Mỹ khẳng định ‘sẽ tiếp tục tập trung’ vào nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 20/3, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố Báo cáo Nhân quyền Thường niên 2022 và bày tỏ quan ngại về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng do nhà nước Trung Quốc bảo trợ. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tập trung vào việc lên án hành vi này.

Hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức có hệ thống từ các tù nhân lương tâm để trục lợi của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần đầu tiên bị vạch trần vào năm 2006, sau khi nhiều người tố giác nói với The Epoch Times. Vụ việc này đã thu hút đông đảo sự chú ý của công chúng trong những năm gần đây.

Nghị viện Châu Âu cũng như hàng chục tiểu bang và thành phố của Hoa Kỳ đã ban hành các nghị quyết lên án hành vi lạm dụng này. Đồng thời, các nhà lập pháp liên bang từ lưỡng đảng Mỹ gần đây đã đệ trình nhiều dự luật nhằm buộc những kẻ lạm dụng phải chịu trách nhiệm.

Bà Erin Barclay, Quyền Trợ lý bộ trưởng phụ trách Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động (DRL) của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết bà đã biết về đề xuất lập pháp của Quốc hội Mỹ và khẳng định rằng tình hình nhân quyền của Trung Quốc luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong quan hệ Mỹ - Trung.

Hôm 20/3, trong cuộc họp báo công bố Báo cáo Nhân quyền Thường niên 2022, bà Erin Barclay nói với The Epoch Times rằng: “Mỹ sẽ tiếp tục tập trung vào vấn đề này vì nó có liên quan đến nhiều vấn đề về nhân quyền và nạn buôn người trong tương lai”.

Bà cũng khẳng định rằng: “Mỹ thường xuyên nêu lên tình hình nhân quyền ở Trung Quốc với các đối tác song phương của mình và trong môi trường đa phương có sự hiện diện của Trung Quốc".

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ trích dẫn một bài báo nghiên cứu được bình duyệt xuất bản trên Tạp chí Cấy ghép Hoa Kỳ (American Journal of Transplantation) vào tháng 4/2022. Bài báo chỉ ra rằng “Trung Quốc đã vi phạm Quy tắc hiến tạng đã chết”.

“Quy tắc hiến tạng đã chết” là nền tảng đạo đức của công việc ghép nội tạng. Quy tắc này quy định rằng, trước khi bất kỳ nội tạng nào bị lấy đi, người hiến tạng cần được chính thức tuyên bố là đã chết và đồng thời việc mổ lấy nội tạng không được gây ra cái chết cho người hiến tạng.

Báo cáo nêu rõ, bằng chứng từ 71 trong số 2838 nghiên cứu từ các ấn phẩm cấy ghép bằng tiếng Trung Quốc cho thấy, người hiến tặng bị chết do mổ cướp nội tạng. Những việc này đều xảy ra trước khi các bác sĩ có thể đưa ra phán đoán hợp pháp về chết não (braindead).

“Braindead” là một thuật ngữ y khoa đề cập đến tình trạng một người sẽ không bao giờ tỉnh lại hoặc bắt đầu tự thở trở lại mà không cần máy thở.

Đồng tác giả của bài báo nghiên cứu, Tiến sĩ Jacob Lavee, Chủ tịch Hiệp hội Cấy ghép Israel, nói với The Epoch Times rằng, những phát hiện này cấu thành sự thừa nhận tình cờ của các bác sĩ Trung Quốc rằng họ đang tham gia vào hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng.

Ông nói: “Họ đã mua nội tạng từ những người không được tuyên bố là đã chết, nghĩa là họ đã trở thành những kẻ hành quyết”.

Các học viên Pháp Luân Đại Pháp mang biểu ngữ nâng cao nhận thức về cuộc bức hại ở Trung Quốc, trong cuộc diễu hành qua trung tâm Warsaw, Ba Lan, vào ngày 9/9/2022. (Ảnh: Mihut Savu/The Epoch Times)

Theo kết quả điều tra của một tòa án độc lập, nạn nhân chính của nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng là các học viên Pháp Luân Công, một nhóm tu luyện tinh thần thực hành các bài tập thiền định và tuân theo các giá trị Chân - Thiện - Nhẫn.

Pháp Luân Công đã trở thành mục tiêu của một chiến dịch đàn áp tàn bạo của Trung Quốc kể từ năm 1999. Các học viên Pháp Luân Công bị thủ tiêu, bắt bớ tuỳ tiện, lao động khổ sai, cùng nhiều hình thức tra tấn khác. Do đó, hàng triệu học viên Pháp Luân Công bị giam giữ đã trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của chính quyền.

Không chỉ giới hạn ở những học viên Pháp Luân Công, mà các nhà hoạt động nhân quyền tìm cách cung cấp hỗ trợ pháp lý cho các nạn nhân bị bức hại cũng phải đối mặt với sự trừng phạt của chính quyền.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, luật sư nhân quyền Trung Quốc Lương Hiểu Quân đã bị tước đi giấy phép đại diện cho các học viên Pháp Luân Công.

Trong báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ có nêu trường hợp của học viên Pháp Luân Công Bian Lichao, giáo viên Trung học ở tỉnh Hà Bắc, miền bắc Trung Quốc.

Anh Bian Lichao và vợ anh là Zhou Xiuzhen sống tại thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc. Anh Bian Lichao là một giáo viên tại trường trung học cơ sở thứ 10 của khu vực Khai Loan, thành phố Đường Sơn. Anh bị bệnh tim và huyết áp cao, nhưng sức khỏe của anh đã được cải thiện sau khi tập luyện Pháp Luân Công vào năm 1997.

Anh Bian Lichao bị bắt cóc tại nhà vào ngày 25/2/2012 vì tập luyện Pháp Luân Công. Đồ đạc cá nhân của anh và hàng trăm nghìn nhân dân tệ đã bị chính quyền tịch thu. Vào năm 2012, anh bị kết án 13 năm tù ở nhà tù Bảo Định, thuộc tỉnh Hà Bắc.

Đầu năm 2013, anh Bian Lichao bị bí mật chuyển đến nhà tù Shijiazhuan. Ở đó, anh bị tra tấn, bị trói ngồi trên một chiếc ghế nhỏ trong một khoảng thời gian dài. Trong hoàn cảnh này, bệnh tim của anh tiếp tục tái phát. Bác sĩ cảnh báo rằng anh có thể qua đời bất kỳ lúc nào.

Đối mặt với tình cảnh đó, vợ và con gái anh Bian Lichao đã không ngừng vạch trần các thủ đoạn tra tấn của giới chức Đường Sơn.

Con gái của anh đã bị kết án ba năm rưỡi tù giam sau khi giăng một biểu ngữ có nội dung “Tôi muốn gặp cha tôi”, trang Minghui đưa tin.

Vào ngày 12/3/2014, con gái anh đã bị bắt khi vừa tròn 23 tuổi. Chỉ một ngày sau, vợ anh cũng bị bắt cóc tại nhà.

Cô Zhou Xiuzhen bị tra tấn tàn ác ở trong tù. Sau một thời gian dài bị bức hại như vậy, cô bị tổn thương gan và cổ trướng. Sau khi cô Zhou Xiuzhen được ra tù, cảnh sát tiếp tục quấy rối cô, khiến sức khỏe của cô ngày càng xấu đi. Cô Zhou Xiuzhen đã qua đời vào ngày 19/4/2020.

Thanh Hải tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ khẳng định ‘sẽ tiếp tục tập trung’ vào nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc