Mỹ đạt bước tiến quan trọng khi thành lập Ủy ban đối phó với Đảng Cộng sản Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc Hạ viện Mỹ thành lập một ủy ban mới về Trung Quốc được coi là thành công đầu tiên của tân Chủ tịch Hạ viện của Đảng Cộng hòa Kevin McCarthy. Tuy nhiên, hầu hết mọi người không biết rằng ủy ban này đáng lý ra phải được thành lập từ lâu.

Tên gọi của ủy ban này là "Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện về Cạnh tranh Chiến lược giữa Hoa Kỳ và Đảng Cộng sản Trung Quốc". Ủy ban này sẽ tập trung vào các mối đe dọa ngày càng tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) - đảng đang cầm quyền tại Trung Quốc.

Tổng cộng có 365 thành viên của Hạ viện Hoa Kỳ nhiệm kỳ thứ 118 đã bỏ phiếu ủng hộ việc thành lập Ủy ban Đặc biệt mới này, trong đó bao gồm tất cả các đảng viên Đảng Cộng hòa và 146 đảng viên Đảng Dân chủ. Trong nhiều năm qua, Đồi Capitol không nhiều lần được chứng kiến cảnh tượng lưỡng đảng đạt được đồng thuận về một vấn đề​​.

Vậy tại sao cần phải thành lập một Ủy ban mới đặc biệt giải quyết các vấn đề liên quan đến ĐCSTQ?

Câu trả lời cho câu hỏi này rất rõ ràng: Người Mỹ cần phải hành động ngay lập tức nếu họ không muốn chứng kiến thế hệ tương lai của mình trở thành nô lệ cho ĐCSTQ.

Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng gấp 10 lần kể từ khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001. Một so sánh đơn giản về năm khía cạnh sau đây giữa ĐCSTQ ngày nay và bất kỳ chế độ nào trong quá khứ cho thấy rõ ràng rằng, ĐCSTQ hiện là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và nhân loại trong lịch sử loài người:

1. Tổng thể sức mạnh kinh tế

ĐCSTQ hiện có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Hoa Kỳ, nếu tính theo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nếu so sánh GDP của hai quốc gia này theo sức mua tương đương (PPP), thì GDP (PPP) của Trung Quốc là 27,31 nghìn tỷ USD, cao hơn khoảng 18,7% so với 23 nghìn tỷ USD của Hoa Kỳ, theo thống kê từ báo cáo năm 2021 của Ngân hàng Thế giới.

2. Tổng lực quân sự

ĐCSTQ hiện sở hữu quân đội lớn thứ hai thế giới. Báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội năm 2022 chỉ ra rằng, hải quân Trung Quốc đã vượt qua Hải quân Hoa Kỳ về số lượng tàu tác chiến.

3. Công nghệ hiện đại

ĐCSTQ đang nhanh chóng bắt kịp thế giới phương Tây về công nghệ, nhờ các tập đoàn Hoa Kỳ đầu tư mạnh vào Trung Quốc.

4. Tổng dân số dưới sự kiểm soát của trung ương

Trung Quốc ngày nay có tổng dân số 1,4 tỷ người, lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử.

5. Lịch sử diệt chủng trong nước

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ĐCSTQ đã sát hại khoảng 80 triệu người Trung Quốc kể từ khi đảng này nắm quyền kiểm soát quốc gia vào năm 1949.

Nhìn lại thế kỷ qua, Hoa Kỳ đã có hai chiến lược rất khác nhau để đối phó với các đối thủ hàng đầu. Một thành công và một thất bại.

Chiến lược thành công là chiến lược Chiến tranh Lạnh, đã đẩy Liên Xô vào tình trạng sụp đổ kinh tế và sau đó dẫn đến sự thay đổi chế độ.

Chiến lược thất bại là chính sách đối với Trung Quốc vì dựa trên ảo tưởng rằng, ĐCSTQ cuối cùng sẽ thực hiện cải cách chính trị ở Trung Quốc sau khi dân chúng nước này trở nên giàu có hơn, trong đó phần lớn dân số thuộc tầng lớp trung lưu.

Phương Tây đã cho phép Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001. Đến năm 2021, tổng đầu tư trực tiếp từ Hoa Kỳ vào Trung Quốc đã lên tới gần 120 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp từ toàn bộ Thế giới phương Tây lên tới hàng trăm tỷ USD.

Trong khi Hoa Kỳ liên tục để vuột mất việc làm và các ngành công nghiệp vào tay Trung Quốc trong hai thập kỷ qua, thật không may, thậm chí không ai buồn đặt một câu hỏi đơn giản: Trong Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và thế giới tự do, nếu phương Tây đã đầu tư hàng trăm tỷ USD cho kẻ thù của mình, liệu Liên Xô có khi nào sụp đổ hay không? Liệu hệ thống chính trị của Liên Xô có thể có được một nhà lãnh đạo cải cách chính trị như ông Mikhail Gorbachev hay không?

Điều gì đã xảy ra sau khi chế độ ĐCSTQ cuối cùng trở nên giàu có và quyền lực hơn?

Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung ở Alaska vào tháng 3/2021, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì đã nhìn thẳng vào mắt Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và nói: “Hoa Kỳ không có đủ tư cách để nói rằng họ muốn nói chuyện với Trung Quốc từ một vị thế của cường quốc".

Chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông vào năm 2013. Đến năm 2022, ba trong số bảy hòn đảo nhân tạo đã bị quân đội Trung Quốc chiếm đóng. Vào tháng 6/2021, chính quyền Bắc Kinh chính thức tuyên bố rằng, Trung Quốc có đầy đủ chủ quyền đối với eo biển Đài Loan.

Trên lục địa Âu - Á, một liên minh chống Mỹ đang nhanh chóng hình thành xung quanh các chế độ đang cầm quyền Trung Quốc, Nga, Bắc Triều Tiên, Iran và Afghanistan. Do GDP của Trung Quốc gấp hơn 10 lần GDP của Nga, nên rõ ràng Bắc Kinh đã nắm vai trò lãnh đạo trong liên minh này.

Chính quyền Trung Quốc đã trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ trước đây chỉ phải đối phó với Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng giờ đây, khi mối đe dọa từ ĐCSTQ đang leo thang nhanh chóng, các thành viên của Quốc hội Mỹ sẽ phải xem xét nhiều vấn đề phức tạp hơn nhiều.

Trong những thập kỷ tới, Ủy ban Trung Quốc của Hạ viện Hoa Kỳ mới được thành lập kể trên sẽ cần phải trở thành một công cụ thật hiệu quả để đối phó với ĐCSTQ.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Theo The Epoch Times

Thanh Hải biên dịch

Tác giả Nathan Su là ký giả cho The Epoch Times từ năm 2018.



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ đạt bước tiến quan trọng khi thành lập Ủy ban đối phó với Đảng Cộng sản Trung Quốc