Mỹ - Nhật đồng thuận chống lại tham vọng biển của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật sẽ bao trùm các đảo nhỏ trên Biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono hôm 29/8 cho biết ông thống nhất với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper về chính sách với các vùng biển châu Á. Theo đó, cả hai nước đều phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng các tuyến đường thủy quan trọng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Ông Kono chia sẻ quan điểm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vào thời điểm Hoa Kỳ và Trung Quốc đang đối đầu nhiều vấn đề từ công nghệ, nhân quyền đến các hoạt động quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Một vấn đề trở ngại trong quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật Bản là yêu sách của Bắc Kinh đối với một nhóm các đảo nhỏ ở Biển Hoa Đông do Tokyo kiểm soát.

Ông Kono nói: “Chúng tôi [Mỹ và Nhật] nhất trí rằng cộng đồng quốc tế sẽ phản ứng kiên quyết trước bất kỳ sự thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng ở Biển Đông cũng như Biển Hoa Đông", theo hãng tin Reuters.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đã nói chuyện trực tuyến từ Guam với các phóng viên sau cuộc gặp gỡ với ông Esper.

Ông Kono cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã xác nhận rằng hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật bao trùm các đảo nhỏ trên Biển Hoa Đông, được Nhật Bản gọi là đảo Senkaku và Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư.

Về chính trường Nhật Bản, ông Kono cho biết ông sẽ suy nghĩ kỹ về việc tranh cử trong cuộc bầu cử chọn người kế nhiệm Thủ tướng Shinzo Abe, người mới tuyên bố từ chức vì lý do sức khỏe.

Hoa Kỳ từ lâu đã phản đối yêu sách lãnh thổ bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và thường xuyên cử tàu chiến đi qua tuyến đường thủy chiến lược này.

Cùng ngày, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi các tuyên bố của Bắc Kinh về chủ quyền Biển Đông là "lố bịch" và cho biết ông sẽ gặp Nhật Bản, Ấn Độ và Australia để tăng cường quốc phòng trong khu vực.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với 90% vùng biển giàu năng lượng ở Biển Đông. Vùng biển này cũng là tuyến vận chuyển đường thủy quan trọng với khoảng 3.000 tỷ đô la thương mại đi qua mỗi năm.

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ - Nhật đồng thuận chống lại tham vọng biển của Trung Quốc