Mỹ công bố vòng trừng phạt mới sau khi Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền ông Biden hôm thứ Sáu (30/9) đã công bố một vòng trừng phạt mới đối với Nga để đáp trả việc Moscow sáp nhập 4 khu vực lãnh thổ Ukraine. Các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các quan chức chính phủ và quân đội Nga, cùng các thành viên gia đình của họ.

Bộ Tài chính, Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Mỹ lần lượt công bố các lệnh trừng phạt nhắm vào các nhà hoạch định chính sách ở Moscow, các đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin và các thực thể hỗ trợ tổ hợp công nghiệp-quân sự (Military–industrial complex) của Nga.

Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố: "Hoa Kỳ bác bỏ dứt khoát các nỗ lực gian lận của Nga nhằm thay đổi hiện trạng lãnh thổ Ukraine".

Ông Blinken cho biết các lệnh trừng phạt là một lời cảnh báo dứt khoát từ Mỹ và các đồng minh G7 rằng, "bất kỳ cá nhân, thực thể hoặc quốc gia nào cung cấp hỗ trợ chính trị hoặc kinh tế cho Nga sẽ phải trả giá cho những nỗ lực phi pháp nhằm thay đổi hiện trạng lãnh thổ của Ukraine".

Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt ông Elvira Sakhipzadovna Nabiullina, người đứng đầu ngân hàng trung ương Nga và là cựu cố vấn của ông Putin. Ngoài ra, Bộ này đã xử phạt hơn một trăm thành viên của Duma Quốc gia (Hạ viện Nga).

Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng trừng phạt người thân của các thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, bao gồm cả phu nhân và các con của Thủ tướng Mikhail Mishustin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng áp đặt các hạn chế về thị thực đối với ông Ochur-Suge Mongush, một binh sĩ Nga bị cáo buộc tra tấn các tù nhân chiến tranh Ukraine. Các biện pháp trừng phạt cũng bao gồm hàng trăm cá nhân khác, trong đó có các thành viên của quân đội Nga và các quan chức quân đội Belarus.

Bộ Thương mại Mỹ cũng sẽ thêm 57 thực thể vào danh sách trừng phạt của mình để hạn chế việc Nga tiếp cận các công nghệ quan trọng, trong khi nước này không ngừng leo thang cuộc chiến ở Ukraine.

Vòng trừng phạt mới nhất của Washington diễn ra chỉ vài giờ sau khi ông Putin tuyên bố sáp nhập 4 khu vực của Ukraine vào lãnh thổ của Nga tại Điện Kremlin. Sau cái gọi là các cuộc trưng cầu dân ý ở bốn khu vực Ukraine, ông Putin nói rằng quyết định của Moscow thể hiện "ý chí của hàng triệu người dân" ở đó. Các cuộc trưng cầu dân ý đã bị các quốc gia Châu Âu, Mỹ và Liên Hợp Quốc lên án là "giả mạo".

Các chuyên gia cho rằng đây là cuộc thôn tính lãnh thổ lớn nhất kể từ Thế chiến II. Đầu tháng này, cuộc phản công của Ukraine đã buộc quân đội Nga phải rút lui khỏi khu vực Kharkiv. Kể từ đó, luận điệu của ông Putin ngày càng trở nên hung hăng.

Trong bài phát biểu của mình, ông Putin cũng ngầm ám chỉ đến khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân và sẵn sàng sử dụng chúng để bảo vệ lãnh thổ Nga, bao gồm cả 4 khu vực mới được sáp nhập của Ukraine. Hôm thứ Sáu (30/9), ông tuyên bố rằng Mỹ đã sử dụng bom nguyên tử ở Nhật Bản vào cuối Thế chiến II để "thiết lập một tiền lệ".

Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phản đối các cuộc trưng cầu dân ý do chính quyền thân Nga tổ chức tại bốn tỉnh của Ukraine.

Tổng thống Mỹ Biden nói: “Tôi muốn nói rõ điều này, Mỹ sẽ không bao giờ, không bao giờ công nhận yêu sách của Nga với các vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của Ukraine. Cái gọi là cuộc trưng cầu dân ý này là một sự giả tạo, giả tạo tuyệt đối".

"Và ý chí thực sự của người dân Ukraine được thể hiện rõ rệt. Họ đang hy sinh mạng sống của mình để cứu dân tộc của họ, để giữ gìn độc lập của đất nước và bảo vệ tự do của họ", ông cho biết.

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc cho rằng nếu Nga tiến hành sáp nhập 4 khu vực của Ukraine, điều này sẽ đánh dấu một “sự leo thang nguy hiểm”, phá hủy triển vọng hòa bình trong khu vực.

Ông nói: “Mọi quyết định sáp nhập các vùng Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia sẽ không có giá trị pháp lý và đáng bị lên án. Nó không thể được dung hòa với khuôn khổ pháp lý quốc tế. Đây là một sự leo thang nguy hiểm. Bất kỳ quyết định nào của Nga đều sẽ gây nguy hiểm hơn nữa cho triển vọng hòa bình, ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu".

Kể từ khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, chính quyền ông Biden đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt đối với các quan chức, tổ chức tài chính và đồng minh của Nga. Các biện pháp trừng phạt nhắm vào chính Tổng thống Nga Putin, các cố vấn thân cận nhất của ông và các ngân hàng lớn của Nga nhằm cắt đứt nguồn vốn và kìm hãm nền kinh tế Nga.

Thanh Hải

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ công bố vòng trừng phạt mới sau khi Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine