Mỹ điều động hơn 3.000 quân tới châu Âu trong cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giới chức Mỹ hôm 2/2 cho biết Tổng thống Joe Biden chỉ thị Lầu Năm Góc điều hơn 3.000 binh sĩ tới lãnh thổ các đồng minh ở châu Âu để “tăng cường khả năng phòng thủ”, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine đang diễn ra.

Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc John Kirby nói với các hãng thông tấn hôm 02/02, đợt triển khai lần này gồm khoảng 2,000 quân tới Đức và Ba Lan và một đơn vị kỵ binh gồm 1,000 thành viên từ Đức di chuyển tới Rumani.

Ông Kirby nói rằng, đây “không phải là những hành động lâu dài” và đội quân này “sẽ không chiến đấu ở Ukraine, nhưng sẽ bảo đảm sự phòng thủ mạnh mẽ cho các đồng minh NATO của chúng tôi.” Ông nói thêm rằng, các binh lính đã được huấn luyện cho “nhiều nhiệm vụ khác nhau”, bao gồm cả nhiệm vụ “ngăn chặn hành vi xâm lược”.

“Tình hình hiện nay đòi hỏi chúng tôi phải củng cố lập trường răn đe và phòng thủ ở sườn phía đông của NATO,” ông Kirby nói. “Tổng thống Biden đã nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ đáp trả mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh và ổn định của Châu Âu".

Ông Kirby nói thêm rằng, cam kết của Hoa Kỳ đối với Điều V của NATO về phòng thủ vẫn là “cứng như sắt thép”.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 01/02 cho biết, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đan Mạch, và Hà Lan đều đã cam kết cử lực lượng bổ sung tới các nước phía đông NATO.

Nga đã đáp trả bằng một lời phản đối gay gắt, gọi việc khai triển này là vô căn cứ và “phá hoại”.

Tổng thống Nga Putin cũng đã có một cuộc điện đàm mới với Thủ tướng Anh Boris Johnson. Các bản ghi về cuộc điện đàm từ cả hai chính phủ đều không cho thấy tiến triển.

Nga đã tập trung hàng chục ngàn binh sĩ dọc theo biên giới với Ukraine trong những tuần gần đây, cũng như ở Crimea bị Nga sáp nhập và Belarus. Ông Kirby cho biết hôm 31/01 rằng, số lượng binh lính Nga cùng pháo hạng nặng và vũ khí phòng không tại các địa điểm này đã tăng lên vào cuối tuần trước.

Trong một loạt các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Nga và Mỹ, các quan chức Hoa Kỳ đã đe dọa sẽ phối hợp với các đồng minh để áp đặt các biện pháp trừng phạt “nghiêm khắc” đối với Nga nếu nước này xâm lược Ukraine. Trong nhiều tuần, chính phủ Tổng thống Biden đã nói rằng “các biện pháp khác” có thể bao gồm vật tư phòng thủ bổ sung cho Ukraine và chi viện cho các đồng minh NATO ở sườn phía đông của Nga các năng lực bổ sung (vũ khí, quân đội, v.v.).

Tổng thống Joe Biden trước đó đã nói rằng việc đưa quân đội Mỹ đến Ukraine “không phải là lựa chọn”.

Tuần trước (24-30/01), Lầu Năm Góc thông báo đã đặt 8,500 lính Mỹ ở trạng thái “sẵn sàng cao độ để điều động” nhằm hỗ trợ cho các đồng minh NATO phía đông nếu căng thẳng đang diễn ra giữa Nga và Ukraine đòi hỏi phải làm vậy.

Các quan chức Hoa Kỳ cho biết các lệnh trừng phạt sẽ nghiêm khắc hơn những lệnh trừng phạt đối với Nga khi nước này xâm lược Bán đảo Crimea vào năm 2014.

Bà Psaki cho biết hôm 31/01 rằng các lệnh trừng phạt sẽ mở rộng đối với các cá nhân trong trung tâm quyền lực của Moscow cũng như các bộ phận chính của hệ thống tài chính nếu Nga xâm lược Ukraine.

Cuối tuần qua (29-30/01), có ít nhất hai thượng nghị sĩ Hoa Kỳ cho biết Thượng viện đã gần đạt được thỏa thuận về luật để trừng phạt phủ đầu Nga về các hành động của họ đối với Ukraine, cho dù Moscow có hành động xâm lược hay không.

Trong khi đó, Nga đã đưa ra các yêu cầu, trong đó có việc NATO không cho phép Ukraine gia nhập liên minh với tư cách là thành viên.

Hoa Kỳ đã phúc đáp bằng văn bản về những yêu cầu này vào tuần trước. Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết, văn bản phúc đáp này “đặt ra một con đường ngoại giao nghiêm túc về sau này nếu Nga chọn con đường đó”.

Moscow sau đó đã gửi văn bản phúc đáp của riêng họ cho Hoa Kỳ trước một cuộc điện đàm dự kiến ​​giữa Ngoại trưởng Blinken và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vào ngày 01/02.

Tại một cuộc họp báo ở Kyiv hôm 28/01, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận sự leo thang của Nga, nhưng cũng kêu gọi các phương tiện thông tin đại chúng và các nhà lãnh đạo phương Tây giảm bớt những luận điệu cho rằng một cuộc xâm lược của Nga sắp xảy ra.

“Hình ảnh mà các phương tiện thông tin đại chúng tạo ra là chúng tôi có quân đội trên các tuyến đường, chúng tôi huy động binh lính, người dân bỏ đi nơi khác. Điều đó không chính xác,” ông Zelensky nói. “Chúng tôi không cần sự hoảng loạn này.”

Trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc hôm 01/02, bà Psaki đã rút lại một tuyên bố trước đó miêu tả một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine là “sắp xảy ra”.

“Tôi đã sử dụng cách nói đó một lần. Tôi nghĩ rằng những người khác đã sử dụng cách nói đó một lần và sau đó chúng tôi ngừng sử dụng nó, bởi vì tôi nghĩ rằng nó gửi một thông điệp mà chúng tôi không có ý định gửi đi, đó là chúng tôi biết rằng Tổng thống [Nga Vladimir] Putin đã có quyết định,” bà nói. “Tôi sẽ nói là phần lớn số lần tôi đã nói về việc đó và nói rằng ‘ông ấy có thể xâm lược bất cứ lúc nào’ – đó là sự thật".

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ điều động hơn 3.000 quân tới châu Âu trong cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine