Mối quan hệ nguy hiểm của Thụy Sĩ với Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thụy Sĩ từng công khai ủng hộ "Sáng kiến Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.

Trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán, nhiều quốc gia trên thế giới đều đang xem xét mối quan hệ của họ với Trung Quốc. Mặc dù là quốc gia trung lập về chính trị, nhưng Thụy Sĩ đã có mối quan hệ thương mại gần gũi với Trung Quốc.

"Chiều lòng" Trung Quốc?

Nhìn lại lịch sử, sau khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giành quyền kiểm soát ở Trung Quốc đại lục, Thụy Sĩ là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên công nhận sự cai trị của ĐCSTQ. Chỉ 3 ngày sau đó, Thuỵ Sĩ cắt mối quan hệ với Đài Loan.

Tuy nhiên, duy trì một 'tình bạn' với ĐCSTQ có thể là một điều nguy hiểm. Năm 1999, một sự cố ngoại giao đã xảy ra và mối quan hệ hai nước trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Thụy Sĩ có một trong những cộng đồng Tây Tạng lớn nhất ở châu Âu. Năm 1999, nhà lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân đã đến thăm Thụy Sĩ. Khi ông Giang Trạch Dân đến toà nhà Quốc hội của Thuỵ Sĩ, thì những người biểu tình cho tự do Tây Tạng đang ở gần toà nhà để phản đối ông Giang.

Trong bối cảnh đó, tuy cảnh sát Thụy Sĩ bảo vệ phái đoàn Trung Quốc, nhưng không yêu cầu những người biểu tình im lặng. Khi nhìn thấy những người biểu tình hô vang phản đối, ông Giang đã bị sốc và tức giận với nước chủ nhà.

Trong bài phát biểu, ông Giang Trạch Dân nói với các nhà lập pháp nước chủ nhà: "Thụy Sĩ đã mất một người bạn".

Tổng thống Thuỵ Sĩ cố gắng làm nguôi ngoai cơn giận của Giang Trach Dân. Tuy nhiên, Giang Trạch Dân lại một lần nữa nổi giận ở bữa tiệc tối khi một quan chức nhắc đến quyền con người ở Trung Quốc.

Ảnh chụp từ video biểu ngữ của người biểu tình tại Thuỵ Sĩ khi ông Giang Trạch Dân đến thăm Thuỵ Sĩ năm 1999

Quan hệ thương mại gần gũi

Năm 2013, Trung Quốc ký một thỏa thuận khung tự do thương mại với Thụy Sĩ, là một hiệp định đầu tiên thuộc loại này với một nền kinh tế lớn của phương Tây, theo BBC.

"Thỏa thuận thương mại tự do này là lần đầu tiên giữa Trung Quốc với một nền kinh tế châu Âu lục địa, và là lần đầu tiên với một trong 20 nền kinh tế hàng đầu của thế giới," Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói trong lần đến thăm Thụy Sĩ tháng 5/2013.

Đến tháng 4/2019, Tổng thống Thụy Sĩ Ueli Maurer là một trong số ít các nguyên thủ quốc gia phương Tây tới tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ 2 tại Bắc Kinh. Trong chuyến thăm kéo dài tới 7 ngày này, Thụy Sĩ đã ký một biên bản ghi nhớ với Trung Quốc với nội dung tập trung vào thương mại và tài chính.

Cũng tại Diễn đàn Vành đai và Con đường, Tổng thống Maurer đã công khai ủng hộ "sáng kiến" này của Trung Quốc, với hy vọng "giúp phát triển quan hệ châu Á và châu Âu".

Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Thuỵ Sĩ và một trong những đối tác quan trọng nhất của các công ty Thuỵ Sĩ.

Những lời cảnh báo

Theo ông Daniel Warner, cựu Phó Giám đốc Viện nghiên cứu cấp cao Graduate tại Geneva, tính trung lập là nét đặc trưng nổi bật nhất trong chính sách đối ngoại của Thụy Sĩ. Tuy nhiên, theo ông Warner, chuyến công du của Tổng thống Maurer thể hiện một sự công nhận có tính thực dụng của Thụy Sĩ đối với tầm ảnh hưởng toàn cầu gia tăng của Trung Quốc.

Trong khi đó, vào tháng 6/2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo Thụy Sỹ có quan hệ thương mại "gần gũi" với Trung Quốc, lo nước này để lộ bí mật khi cho doanh nghiệp Trung Quốc tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng.

"Thụy Sĩ từ lâu đã hết sức coi trọng bảo mật. Tuy nhiên, nếu bạn dùng công nghệ Trung Quốc, bạn sẽ cung cấp thông tin của chính mình cho họ. Sẽ không còn gì là bí mật nữa", ông Pompeo nói với tờ Neue Zuercher Zeitung (Thụy Sĩ).

Tính đến nay, Thuỵ Sĩ đã có 30.597 người nhiễm bệnh viêm phổi Vũ Hán, trong đó 1.886 người tử vong.

Bộ Y tế Thụy Sĩ xác nhận ca đầu tiên dương tính với virus corona chủng mới vào ngày 25/2, sau khi dịch COVID-19 đã lan tới các nước láng giềng của Thụy Sĩ là Áo, Pháp, Đức và Ý. Người nhiễm phát hiện ở bang nói tiếng Ý Ticino, giáp biên giới với Ý.

Nguyễn Minh

Theo NTD.com



BÀI CHỌN LỌC

Mối quan hệ nguy hiểm của Thụy Sĩ với Trung Quốc