Mỹ: Người dân chuyển sang mua hàng giá rẻ khi lạm phát lương thực tiếp diễn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dữ liệu mới cho thấy, nhiều người tiêu dùng tại Mỹ đã chuyển sang mua sắm tại các cửa hàng giá rẻ, trong lúc giá thực phẩm tại các nhà bán lẻ vẫn ở mức cao hơn 10% so với năm trước.

Một báo cáo tháng 1/2023 từ hãng tư vấn Coresight Research cho thấy, 20% số người mua sắm ở Mỹ đã ghé thăm các cửa hàng giá rẻ để mua các mặt hàng tạp hóa.

"Nếu [các chuỗi cửa hàng giá rẻ Dollar Tree và Dollar General] tiếp tục cải thiện chất lượng thực phẩm tươi sống của họ trong khi vẫn duy trì mức giá thấp gắn với thương hiệu của họ, thì khả năng cao là họ sẽ củng cố được cam kết về giá trị và lợi ích của họ với cơ sở khách hàng hiện tại, và cũng thu hút được khách hàng mới từ các nhà bán lẻ có mức giá cao hơn", báo cáo của Coresight cho biết.

Mike Witysnki — Giám đốc điều hành Dollar Tree — đã xác nhận trong một cuộc điện đàm về chủ đề lợi nhuận hàng quý vào tháng 11/2022 rằng, công ty này đang "phát triển một nhóm các mặt hàng để đáp ứng nhu cầu của gia đình khách hàng, khi họ đang muốn tiết kiệm tiền bằng cách ăn uống tại nhà".

"Chúng tôi đang tích cực mở rộng các mặt hàng protein, pizza, đồ ăn sáng, và các [mặt hàng] kích cỡ cho gia đình ở mức giá phù hợp với ngân sách của họ", ông nói.

Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y tế Công cộng Mỹ (AJPH) gần đây cho thấy, các cửa hàng giá rẻ đã trở thành những nhà bán lẻ thực phẩm phát triển nhanh nhất. Các xu hướng tiêu dùng mới nhất đã khiến các công ty này bổ sung thêm các cửa hàng, và sửa sang lại các địa điểm hiện có với nhiều tủ lạnh và nhiều mặt hàng tạp hóa hơn.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Tufts lưu ý rằng, một số nhóm người tiêu dùng có thu nhập thấp và tại nông thôn đang mua sắm thực phẩm nhiều hơn tại các cửa hàng giá rẻ, một xu hướng mà họ cho rằng có thể ảnh hưởng đến dinh dưỡng.

"Các cửa hàng giá rẻ đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong việc mua thực phẩm của các hộ gia đình, tuy nhiên vẫn còn thiếu các nghiên cứu về chúng. Nhiều địa phương đã thiết lập các chính sách như luật phân vùng nhằm làm chậm việc mở rộng cửa hàng giá rẻ, mặc dù chúng tôi không hiểu hết được vai trò của chúng", Wenhui Feng — tác giả chính của nghiên cứu và đang giảng dạy tại Đại học Tufts — cho biết.

Trong khi đó, người tiêu dùng cũng đang dựa dẫm nhiều hơn vào tín dụng để mua thực phẩm.

Nhiều người tiêu dùng đã chuyển sang “mua ngay, trả sau” hơn để mua hàng tạp hóa, theo dữ liệu của Adobe Analytics cho thấy. Báo cáo cho hay, việc sử dụng phương thức "mua ngay, trả sau" cho hàng tạp hóa đã tăng 40% trong hai tháng đầu năm 2023.

Một cuộc khảo sát vào tháng 2/2023 của U.S. News cho thấy, 22% người tiêu dùng đã sử dụng "mua ngay, trả sau" để mua hàng tạp hóa.

35% số người được hỏi cho biết đã sử dụng "mua ngay, trả sau" vì họ "không có đủ tiền để mua ngay món đồ đó", và gần 1/5 (16%) cho biết họ "đã mua nhiều đồ hơn mức mình có thể mua được [nếu không dùng 'mua ngay, trả sau']".

Nhưng trong khi các hộ gia đình đang cố gắng tiết kiệm hóa đơn hàng tạp hóa của mình bằng cách thường xuyên lui tới các cửa hàng giá rẻ trong khu phố, thì một số mặt hàng thực phẩm lại có thể không có trên kệ.

Lạm phát trứng đánh vào chuỗi cửa hàng giá rẻ Dollar Tree

Dollar Tree sẽ không bán trứng nữa vì giá đã trở nên quá cao đối với công ty này trong những tháng gần đây.

Người phát ngôn của Dollar Tree xác nhận với Reuters rằng, nhà bán lẻ giá rẻ này sẽ loại bỏ trứng khỏi kệ hàng, vì giá trứng đã tăng vọt vượt quá mức giá của chuỗi cửa hàng này.

Hầu hết hàng hóa được bán tại Dollar Tree có giá 1,25 USD, mặc dù có một số sản phẩm chọn lọc được bán với giá 3 USD và 5 USD. Để so sánh, giá trung bình tại Mỹ cho một tá trứng lớn loại A là 4,21 USD, tăng hơn 55% so với cùng kỳ tháng 2 năm ngoái.

Kể từ khi Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) bắt đầu theo dõi giá trứng vào tháng 1/1980, giá của một tá trứng phần lớn dao động trong khoảng từ 1-2 USD. Trước đại dịch COVID, vào tháng 2/2020, giá trung bình cho mặt hàng thực phẩm phổ biến này là 1,45 USD, và đã tăng 190% kể từ đó.

Giá trứng tại Mỹ vào tháng 2/2023 đã giảm gần 7% so với tháng 1, một phần là do từ tháng 12/2022 chưa có xác nhận ca cúm gia cầm mới trong các trại trứng thương mại. Điều này đã cho phép nhiều nhà cung cấp có lại được hàng. Các chuyên gia cho rằng, giá trứng có thể đã đạt đỉnh. Nhưng các nhà phân tích thị trường cảnh báo, với các lễ Phục sinh và lễ Vượt qua sắp đến, nhu cầu mạnh mẽ có thể khiến giá trứng tăng cao trở lại.

Nhưng điều này không có nghĩa là Dollar Tree sẽ bỏ trứng hoàn toàn. Công ty này dự kiến sẽ bổ sung trứng vào các kệ hàng của mình khi giá cả ổn định hơn.

Ngành sản xuất trứng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) có khả năng truyền nhiễm và gây chết gia cầm. Năm 2022, hơn 43 triệu con gà đẻ trứng tại Mỹ đã bị nhiễm bệnh và chết hoặc bị giết. Ngoài ra, nông dân phải chịu chi phí đầu vào cao hơn, bao gồm chi phí lao động, năng lượng, và thức ăn.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, giá trứng sẽ tăng 37,8% vào năm 2023, "với khoảng dự đoán từ 18,3 đến 62,3%".

"Khoảng dự đoán rộng này phản ánh sự biến động của giá trứng bán lẻ", USDA lưu ý.

Vụ Tiếp thị Nông nghiệp của USDA báo cáo, tổng lượng hàng tồn kho trứng còn nguyên trong vỏ hàng tuần đã tăng 4,4% trong tuần kết thúc vào ngày 20/3/2023.

Theo The Epoch Times

Cao Dương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ: Người dân chuyển sang mua hàng giá rẻ khi lạm phát lương thực tiếp diễn