Mỹ mở lại Đại sứ quán tại Quần đảo Solomon để ngăn ảnh hưởng của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỹ đã mở lại một Đại sứ quán tại Quần đảo Solomon sau 30 năm vắng mặt để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương.

Trong chuyến thăm khu vực hồi năm ngoái, Ngoại trưởng Antony Blinken đã công bố kế hoạch mở phái đoàn ngoại giao tại đảo quốc Thái Bình Dương này. Đại sứ quán cuối cùng của Hoa Kỳ tại Quần đảo Solomon đã đóng cửa vào năm 1993 do Mỹ cắt giảm ngân sách sau Chiến tranh Lạnh, và một Đại sứ tại Papua New Guinea đã đại diện cho Hoa Kỳ ở Quần đảo Solomon.

Trong một tuyên bố hôm thứ Tư (1/2), Ngoại trưởng Blinken cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo cho chính phủ Quần đảo Solomon rằng Đại sứ quán mới của Mỹ ở Honiara đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 27/1.

“Việc mở Đại sứ quán Mỹ [tại Quần đảo Solomon] là nỗ lực của Hoa Kỳ, không chỉ nhằm bố trí thêm nhân viên ngoại giao trên khắp khu vực, mà còn gắn kết hơn nữa với các nước láng giềng Thái Bình Dương, kết nối các chương trình và nguồn lực của Hoa Kỳ với nhu cầu thực tế, đồng thời tăng cường mối quan hệ giữa người với người”, ông nói.

Động thái này của Hoa Kỳ diễn ra trong bối cảnh Washington và các đồng minh ngày càng lo ngại về tham vọng quân sự của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sau khi Trung Quốc ký hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon vào năm 2022.

Vào tháng 9/2022, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tiếp đón các nhà lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương trong một hội nghị thượng đỉnh ở Washington. Tại đây, ông Biden đã cam kết sẽ giúp Quần đảo Solomon ngăn chặn “sự ép buộc kinh tế” của chính quyền Trung Quốc; đồng thời hứa hẹn sẽ thắt chặt hợp tác với các đồng minh và đối tác để giải quyết các nhu cầu của người dân trên đảo.

Mỹ và 14 quốc đảo Thái Bình Dương đã đưa ra một tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh quyết tâm tăng cường quan hệ đối tác giữa các bên, cũng như tầm nhìn về một khu vực - nơi mà “nền dân chủ sẽ phát triển hưng thịnh”.

Thủ tướng Quần đảo Solomons Manasseh Sogavare đã ký vào tuyên bố chung trên. Chính phủ tiền nhiệm của quốc đảo này trước đó nhấn mạnh rằng, ông Sogavare sẽ không ký vào tuyên bố chung đó. Động thái này làm dấy lên lo ngại về mối liên hệ của ông với chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Hôm thứ Hai (30/1), quốc đảo san hô xa xôi Kiribati cho biết, họ sẽ tái gia nhập Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương. Động thái này cũng chính thức chấm dứt sự chia rẽ đã đe dọa sự thống nhất trong khu vực có vị trí chiến lược vào thời điểm căng thẳng giữa các siêu cường đang leo thang.

Kiribati đã chuyển sự công nhận ngoại giao từ Đài Loan tự trị sang Bắc Kinh vào năm 2019, và Solomons cũng vậy. Chính quyền Trung Quốc tuyên bố hòn đảo này là của mình, bất chấp thực tế rằng Đài Loan là một quốc gia độc lập, có quân đội, chính phủ được bầu cử dân chủ và hiến pháp riêng

Việc mở lại Đại sứ quán Mỹ tại Quần đảo Solomon diễn ra trong bối cảnh Washington đang đàm phán gia hạn các thỏa thuận hợp tác với ba quốc đảo quan trọng ở Thái Bình Dương là Quần đảo Marshall, Liên bang Micronesia và Palau.

Theo Hiệp ước Liên kết Tự do (COFA) lần đầu tiên được thống nhất vào những năm 1980, Washington có trách nhiệm bảo vệ Quần đảo Solomons và tiếp cận độc quyền với các khu vực rộng lớn của Thái Bình Dương.

Tháng trước, Washington cho biết họ đã ký các biên bản ghi nhớ với Quần đảo Marshall và Palau, đồng thời, các bên cũng đã đạt được thỏa thuận về các điều khoản hỗ trợ kinh tế trong tương lai từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Washington không cung cấp thông tin chi tiết.

Theo The Epoch Times

Thanh Hải biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ mở lại Đại sứ quán tại Quần đảo Solomon để ngăn ảnh hưởng của Trung Quốc