Một Hoa Kỳ nguy hiểm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đàm phán ngoại giao chắc chắn không phải là một môn thể thao. Nhưng có bao giờ bạn nghĩ rằng, những cuộc thương lượng giữa các nhà ngoại giao Nga với NATO và Mỹ giống như các cuộc họp mùa đông của bộ môn Bóng chày, ở đó các tổng giám đốc mặc cả về giao dịch và âm mưu giữ lương của các cầu thủ hay không?

Các cuộc đàm phán gần đây đã mở rộng các nút thắt ngoại giao trong thời kỳ trước. Những cuộc đàm phán thời đó đã tạo ra một khẩu hiệu hấp dẫn và gây tiếng vang lớn cho đến ngày nay: "Ai dám hy sinh vì Danzig?"

Vẫn là một câu hỏi hay?

Cụm từ này xuất phát từ tiêu đề của một bài báo (“Mourir pour Dantzig?”) của nhà văn Xã hội chủ nghĩa Pháp Marcel Déat, được xuất bản vào ngày 4/5/1939 trên tạp chí L'Œuvre ở Paris. Bài báo liên quan đến một trong những tối hậu thư của Đức Quốc xã đối với Đệ Nhị Cộng hòa Ba Lan, yêu cầu chuyển giao quyền kiểm soát Danzig (hay còn gọi là Gdansk - khi đó là Thành phố Tự do có quan hệ hành chính với Ba Lan).

Là kẻ bắt nạt thời bấy giờ, Hitler quyết tâm lật ngược các quy định về quân sự và lãnh thổ của Hiệp ước Versailles và biến nước Đức thành một Đế quốc. Trước cuộc xâm lược Ba Lan, Hitler yêu cầu sáp nhập Thành phố Tự do Danzig vào Đức và tiếp cận đường sắt ngoài lãnh thổ cho Đức qua “Hành lang Ba Lan”, biên giới Ba Lan tới Đông Phổ vào mùa xuân năm 1939.

Những người sành sỏi về ngoại giao và hiểu rõ sự bối rối địa chính trị của Đông Âu sẽ nhận ra những điểm tương đồng đầy ám ảnh. Vladimir Putin cũng giống Hitler, là một kẻ thất bại nặng nề và đầy hận thù với lịch sử hiện đại. Điểm nhức nhối của Putin không phải là Hiệp ước Versailles mà là sự sụp đổ của Liên Xô.

Ông Putin cũng giống như Hitler, muốn quay ngược thời gian. Ông ta giả vờ đoàn kết sắc tộc với người Nga ở Ukraine. Ông ta đã mượn một trang trong cuốn sách của Hitler để yêu cầu một "cây cầu trên bộ" bắc từ Nga sang Crimea.

Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan cảnh báo: Châu Âu ngày càng tiến gần đến chiến tranh hơn bao giờ hết

Các cuộc đàm phán nhằm xoa dịu căng thẳng với ông Putin ảm đạm đến mức Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau đã công khai thừa nhận rằng, châu Âu đang tiến gần đến chiến tranh với Nga hơn bất kỳ thời điểm nào trong 30 năm qua kể từ khi Liên Xô tan rã.

Không khó để nhận ra tham vọng của 'Putin Đại Đế' kể từ khi ông lên nắm quyền là tái hợp nhất các nước Cộng hòa hậu Xô Viết với tư cách là chủ thể của Liên bang Nga. Mục tiêu lâu dài của ông chắc chắn là tái lập hiến pháp của một nước Nga thống nhất rộng lớn hơn dưới sự kiểm soát của mình. 'Putin Đại Đế' coi sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết là thảm kịch lớn nhất sau Thế chiến thứ hai.

Tuy nhiên, tham vọng ngắn hạn của ông sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014 là thiết lập một cây cầu trên bộ nối Nga với Crimea và bắc qua lãnh thổ Ukraine. Có thể không ít quan chức trong chính quyền ông Biden yêu thích thể thao, nhưng tôi đồ rằng chẳng có một ai am hiểu về lối đánh với ông Putin cả. Bởi chính quyền Biden chỉ tập trung vào việc Putin Đại Đế không cho phép Ukraine gia nhập NATO mà thôi.

