicines, trong đó chuyển giao toàn bộ công nghệ mRNA cho đối tác Trung Quốc.

Tuy nhiên cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa cấp phép cho vaccine của BioNTech và Providence Therapeutics.

Thanh Hải

Theo Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Moderna từ chối chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc