Mỹ cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New START

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Ba (31/1), Mỹ cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New START, trụ cột then chốt cuối cùng của việc kiểm soát vũ khí hạt nhân sau Chiến tranh Lạnh giữa hai nước. Washington nói rằng, Moscow không cho phép các hoạt động thanh tra trên lãnh thổ của mình.

Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New START có hiệu lực vào năm 2011 và được gia hạn thêm 5 năm vào năm 2021. Hiệp ước này giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Hoa Kỳ và Nga có thể triển khai, cũng như việc triển khai các tên lửa và máy bay ném bom có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trên bộ và trên tàu ngầm, theo hãng tin Reuters.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh Mỹ và Nga bị hạn chế bởi một loạt thỏa thuận kiểm soát vũ khí. Tuy nhiên, Washington và Moscow vẫn chiếm khoảng 90% số đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới.

Washington rất mong muốn duy trì hiệp ước này, nhưng mối bang giao Mỹ - Nga hiện đang chạm đáy trong nhiều thập kỷ qua sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Điều này có thể làm phức tạp thêm nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm duy trì và đạt được một thỏa thuận tiếp theo.

"Việc Nga từ chối tạo điều kiện cho các hoạt động thanh tra nhằm ngăn cản Hoa Kỳ thực hiện các quyền quan trọng theo hiệp ước và đe dọa khả năng kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga", một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong các bình luận qua thư điện tử.

Lãnh đạo các ủy ban an ninh quốc gia tại Thượng viện Hoa Kỳ, cơ quan thông qua các hiệp ước, cho biết, việc Moscow không tuân thủ sẽ ảnh hưởng đến các hiệp ước vũ khí trong tương lai.

"Nhưng phải nói rõ rằng, việc tuân thủ các nghĩa vụ của hiệp ước New START là điều rất quan trọng để Thượng viện Mỹ xem xét bất kỳ hiệp ước kiểm soát vũ khí chiến lược trong tương lai với Moscow", bà Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bob Menendez, Jack Reed và Mark Warner cho biết trong một tuyên bố.

Vào tháng 8/2022, Nga đã đình chỉ hợp tác với các cuộc thanh tra theo hiệp ước. Moscow đã đổ lỗi cho các hạn chế đi lại do Washington và các đồng minh áp đặt sau khi lực lượng Nga xâm chiếm nước láng giềng Ukraine vào tháng 2/2022. Tuy nhiên, họ vẫn cam kết tuân thủ các điều khoản của hiệp ước.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm rằng, Nga có "con đường rõ ràng" để tiếp tục tuân thủ hiệp ước bằng cách cho phép các hoạt động thanh tra. Đồng thời, Washington vẫn sẵn sàng hợp tác với Nga để thực hiện đầy đủ hiệp ước này.

Vị phát ngôn viên này cho biết: "Hiệp ước START mới vẫn nằm trong lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ".

Các cuộc đàm phán giữa Moscow và Washington về việc nối lại các cuộc thanh tra theo Hiệp ước New START dự kiến ​​diễn ra vào tháng 11/2022 tại Ai Cập. Tuy nhiên, Nga đã hoãn lại và không bên nào ấn định ngày đàm phán mới.

Hôm thứ Hai (30/1), Nga nói với Mỹ rằng hiệp ước này có thể hết hạn vào năm 2026 mà không có hiệp ước thay thế với lý do Washington đang cố gắng gây ra "thất bại chiến lược" cho Moscow ở Ukraine.

Khi được hỏi về khả năng không có hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân sau năm 2026, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov nói với cơ quan thông tấn của nhà nước Nga RIA Novosti rằng: "Kịch bản này hoàn toàn có khả năng xảy ra".

Hoa Kỳ đã cung cấp hơn 27 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine kể từ khi Nga xâm lược nước này vào tháng 2/2022. Theo đó, chính quyền ông Biden đã cung cấp cho Ukraine hơn 1.600 hệ thống tên lửa phòng không Stinger, 8.500 hệ thống tên lửa chống tăng Javelin và 1 triệu viên đạn pháo 155mm.

Theo hãng tin Bloomberg, nỗ lực gần đây của Mỹ nhằm tái khởi động các cuộc đàm phán ở Cairo cũng đang gặp thất bại.

Theo hiệp ước New START, cả hai nước được phép triển khai tới 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và 1.550 đầu đạn hạt nhân trên những tên lửa đó.

Nếu New START bị chấm dứt hoặc được phép hết hạn, kho vũ khí hạt nhân của hai cường quốc lớn nhất thế giới sẽ lần đầu tiên thoát khỏi các ràng buộc dựa trên hiệp ước kể từ những năm 1970. Không bên nào có thể kiểm tra kho dự trữ của bên kia.

Lời cảnh báo từ Washington được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh ngày càng gửi nhiều vũ khí tinh vi hơn tới Ukraine nhằm đẩy lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ nước này, bất chấp việc họ đã ‘nâng cao cảnh giác’ để tránh bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh với một cường quốc hạt nhân.

Các quan chức Hoa Kỳ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chỉ trích Tổng thống Nga Putin về những lời lẽ đe dọa trong việc "vung thanh kiếm hạt nhân" kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Các quan chức Nga ít lên tiếng hơn trước các mối đe dọa hạt nhân trong những tháng gần đây, đặc biệt là sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố vào mùa thu rằng, ông phản đối việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở châu Âu.

Thanh Hải tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New START