Mỹ: Cuộc xung đột ở Eo biển Đài Loan sẽ có tác động ‘thảm khốc’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã cảnh báo Trung Quốc rằng một cuộc xung đột với nước láng giềng dân chủ Đài Loan sẽ có tác động ‘thảm khốc’ đối với toàn cầu.

Ông Austin đã có bài phát biểu quan trọng tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 ở Singapore. Đây là một sự kiện thường niên quy tụ các nhà lãnh đạo quốc phòng, an ninh và quân sự để xây dựng và củng cố cộng đồng, cũng như khám phá những cơ hội mới trong những lĩnh vực mang lại lợi ích chung ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

“Cả thế giới đều được hưởng lợi từ việc duy trì hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan. An ninh của các tuyến vận tải thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc vào đó. Quyền tự do hàng hải trên thế giới cũng vậy.

“Nhưng đừng nhầm lẫn: một cuộc xung đột ở Eo biển Đài Loan sẽ rất thảm khốc”.

Ông lập luận: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng xung đột không phải là sắp xảy ra và cũng không phải là không thể tránh khỏi. Ngày nay, khả năng răn đe đe của chúng ta rất mạnh và trách nhiệm của chúng ta là duy trì [hiện trạng ở Eo biển Đài Loan]".

“Vì vậy, chúng tôi quyết tâm duy trì hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan. Và một số quốc gia khác trên thế giới cũng vậy, con số này đang tiếp tục tăng lên".

Đài Loan đang phải đối mặt với mối đe dọa xâm lược thường xuyên từ Trung Quốc, quốc gia luôn coi hòn đảo tự trị này là một phần lãnh thổ của mình. Trong những năm gần đây, mối đe dọa đến từ việc Trung Quốc thường xuyên điều máy bay quân sự xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo này.

Hãng tin AFP trích dẫn số liệu thống kê từ Bộ Quốc phòng Đài Loan cho hay, Trung Quốc đã điều động 1.727 máy bay tiến vào vùng ADIZ của Đài Loan vào năm 2022, tăng từ 960 chiếc vào năm 2021 và 380 chiếc vào năm 2020.

ADIZ là vùng nhận dạng trên không do một nước tự lập ra, yêu cầu mọi máy bay đi vào vùng này phải chịu sự kiểm soát của quốc gia đó. Về bản chất, ADIZ là khu vực được lập ra để giúp các quốc gia có thời gian nhận dạng trước khi các phương tiện bay tiến vào không phận của họ và chuẩn bị các biện pháp phòng vệ nếu cần.

Một trong những vụ xâm nhập quy mô lớn nhất trong năm nay xảy ra vào ngày 10/4, khi 54 máy bay chiến đấu của Trung Quốc tiến vào vùng ADIZ của hòn đảo.

Các phi công của lực lượng không quân Đài Loan chạy tới chiếc máy bay chiến đấu F-16V được trang bị vũ khí do Mỹ sản xuất tại một căn cứ không quân ở Gia Nghĩa, miền nam Đài Loan, hôm 5/1/2022. (Ảnh: Sam Yeh/AFP/Getty Images)

Hôm 3/6, ông Austin đã hội đàm với những người đồng cấp Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc trong hai cuộc gặp riêng tại Singapore. Tuyên bố chung của các quan chức quốc phòng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ “hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan”.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ vẫn cam kết sâu sắc trong việc duy trì hiện trạng ở Eo biển Đài Loan, nhất quán với chính sách Một Trung Quốc lâu đời của chúng tôi và các nghĩa vụ của chúng tôi theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan. Vì vậy, chúng tôi sẽ phối hợp với các đồng minh và đối tác của mình để tăng cường năng lực tự vệ trước sự cưỡng ép và bắt nạt”.

Chiến hạm Mỹ - Trung suýt va chạm ở Eo biển Đài Loan

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (USINDOPACOM) của Mỹ hôm 3/6 cáo buộc rằng chiến hạm Trung Quốc “có những thao tác không an toàn khi tiếp cận tàu Chung-Hoon”.

Theo đó, khi tàu khu trục Mỹ USS Chung Hoon và tàu hộ vệ tên lửa HMCS Montreal của Canada đang thực hiện một chuyến tuần tra chung qua Eo biển Đài Loan, thì một chiếc tàu chiến của Hải quân Nhân dân Trung Quốc Luyang III DDG 132 (LY 132) đã bất ngờ tăng tốc và “tạt đầu” tàu khu trục Mỹ USS Chung Hoon ở khoảng cách khoảng 130 mét, suýt chút va chạm vào nhau. Cuối cùng tàu khu trục Mỹ buộc phải giảm tốc xuống 10 hải lý/giờ và đổi hướng để tránh sự cố va chạm.

