Mỹ chưa có hệ thống phòng thủ trước tên lửa siêu thanh của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một báo cáo điều tra mới của tờ Financial Times khẳng định rằng Trung Quốc đã phóng một tên lửa siêu thanh có khả năng mang hạt nhân, bay vòng quanh trái đất ở quỹ đạo thấp và suýt trượt mục tiêu trong gang tấc. Chính quyền Bắc Kinh đã chính thức phủ nhận những thông tin của báo cáo, nói rằng vật thể được đề cập tới chính là một con tàu vũ trụ.

Đại sứ giải trừ quân bị của Hoa Kỳ Robert Wood nói rằng, Washington quan ngại về khả năng Trung Quốc triển khai vũ khí siêu thanh và cho biết hiện tại Mỹ chưa có giải pháp chống lại loại vũ khí này.

Tại một cuộc họp báo ở Geneva hồi giữa tháng 10, ông Wood cho biết, công nghệ siêu thanh là thứ mà Mỹ đã và đang quan tâm đến, với những ứng dụng quân sự tiềm năng của nó. Tuy nhiên, Mỹ đã từ chối theo đuổi các ứng dụng quân sự đối với loại công nghệ này.

“Nhưng chúng tôi thấy Trung Quốc và Nga đang theo đuổi rất tích cực công nghệ này vì mục đích quân sự, vì vậy chúng tôi cũng phải tham gia 'chạy đua'. Chúng tôi chưa biết cách bảo vệ trước sự tấn công của công nghệ này. Cả Trung Quốc và Nga cũng vậy”, ông nói

Trung Quốc bác bỏ đã thử nghiệm vũ khí siêu thanh

Báo cáo của Financial Times, trích dẫn ý kiến của 5 người có kinh nghiệm về vấn đề này và sau đó là sự phản bác của Trung Quốc đã tạo ra một làn sóng phản đối trong cộng đồng tình báo Mỹ, những người dường như chưa chuẩn bị tinh thần rằng Trung Quốc cho đến nay vẫn đang nỗ lực phát triển khả năng siêu thanh, tuy nhiều người khác cũng không ngạc nhiên lắm.

Ông Rick Fisher, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế cho biết: “Việc nghiên cứu và phát triển vũ khí siêu thanh đã được tiến hành ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua. Vào năm 2019, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đã tiết lộ ra các loại vũ khí như HGV [phương tiện lướt siêu thanh] tầm trung đầu tiên, hệ thống tên lửa trang bị DF-17 HGV. Vì vậy, các báo cáo rằng việc Trung Quốc đã kết hợp hệ thống tấn công HGV với Hệ thống ném bom quỹ đạo phân đoạn (FOBS) phải được xem xét rất nghiêm túc".

HGV là những phương tiện cơ động cao có thể bỏ qua hoặc “lướt” tới mục tiêu sau khi được một tên lửa đẩy lên quỹ đạo thấp. FOBS là một hệ thống được lý thuyết hóa đầu tiên ở Liên Xô, trong đó tên lửa đi vào quỹ đạo thấp trước khi tấn công mục tiêu, thay vì phóng ra khỏi quỹ đạo trước khi quay trở lại bề mặt.

Sự kết hợp của hai công nghệ này rất quan trọng bởi vì, không giống như tên lửa đạn đạo truyền thống xuyên lục địa (ICBM) thoát ra khỏi bầu khí quyển và quay lại bằng cách sử dụng một vòng cung có thể đoán trước, thiết kế HSV / FOBS cho phép tấn công với tầm bắn gần như không giới hạn từ bất kỳ hướng nào. một khi đã vào quỹ đạo, nó sẽ cản trở hiệu quả các hệ thống cảnh báo sớm.

Theo ông Fisher, điều này làm dấy lên một dấu hiệu đỏ vì một khi xảy ra cuộc tấn công sử dụng công nghệ cực siêu thanh này, Mỹ không có khả năng phòng thủ.

Ông Fisher nói:

“Trên các ICBM, vũ khí HGV có khả năng cơ động rất sắc bén và nhanh chóng, có thể giúp đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa, giả sử chúng ta có các thiết bị đánh chặn tên lửa chống HGV, mà thật ra là hiện nay chúng ta không có”.

“Khi HGV trang bị các hệ thống FOBS mới của Trung Quốc, vừa được thử nghiệm, bạn kết hợp một hệ thống tấn công của Mỹ được thiết kế để tránh sự phát hiện từ mặt đất với một đầu đạn tấn công rất khó bị bắn hạ”.

“Có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc dự định trang bị cho các ICBM của họ nhiều đầu đạn HGV, giúp tăng tầm bắn và cũng như khả năng đánh bại bất kỳ hệ thống phòng thủ nào của Mỹ”.

Năm 2019, Nga đã hoàn thành việc phát triển HGV của riêng mình, được đặt tên là “Avangard”. Loại vũ khí đó có khả năng bay với tốc độ Mach 20, khoảng 15.000 dặm một giờ. Triều Tiên cũng đã bắn thử vũ khí siêu thanh vào tháng 9. Mỹ cũng đã đầu tư rất nhiều nhằm phát triển các khả năng siêu thanh trong vài năm qua.