Việc ông Biden không hiểu rõ nhu cầu cơ bản của Nga đã gây ra sự hoảng loạn không nhỏ ở đất nước Ukraine bé nhỏ, nơi một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 61% công dân nước này mong muốn gia nhập NATO. Mối đe dọa về các sự kiện sắp tới ngoài tầm kiểm soát cũng thúc đẩy các công dân Thụy Điển và Phần Lan ủng hộ việc gia nhập NATO.

Ảnh của Epoch Times
Ngoại trưởng Antony Blinken lắng nghe khi Tổng thống Joe Biden phát biểu trong cuộc họp ở Washington, DC vào ngày 17/9/2021. (Ảnh Getty Images)

Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken về việc không từ bỏ quyền gia nhập NATO của Ukraine là một hành động liều lĩnh. Thay vì tập trung vào nhu cầu của Nga về một cây cầu trên bộ bắc từ Nga sang Crimea và việc chấm dứt lệnh trừng phạt mà Hoa Kỳ, châu Âu và Ukraine đang áp đặt lên đôi vai của 'Putin Đại Đế', tôi thiết nghĩ Hoa Kỳ nên tập trung vào ba cuộc đàm phán sau đây:

1: Nga có hàng nghìn tỷ khí đốt tự nhiên và nguồn dầu mỏ đủ để đáp ứng nhu cầu cho Ukraine và cả Châu Âu.

2: Tất cả các quốc gia liên đới và Trung Quốc đều muốn giảm đáng kể vũ khí hạt nhân tầm ngắn, tầm trung và tầm xa.

3: Một hiệp ước toàn diện về không gian và an ninh mạng có thể ngăn chặn một cuộc xung đột có nguy cơ xóa sổ nhân loại khỏi bề mặt trái đất từ đầu.

Xin được nhắc lại Trí tuệ của Donald J. Trump

"Sẽ không tốt hơn nếu Hoa Kỳ giữ mối quan hệ hữu nghị với Nga hay sao?" Cựu Tổng thống Trump từng nói.

Câu hỏi tu từ lặp đi lặp lại của ông Trump được coi là 'đúng người, đúng thời điểm'. Đây cũng là câu hỏi duy nhất không có câu trả lời trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. Làm thế nào để duy trì mối quan hệ Nga-Mỹ mà không làm 'phật ý' NATO và các đồng minh?

Khi Mỹ-Nga thương thảo về việc Nga xây dựng quân đội gần biên giới Ukraine, hầu hết người Mỹ có thể còn chưa biết đến cuộc tập trận “Inside Baseball” này. Nhưng tại Trung Nam Hải (khu vườn cũ ở phía tây Cung điện Mùa hè tại Bắc Kinh), nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc - Tập Cận Bình, đã nhanh tay thực hiện các cuộc đàm phán đầy tham vọng giữa phương Tây với Điện Kremlin.

Ông Tập cũng có mối ác cảm về địa chính trị ở khu vực lân cận của mình - Đài Loan. Một hòn đảo 'giàu vi mạch', mà theo lời Bắc Kinh thì đang và sẽ luôn là một phần của Trung Quốc. Ông Tập cũng có chung mối lo ngại giống Putin, rằng một bộ phận trước đây thuộc quyền thống trị của mình nay lại trở nên 'thân thiết' hơn với Hoa Kỳ và các nước đồng minh.

Các cuộc đàm phán hiện nay cũng có thể là cơ hội để có được một kết quả tốt hơn. Giống như cái cách Anh, Pháp và Ba Lan đã nỗ lực đàm phán với Hitler ở thời điểm trước khi Thế chiến thứ hai bùng nổ. Để có được kết quả như vậy, chính quyền ông Biden cần phải dày công kết hợp giữa sự sáng tạo với khả năng phán đoán tinh tế.

Nga có thể được đề nghị một thỏa thuận như sau: trả Ukraine cho Crimea trong 50 hoặc 100 năm tới dưới dạng khí đốt và dầu. Đổi lấy Crimea và hợp đồng thuê cầu trên lãnh thổ Ukraine trong vòng 100 năm. Nó giống như hợp đồng từng tồn tại giữa Trung Quốc và Vương quốc Anh. Đồng thời, chấm dứt mọi hành vi thù địch quân sự giữa Nga và các lực lượng của mình ở Ukraine. Và tất cả các biện pháp trừng phạt mà Hoa Kỳ và các đồng minh áp đặt lên Nga kể từ năm 2014 có thể đem ra thương lượng lại.

Các đảm bảo giữa Nga, NATO và Tổ chức 57 quốc gia về An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE) có thể bao gồm việc biên chế vĩnh viễn các lực lượng quân sự ở tất cả các biên giới - một khu vực phi quân sự.

Giờ là lúc để lập ra một giao dịch giữa Nga, NATO và OSCE với một chiếc ghế chủ tọa trong bàn đàm phán.

Không nêu đích danh Nga trong bài phát biểu khai mạc trước các phái viên từ 57 thành viên OSCE, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Zbigniew Rau đã nêu ra mối nguy hiểm hiện nay. Ông đề cập đến những căng thẳng leo thang ở Ukraine, Georgia, Armenia và Moldova. Tất cả đều bị lôi kéo vào các hành động thù địch tích cực hoặc âm thầm với Nga. Ông Rau nhấn mạnh mối đe dọa to lớn trong tuyên bố của mình: “Có vẻ như nguy cơ chiến tranh trong khu vực OSCE hiện đang lớn hơn bao giờ hết trong 30 năm qua”.

Ông nói: “Trong vài tuần tới, chúng ta sẽ phải đối mặt với viễn cảnh về một cuộc leo thang quân sự lớn ở Đông Âu".

Ông Rau cho biết thêm, không có đột phá nào trong cuộc gặp giữa Nga và các nhà ngoại giao phương Tây vào tuần trước.

Trong một cuộc phỏng vấn, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov nói với RTVI (kênh truyền hình Quốc tế Nga) rằng, các chuyên gia quân sự Nga đang đưa ra các phương án cho tổng thống Nga Putin nếu các cuộc đàm phán với Ukraine bất khả thi.

Hiện tại, NATO và Hoa Kỳ đang ở thế hoà hoãn sau cuộc họp ở Geneva vào thứ Hai, và tại Brussels, vào thứ Tư bởi có một “ngõ cụt và khác biệt về cách tiếp cận” không thể vượt qua. Ngoại trưởng Antony Blinkin cho biết, không có lý do gì để ngồi lại trong bàn đàm phán những ngày tới bàn về những vấn đề tương tự. Đó là một sai lầm lớn của chính quyền ông Biden.

Một đề nghị về một cuộc dàn xếp giao dịch chấm dứt các lệnh trừng phạt hiện nay đối với Nga từ thời hậu Chiến tranh Lạnh Crimea vào năm 2014 cũng tốt. Trung Quốc sẽ giúp Nga một tay trong công cuộc chinh phục Ukraine. Vì vậy, Nga không đơn độc. Một cuộc chiến xảy ra đồng nghĩa với việc hàng chục nghìn binh lính và người dân vô tội sẽ ngã xuống.

Nền kinh tế Nga đang rơi vào khủng hoảng và trên đà lao xuống vực thẳm. Ông Putin có mọi động cơ để đàm phán một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi với châu Âu, Ukraine và Hoa Kỳ. Đổi lại, Hoa Kỳ và các đồng minh phải đưa ra một đề nghị nhằm kìm hãm sự bành trướng của NATO và giải pháp giúp ông Putin xoay chuyển cục diện nền kinh tế của quốc gia mình.