Tuy nhiên, tàu Trung Quốc sau đó đã băng qua mũi tàu Mỹ từ mạn trái và tiếp tục ở phía trước mũi của tàu Mỹ.

“Điểm tiếp cận gần nhất của tàu LY 132 là 130 mét và hành động này vi phạm quy tắc đi lại an toàn trong vùng biển quốc tế”, tuyên bố nêu rõ.

Cuộc chiến chất bán dẫn ngày càng nóng

Mặc dù đã chi hàng tỷ USD để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của mình, song Trung Quốc hiện vẫn không đủ năng lực sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất, đó là những con chip nhỏ cung cấp năng lượng cho mọi thứ, từ điện thoại di động và xe điện đến hệ thống tên lửa và trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong khi đó, Đài Loan, quê hương của nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới - Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), hiện sản xuất 92% các loại chip hiện đại nhất trên thế giới.

Dân biểu Michael McCaul đã đến dự một cuộc họp kín với các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện trên Đồi Capitol ở Washington, hôm 10/5/2023. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Do đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình muốn nhúng tay vào ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan, theo Dân biểu Michael McCaul.

“Ông Tập muốn điều đó”, ông McCaul cho biết trong một hội thảo tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2022.

"Và giống như Tổng thống Nga Vladimir Putin, câu hỏi không phải là có nên xâm lược Ukraine hay không mà là khi nào, tôi nghĩ rằng ông Tập cũng đang cân nhắc [xâm lược] Đài Loan, và vấn đề chính là thời gian”.

Một cuộc xung đột ở Đài Loan có thể diễn ra theo nhiều kịch bản khác nhau. Theo báo cáo Sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2022 của Lầu Năm Góc (pdf), các lựa chọn quân sự của Trung Quốc bao gồm từ "phong tỏa trên không và/hoặc trên biển cho đến xâm lược đổ bộ quy mô lớn" để chiếm một số đảo ngoài khơi hoặc toàn bộ Đài Loan.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc phong tỏa Đài Loan có thể gây tổn thất cho nền kinh tế toàn cầu, theo một báo cáo gần đây của Rhodium Group.

“Một ước tính sơ bộ, thận trọng về sự phụ thuộc vào chip Đài Loan cho thấy các công ty trong ngành này có thể buộc phải từ bỏ doanh thu hàng năm lên tới 1,6 nghìn tỷ USD trong trường hợp bị phong tỏa”, báo cáo cho biết, đồng thời lưu ý rằng hoạt động kinh tế có thể có tiêu tốn thêm hàng nghìn tỷ USD do tác động thứ cấp.

Báo cáo cho biết: “Cuối cùng, toàn bộ tác động trong lĩnh vực kinh tế và xã hội của sự thiếu hụt chip ở quy mô đó là không thể đo lường được, nhưng đó có thể sẽ là một thảm họa”.

Thượng nghị sĩ Roger Wicker phát biểu trong phiên điều trần với Ủy ban Helsinki tại Tòa nhà Văn phòng Thượng viện Dirksen ở Washington, hôm 23/3/20223. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)

Trong một bài phát biểu vào tháng 2/2023, Thượng nghị sĩ Roger Wicker, thành viên cấp cao của Ủy ban Quân vụ Thượng viện, đã cảnh báo rằng, cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan sẽ "ngay lập tức đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái mà chúng ta chưa từng thấy trong một thế kỷ qua”.

"Người Mỹ sẽ mất quyền tiếp cận với các chất bán dẫn quan trọng có trong máy tính xách tay, điện thoại, ô tô và vô số sản phẩm điện tử đã trở thành xương sống của cuộc sống hàng ngày", ông Wicker tiếp tục.

Thượng nghị sĩ cũng cảnh báo rằng nếu Trung Quốc nắm quyền kiểm soát lĩnh vực bán dẫn của Đài Loan, chuỗi cung ứng của Mỹ sẽ "cực kỳ dễ bị tổn thương trước Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

“Bắc Kinh muốn thâu tóm ngành công nghiệp béo bở đó để chiếm ưu thế rõ rệt trong nền kinh tế thế giới. Điều này có thể gây ra thiệt hại kinh tế to lớn đối với Hoa Kỳ", Thượng nghị sĩ nói thêm.

"Nếu Bắc Kinh giành quyền kiểm soát ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan, họ có thể viết lại các quy tắc của nền kinh tế toàn cầu. Bắc Kinh muốn áp đặt các điều kiện đối với bất kỳ cuộc đàm phán nào với Hoa Kỳ, khiến người Mỹ mất hàng chục triệu việc làm và cản trở tăng trưởng kinh tế của chúng ta".

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ: Cuộc xung đột ở Eo biển Đài Loan sẽ có tác động ‘thảm khốc’