Ông nói, với một môi trường nhiều mối đe dọa như vậy, không dễ xác định được liệu có đúng là cộng đồng tình báo thực sự bị bất ngờ hay không, vì những người biết có thể giả không biết. "Những người nói chuyện với các nhà báo không nhất thiết phải là những người đã được báo cáo tóm tắt về những phát triển này của PLA".

Dù sao thì những cáo buộc về khả năng siêu thanh là điều đang phải tranh cãi, vì sự kết hợp giữa HGV và FOBS sẽ có nghĩa là Trung Quốc có hoặc gần có được một loại vũ khí có khả năng né tránh hệ thống phòng thủ của Mỹ.

Tàu vũ trụ hay tên lửa?

Thêm vào sự nghi ngờ xung quanh báo cáo là sự phủ nhận cứng rắn của Bắc Kinh rằng loại vũ khí như vậy hoàn toàn không tồn tạị.

Ông Triệu lập Kiên, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với báo giới rằng, báo cáo của Financial Times là không chính xác và nói đó là con tàu vũ trụ được thiết kế để khám phá khả năng sử dụng công nghệ có thể tái sử dụng để giảm chi phí thực hiện các sứ mệnh không gian của Trung Quốc .

Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc cố tình gây khó khăn cho cộng đồng quốc tế khi đánh giá các cuộc thử nghiệm vũ khí của họ, và đây có thể là một trong những trường hợp. Có sự che chắn là bởi ĐCSTQ và quân đội của nó, PLA, đang sử dụng cái gọi là chính sách lưỡng dụng để đảm bảo các dự án khoa học và thương mại cũng mang lại lợi ích quân sự.

Việc tranh cãi liệu Trung Quốc có thử nghiệm tên lửa siêu thanh hay đó là tàu vũ trụ cung cấp một ví dụ điển hình cho việc chính sách này đang hoạt động hay không, vì các chương trình không gian và tên lửa của Trung Quốc đều sử dụng tên lửa "Trường Chinh" để lên quỹ đạo. Do đó, bất kỳ cuộc thử nghiệm nào nhằm cải thiện chương trình không gian của Trung Quốc cũng đồng thời cải thiện chương trình tên lửa của nước này và ngược lại.

Theo ông Fisher nhấn mạnh, một số chuyên gia lập luận rằng, tất cả các “tàu" phóng vào không gian của Trung Quốc nên được coi là hệ thống tấn công chiến lược, vì chương trình không gian của Trung Quốc và tất cả các bệ phóng đều do quân đội Trung Quốc sở hữu và quản lý.

Ông cũng lưu ý rằng số lượng công khai ICBM của Trung Quốc hiện không được tính như vậy.

Ông Fisher nói, câu hỏi có phải PLA thực sự có hàng trăm ‘ICBM’ trong một thời gian dài là có cơ sở.

Chính sách kiềm chế không thành công của Mỹ

Ông Fisher cho biết việc Trung Quốc bị cáo buộc thử tên lửa siêu thanh có khả năng chứa hạt nhân là một nỗ lực nhằm đi tắt đón đầu khả năng của Mỹ và phá hoại thế hệ tiếp theo của công nghệ phòng thủ tên lửa Mỹ.

“Kết hợp HGVs và FOBS là một cách mà Trung Quốc đáp trả trước bất kỳ quyết định nào của Mỹ nhằm tăng cường phòng thủ tên lửa, ông Fisher tuyên bố thêm.

“Họ đang tìm cách đánh bại “từ trong trứng” kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Đây rõ ràng là lý do khiến Washington lo ngại. Như ông Wood đã tuyên bố, đơn giản là không có một hệ thống phòng thủ chống lại tên lửa siêu thanh có khả năng tấn công bất cứ nơi nào trên trái đất.

Để giảm thiểu mối đe dọa này, ông Fisher cho rằng Mỹ nên tính đến các hệ thống phòng thủ trên không có thể phát hiện và tiêu diệt các HGV trong “giai đoạn tăng cường”, trước khi chúng lên đến quỹ đạo và trở nên khó phát hiện trước các hệ thống theo dõi truyền thống.

Tuy nhiên, trước khi điều đó xảy ra, ông Fisher nói, Mỹ sẽ phải tính đến sự thất bại của chính sách lâu đời là không xây dựng các hệ thống phòng thủ tên lửa đầy đủ để khuyến khích chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân.

"Đã qua nhiều thập kỷ, và đây vẫn là chính sách của Mỹ, chúng tôi đã không xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa để ngăn chặn các đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc và Nga", ông Fisher nói. “[Chúng tôi đã hành động như vậy], chúng tôi không cho họ cái cớ để họ lại bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân.”

"Sự kiềm chế của Mỹ đã thất bại", ông Fisher kết luận.

Du Quyên

Theo The Epoch Times

 



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ chưa có hệ thống phòng thủ trước tên lửa siêu thanh của Trung Quốc