Mỹ gây sức ép buộc các bên xung đột ở Sudan đồng ý ngừng bắn 24 giờ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau áp lực từ Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, các bên xung đột ở Sudan đã đồng ý ngừng bắn trong 24 giờ bắt đầu từ tối thứ Ba (18/4) theo giờ địa phương. Cuộc xung đột vũ trang đẫm máu đã nhấn chìm thủ đô Khartoum và khiến cho đoàn xe ngoại giao của Mỹ bị tấn công.

Liên Hợp Quốc cho biết, giao tranh nổ ra ở thủ đô Khartoum của Sudan và các thành phố lân cận từ ngày 15/4, khiến ít nhất 185 người thiệt mạng. Đây là các cuộc đụng độ giữa lực lượng của Tư lệnh quân đội Abdel Fattah al-Burhan và cấp phó của ông là Mohamed Hamdan Daglo (thường được gọi là Hemetti), chỉ huy Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự của Sudan.

Cả quân đội và RSF đều cáo buộc đối phương là bên châm ngòi cho xung đột. Hai bên đã không kích, pháo kích và đọ súng với nhau trong nhiều ngày. Nhiều đề nghị ngừng bắn đã được đưa ra, nhưng bạo lực chưa có dấu hiệu kết thúc hoàn toàn.

Theo Liên Hợp Quốc, sự việc này đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc và và khiến hệ thống y tế đối mặt với nguy cơ sụp đổ.

Tướng Shams El Din Kabbashi, thành viên của Hội đồng quân sự cầm quyền Sudan, cho biết trên đài truyền hình Al Arabiya rằng lệnh ngừng bắn bắt đầu lúc 6 giờ chiều ngày 18/4 (giờ địa phương) nhưng sẽ không kéo dài quá 24 giờ đã thỏa thuận.

Tiếng máy bay chiến đấu gầm rú trên bầu trời Khartoum kèm theo các vụ nổ và tiếng súng vang khắp thủ đô Sudan vào đầu ngày 18/4. Liên Hợp Quốc cho biết giao tranh ở phía tây đất nước cũng không kém phần ác liệt.

Hôm 18/4, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã tới Nhật Bản để tham dự hội nghị Ngoại trưởng G7, sau chuyến công du Việt Nam.

Trong bài phát biểu của mình, Ngoại trưởng Blinken cho biết ông đã trực tiếp điện đàm với hai bên để kêu gọi hai phe ngừng bắn trong vòng 24 giờ nhằm giúp "các gia đình Sudan được đoàn tụ một cách an toàn" và cứu trợ họ.

Trong khi đó, ông Blinken cũng cho biết đoàn xe ngoại giao của Mỹ đã bị tấn công mặc dù phương tiện này có biển số ngoại giao và treo cờ Mỹ.

Ông cho biết nguồn tin ban đầu cho thấy cuộc tấn công "liều lĩnh" được thực hiện bởi các lực lượng có liên hệ với RSF. May mắn là tất cả người Mỹ đều an toàn trong vụ việc.

Sau sức ép từ Ngoại trưởng Mỹ, ông Hemedetti cho biết RSF đã chấp thuận lệnh ngừng bắn để đảm bảo dân thường đi lại an toàn và sơ tán những người bị thương

Trong một bài đăng trên Twitter, ông Hemedetti nói rằng ông đã "thảo luận về các vấn đề cấp bách" với Ngoại trưởng Blinken và lên kế hoạch cho nhiều cuộc đàm phán.

RSF cũng đưa ra một tuyên bố nói rằng một cuộc cách mạng mới đang được tiến hành để khôi phục "các quyền của người dân chúng tôi".

Khói bốc lên từ các tòa nhà dân cư ở Khartoum, thủ đô Sudan, hôm 16/4/2023, trong bối cảnh giao tranh đẫm máu ở Sudan vì 2 tướng tranh quyền. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Giao tranh ác liệt, liệu Sudan có đứng trước nguy cơ 'tái nội chiến'?

Khartoum đầy rẫy pháo kích và máy bay chiến đấu. Giao tranh trên đường phố ác liệt đến nỗi người dân gần như không thể đi lại. Trong khi đó, các sân bay quốc tế lớn đã bị tấn công và các chuyến bay thương mại bị đình chỉ.

Các nhân viên cứu trợ, bệnh viện và các nhà ngoại giao cũng bị tấn công bởi những người có vũ trang, và một Đại sứ của Liên minh Châu Âu (EU) cũng đã bị tấn công tại nhà riêng.

Ba nhân viên của Chương trình Lương thực Thế giới đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ vào thứ Bảy tuần trước (15/4) và một máy bay của Liên Hợp Quốc cũng bị trúng đạn trong cuộc đọ súng.

Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc tế cho biết, gần như không thể cung cấp các dịch vụ nhân đạo xung quanh thủ đô, đồng thời cảnh báo hệ thống y tế của nước này có nguy cơ sụp đổ.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 18/4 đã kêu gọi các bên xung đột tạo điều kiện cho tiếp cận nhân đạo và chăm sóc y tế: "Các cơ sở chăm sóc sức khỏe và nhân viên y tế không bao giờ được phép trở thành mục tiêu, đặc biệt là trong tình huống như thế này, nơi hàng ngàn dân thường cần được chăm sóc khẩn cấp. Tất cả các bên phải đảm bảo quyền tiếp cận không hạn chế và an toàn với các cơ sở y tế cho những người bị thương và những người cần được chăm sóc y tế".

Đâu là nguồn cơn của chiến sự?

Nguồn cơn của chiến sự tại Sudan đến từ mâu thuẫn và tranh chấp quyền lực giữa lực lượng Quân đội Sudan (trung thành với Tướng Abdel Fattah al-Burhan) và lực lượng RSF do tướng Mohamed Hamdan (Hemetti) lãnh đạo.

RSF được cựu Tổng thống Omar al-Bashir thành lập để thực hiện các nhiệm vụ an ninh và quân sự cụ thể, như đối phó với các phong trào nổi dậy ở Darfur, Nam Kordofan và các cuộc xung đột bộ lạc.

Năm 2019, tướng Burhan hợp tác với ông Hemedti để lật đổ nhà lãnh đạo lâu năm Omar al-Bashir và tiếp tục thực hiện một cuộc đảo chính quân sự năm 2021, đưa ông Burhan lên nắm quyền.

Bất đồng giữa hai bên đã leo thang trong thời gian gần đây, đặc biệt liên quan đến kế hoạch sáp nhập hoàn toàn RSF vào quân đội chính quy Sudan và khung thời gian cho quá trình sáp nhập. Phía Quân đội yêu cầu thời gian sáp nhập RSF không quá 2 năm, trong khi RSF muốn kéo dài thời gian hoàn thành quá trình này trong 10 năm.

Trong khi đó, các nước láng giềng như Ai Cập và Cộng hoà Sát đã đóng cửa biên giới với Sudan trong khi các hãng hàng không của Ai Cập, Ả Rập Xê Út và Qatar đã ngừng các chuyến bay tới nước này.

Liên minh Châu Phi (AU), Liên đoàn Ả Rập, Cơ quan Liên chính phủ về Phát triển (IGAD) và cộng đồng quốc tế đã lên tiếng chỉ trích bạo lực và kêu gọi các bên đối thoại để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Thanh Hải tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ gây sức ép buộc các bên xung đột ở Sudan đồng ý ngừng bắn 24 giờ