Ảnh của Epoch Times
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại dinh thự ở bang Bocharov Ruchei sau cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ ở Sochi, Nga, vào ngày 29/9/2021. (Ảnh Getty Images)

Có khả năng sẽ loại bỏ “Quan hệ đối tác vì hòa bình”, được Tổng thống Bill Clinton đề xuất lần đầu với người đồng cấp Boris Yeltsin vào năm 1993. Điều này đã khoác lên Nga chiếc áo “góp phần đảm bảo an ninh tương lai của châu Âu".

Một điểm khác trong sáng kiến ​​của Warren Christopher nhằm xoa dịu Nga cách đây 20 năm là lời hứa hẹn về vũ khí hạt nhân sẽ không được đồn trú tại các nước thuộc Khối Hiệp ước Warsaw, như một phần của sự mở rộng của NATO. Thật vậy, ông Yeltsin cho biết, Mỹ sẽ thúc đẩy xây dựng “Quan hệ Đối tác vì Hòa bình” hơn là chú trọng mở rộng NATO.

Khi nhìn nhận lại tất cả những hành động xấu xa của ngoại giao Mỹ-Nga (Inside Baseball) dưới thời Yeltsin, rõ ràng là người Nga có cảm giác rằng họ đã bị đánh lừa.

Ví như vào ngày 31/1/1990, Bộ trưởng Ngoại giao Tây Đức Hans-Dietrich Genscher tuyên bố, việc mà NATO phải làm là tuyên bố dứt khoát về Hiệp ước Warsaw rằng “sẽ không có sự mở rộng lãnh thổ của NATO về phía đông, nghĩa là tiến gần hơn đến biên giới Liên Xô".

Trong chuyến thăm tới Moscow vào tháng 2/1990, Ngoại trưởng Mỹ James Baker khẳng định với Gorbachev rằng “sẽ không có sự mở rộng lực lượng của NATO thêm một inch nào về phía đông”.

Bây giờ chúng ta đã hiểu ra lợi ích của việc nhận thức muộn màng - lời hứa đó hóa ra quá xa vời.

Những người sành sỏi về ngoại giao Nga đều hiểu rõ những gì người Nga đã làm. Mỹ và NATO hứa sẽ không mở rộng về phía đông. Cho nên cần phải có những biện pháp ngoại giao sáng tạo để vượt qua những nghi ngờ đó của họ.

Thời gian là điều cốt yếu.

Đại sứ Nga Alexander Lukashevich nói với OSCE: “Nếu chúng tôi không nhận được phản hồi nào mang tính xây dựng đối trong một khung thời gian hợp lý và hành vi hung hăng đối với Nga vẫn cứ tiếp diễn thì chúng tôi buộc phải đưa ra kết luận phù hợp và thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo cân bằng chiến lược, cũng như loại bỏ các mối đe dọa khó có thể chấp nhận đối với an ninh quốc gia của chúng tôi”.

Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, đã đóng sầm dự luật trừng phạt mới do các nghị sĩ Đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ công bố hôm thứ Tư (26/1), nhắm vào các nhà lãnh đạo cấp cao của chính phủ và quân đội Nga (bao gồm cả tổng thống Putin) cũng như các tổ chức tài chính quan trọng nếu Nga tấn công Ukraine.

Ông Peskov cho biết, việc trừng phạt tổng thống Nga Putin tương đương với việc cắt đứt mối quan hệ của hai quốc gia.

“Chúng tôi cho rằng sự xuất hiện của các tài liệu và những tuyên bố kiểu như vậy là vô cùng tiêu cực trong bối cảnh hàng loạt các cuộc đàm phán đang diễn ra, mặc dù những cuộc đàm phán không thành công”.

Những lời hùng biện và đe dọa qua lại phải chấm dứt. Tất cả các quốc gia cần phải có trách nhiệm ngăn chặn nguy cơ một cuộc chiến ngôn luận phát triển thành Chiến tranh thế giới thứ ba.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Huyền Anh

Tổng hợp từ The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Một Hoa Kỳ nguy hiểm