Mỹ nhận định Trung Quốc chưa vượt 'lằn ranh đỏ'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Tư (22/3), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Trung Quốc chưa ‘vượt qua lằn ranh đỏ’ trong việc viện trợ vũ khí sát thương cho Nga.

Trả lời câu hỏi về việc Trung Quốc có đang cung cấp "viện trợ sát thương" cho Nga hay không khi điều trần trước Tiểu ban Phân bổ ngân sách Thượng viện ngày 22/3, ông Blinken khẳng định: “Đến thời điểm này, Mỹ chưa thấy Trung Quốc vượt qua lằn ranh đỏ".

Ngoại trưởng Mỹ cho hay, kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, Mỹ đã cảnh báo "rất rõ ràng" về hậu quả nếu Bắc Kinh cung cấp vũ khí sát thương cho Nga để chống lại Ukraine.

“Khoảng ba tuần sau khi Nga xâm lược Ukraine, Tổng thống Biden đã thảo luận trực tiếp về vấn đề này với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông qua hội nghị truyền hình", ông nói.

Ngoại trưởng Mỹ lập luận rằng Trung Quốc đang theo dõi “rất sát sao” cách Washington và thế giới phản ứng đối với cuộc chiến của Nga tại Ukraine.

“Chúng ta đã mở chiếc hộp Pandora trên khắp thế giới, nơi những kẻ xâm lược ở khắp mọi nơi nhìn vào nó và nói, 'Nếu họ có thể thoát tội, thì tôi cũng vậy'. Và đó là một thế giới xung đột. Đó là một thế giới chiến tranh. Đó là một thế giới mà chúng ta đã từng sinh sống và chúng ta phải bước vào và thay đổi mọi thứ".

"Nhưng đó không phải là thế giới mà chúng ta mong muốn. Vấn đề ở Ukraine có ảnh hưởng lan rộng. Ví dụ, tôi nghĩ nó tác động đáng kể đến châu Á”, ông nói.

“[Trật tự] thế giới hậu Chiến tranh Lạnh đã qua, và đang có một cuộc cạnh tranh dữ dội để xác định [trật tự thế giới] mới”, ông Blinken cảnh báo.

"Hoa Kỳ thúc đẩy một tầm nhìn tích cực hướng tới tương lai: một thế giới tự do, an toàn, cởi mở và thịnh vượng. Chúng tôi tin rằng khoản ngân sách tới đây sẽ giúp Mỹ thúc đẩy tầm nhìn đó và nêu lên những vấn đề thực sự quan trọng đối với người dân Mỹ, đặc biệt là để đối phó hiệu quả với hai loạt thách thức", ông nói.

"Thứ nhất là thách thức do các đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ gây ra. Đây là mối đe dọa cấp bách và tức thời - tất nhiên là mang tính hủy diệt nhất, thông qua cuộc xâm lược tàn bạo của Nga đối với Ukraine. Và thứ hai là thách thức lâu dài từ Trung Quốc", ông nói thêm.

Theo hãng tin Reuters cuộc xâm lược của Nga đã khơi mào cho các cuộc khẩu chiến về việc cuộc chiến này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tư duy quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan, hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh coi là lãnh thổ của mình.

Ngoại trưởng Mỹ nói với các Thượng nghị sĩ rằng: “Tôi cho rằng nếu Trung Quốc đang theo dõi từng diễn biến [trong cuộc xung đột Nga - Ukraine] - và [thực tế] là họ đang theo dõi vô cùng sát sao - thì Bắc Kinh sẽ rút ra những bài học đắt giá về cách thế giới đoàn kết hoặc chia rẽ trước cuộc xâm lược này”.

Ông Blinken cũng nói về mối quan hệ “bằng hữu” giữa Trung Quốc và Nga, cũng như giữa cá nhân hai lãnh đạo tối cao Nga - Trung.

“Mối quan hệ Nga - Trung là mối quan hệ thức thời. Tôi không dám chắc có đúng vậy không. Tuy nhiên, Nga là bên yếu thế hơn nhiều trong mối quan hệ này”, ông Blinken nhận định.

Ông Blinken cũng nhấn mạnh rằng việc Trung Quốc hỗ trợ cả về chính trị và vật chất cho Nga là đi ngược lại với lợi ích của Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ nói với các nghị sĩ rằng Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cần khoản ngân sách mà Tổng thống Biden đang đề xuất để ứng phó với những mối đe dọa do Nga và Trung Quốc đặt ra. Ngân sách mà Chính quyền ông Biden đang đề xuất cho năm tài khóa 2024 tăng 11% so với ngân sách năm ngoái.

Ông Blinken cũng kêu gọi mọi thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) tuân thủ lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin với những cáo buộc tội ác chiến tranh, mặc dù Hoa Kỳ không phải là một bên của ICC.

ICC hôm 17/3 phát lệnh bắt Tổng thống Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belova với cáo buộc "di chuyển bất hợp pháp" trẻ em Ukraine sang Nga. ICC cho rằng hoạt động nói trên diễn ra sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát.

Điều này đồng nghĩa với việc nếu nếu ông Putin đặt chân đến lãnh thổ của 123 quốc gia thành viên của ICC, ông sẽ bị bắt giữ và sau đó nhà lãnh đạo Nga sẽ được chuyển tới trụ sở của tòa án ở The Hague để xét xử.

Tổng thống Joe Biden nói rằng lệnh bắt ông Putin là "quyết định chính đáng".

Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Nga đều không nằm trong danh sách các nước thành viên của ICC. Moscow coi lệnh bắt của ICC là "vô hiệu".

Đồng thời, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya nói rằng sở dĩ Nga sơ tán các trẻ em khỏi vùng chiến sự Ukraine là để tránh cho các em gặp nguy hiểm trong bối cảnh chiến tranh. Vị Đại sứ khẳng định Moscow sẽ đưa các em trở về quê hương khi tình hình đã an toàn.

Lam Giang tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ nhận định Trung Quốc chưa vượt 'lằn ranh đỏ'