Mỹ chỉ định Iran và Trung Quốc là những quốc gia 'đáng quan ngại' về tự do tôn giáo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Sáu (2/12), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết, Mỹ đã xác định Trung Quốc, Iran và Nga, cùng nhiều quốc gia khác, là các quốc gia cần 'giám sát đặc biệt' theo Đạo luật Tự do Tôn giáo vì những vi phạm nghiêm trọng.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 2/12 (giờ địa phương) chỉ định Triều Tiên và Miến Điện (trước đây gọi là Myanmar) là các quốc gia gây "lo ngại đặc biệt" (particular concern) về tự do tôn giáo. Theo đó, các quốc gia này đã tham gia hoặc cho phép lạm dụng nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo.

Algeria, Cộng hòa Trung Phi, Comoros và Việt Nam cũng được thêm vào danh sách các quốc gia cần giám sát (watch list).

Một số nhóm cũng được liệt kê là những thực thể gây "lo ngại đặc biệt", bao gồm Tập đoàn Wagner liên kết với Điện Kremlin, một lực lượng bán quân sự tư nhân đang hoạt động ở Syria, Châu Phi và Ukraine. Theo ông Blinken, nhóm Wagner đã bị chỉ định là thực thể gây "lo ngại đặc biệt" vì những nỗ lực của họ ở Cộng hòa Trung Phi.

"Trên khắp thế giới, các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ đã quấy rối, đe dọa, bỏ tù và thậm chí sát hại các cá nhân vì niềm tin của họ. Hoa Kỳ sẽ không khoanh tay đứng nhìn trước những tội ác này", ông Blinken nói trong một tuyên bố.

Washington cũng đã gia tăng áp lực lên Iran để đáp trả cuộc đàn áp tàn bạo đối với người biểu tình. Các cuộc biểu tình đã nổ ra sau cái chết của cô gái Mahsa Amini 22 tuổi đến từ Iran. Cô đã bị bắt tại Tehran vì "trang phục không phù hợp". Vài giờ sau khi bị bắt, cô hôn mê và phải nhập viện. Cô qua đời vào ngày 16/9.

Đây là một trong những thách thức lớn nhất mà Cộng hòa Hồi giáo phải đối mặt kể từ cuộc cách mạng năm 1979.

Liên Hợp Quốc cho biết, tính đến nay đã có hơn 300 người thiệt mạng và 14.000 người bị bắt trong các cuộc biểu tình phản đối cái chết của cô gái trẻ Mahsa Amini người Iran.

Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi chính phủ Hồi giáo dòng Shiite chiếm đa số của Iran ngừng đàn áp và quấy rối các nhóm thiểu số về tôn giáo, đồng thời chấm dứt việc lợi dụng tôn giáo để hạn chế thực hiện các quyền cơ bản.

Cộng đồng tôn giáo Baha'i nằm trong số các nhóm thiểu số tôn giáo bị đàn áp nghiêm trọng nhất ở Iran. Cộng đồng này đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể các vụ bắt giữ và nhắm mục tiêu trong năm nay. Theo Liên Hợp Quốc, đây được coi là chính sách rộng lớn hơn nhằm vào các tín ngưỡng hoặc hoạt động thực hành tôn giáo bất đồng, bao gồm cả những người cải đạo theo Cơ đốc giáo và những người vô thần.

Hoa Kỳ cũng bày tỏ những quan ngại sâu sắc về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương - một khu vực phía tây Trung Quốc - nơi sinh sống của 10 triệu người Duy Ngô Nhĩ.

Các tổ chức nhân quyền và chính phủ phương Tây từ lâu đã cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền đối với người dân tộc thiểu số theo đạo Hồi, bao gồm cả việc cưỡng bức lao động trong các trại tập trung. Hoa Kỳ cũng cáo buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phạm tội diệt chủng. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã phủ nhận các cáo buộc này.

Với các vi phạm nghiêm trọng hơn về tôn giáo thì các nước bị Mỹ liệt vào "danh sách lo ngại đặc biệt" (Countries of Particular Concern) gồm: Cuba, Eritrea, Iran, Nicaragua, Pakistan, Nga, Ả Rập Xê Út, Tajikistan và Turkmenistan.

Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA) năm 1998 cho phép Tổng thống, người đã giao trách nhiệm cho Ngoại trưởng Mỹ, chỉ định các chính phủ gây "lo ngại đặc biệt" nếu họ bị coi là vi phạm tự do tôn giáo một cách có hệ thống và liên tục.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ chỉ định Iran và Trung Quốc là những quốc gia 'đáng quan ngại' về tự do tôn giáo