Chính phủ Mỹ phân tách Trung Quốc và ĐCSTQ khiến Bắc Kinh lo sợ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong những năm gần đây, các chính trị gia Hoa Kỳ ngày càng phân biệt rõ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với Trung Quốc. Điều này làm cho ĐCSTQ rất lo sợ. Theo truyền thông Pháp, Trung Nam Hải đang gấp rút giải quyết tình huống này, có thể thấy được từ cách biện giải của các kênh truyền thông chính phủ và Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Trong nhiều năm qua, khi các học viên Pháp Luân Công tổ chức các cuộc diễu hành ủng hộ người Trung Quốc thoái đảng, họ thường căng các biểu ngữ như "Trung Cộng không phải là Trung Quốc", "Trời diệt Trung Cộng - Phù hộ Trung Hoa", "Chúng ta là con cháu của Trung Hoa, không phải là hậu duệ của Marx-Lenin", v.v. để truyền tải thông điệp đến người dân thế giới rằng ĐCSTQ không phải là Trung Quốc hay người dân Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, các chính trị gia Hoa Kỳ như Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo... cũng đã bắt đầu vạch ra sự khác biệt giữa ĐCSTQ và người dân Trung Quốc.

Vào cuối tháng 10/2019, tại Viện nghiên cứu Hudson ở New York, ông Pompeo đã có một bài phát biểu nhắm thẳng vào chính quyền ĐCSTQ; đến hôm 8/11 năm đó, trong một hoạt động kỷ niệm 30 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ, ông lại một lần nữa phân tách rạch ròi "ĐCSTQ" với "người dân Trung Quốc" và nhấn mạnh rằng "cuộc xung đột Mỹ - Trung chỉ là xung đột giữa Hoa Kỳ và ĐCSTQ".

Đến năm 2020, ông Pompeo lại càng chú trọng hơn đến sự tách biệt này. Cho dù đó là cuộc gặp với Ngoại trưởng Anh Dominic Raab ở London hồi cuối tháng 1, hay cách đây không lâu khi Ấn Độ cấm các ứng dụng của Trung Quốc, ông đều nhấn mạnh là phải thận trọng với những mối đe dọa đến từ “ĐCSTQ".

Vào ngày 23/7, ông Pompeo đã có bài phát biểu về Trung Quốc tại Thư viện Nixon và ông nói về những quan sát sâu hơn của mình: Hoa Kỳ cuối cùng đã nhận ra rằng, chính sách qua lại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ thực hiện trong hơn 40 năm qua đã thất bại, ĐCSTQ ngược lại còn trở nên độc tài hơn. Hoa Kỳ cuối cùng đã nhận ra rằng, ĐCSTQ không đại diện cho Trung Quốc, và điều khiến Hoa Kỳ lo lắng không phải là Trung Quốc, mà là ĐCSTQ.

Ông Pompeo cũng nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ phải giao thiệp với người dân Trung Quốc. Ông nói rằng ĐCSTQ luôn luôn nói dối. Và lời nói dối lớn nhất của nó là nói rằng ĐCSTQ thay mặt cho 1,4 tỷ người dân đang bị nó giám sát, áp bức mà không dám nói điều gì. Điều này càng chứng minh rằng ĐCSTQ sợ những ý kiến ​​chân thành của người dân Trung Quốc hơn cả sợ những địch thủ ngoại quốc.

Vào ngày 29/7, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) đã đưa ra một lập luận rất dài về vấn đề này. Ông nói: "Cách nói ‘chính sách qua lại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã thất bại' là không đúng sự thực". Lý do là vì quan hệ kinh tế và thương mại Trung - Mỹ đã hỗ trợ 2,6 triệu công việc cho nước Mỹ, hơn 72.500 công ty Mỹ đã đầu tư vào Trung Quốc.

Nhưng ông Uông không nói đến việc Hoa Kỳ cáo buộc ĐCSTQ không tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và trợ cấp xuất khẩu, khiến hàng triệu người Mỹ mất việc, các công ty Mỹ đầu tư vào Trung Quốc buộc phải chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ bị đánh cắp, v.v.

Twitter chính thức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố rằng, chính quyền của ĐCSTQ là một chính quyền theo chủ nghĩa Marx - Lenin. Bà Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying), người phát ngôn của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ biện giải rằng "lập trường chính trị căn bản nhất của một đảng chính trị theo chủ nghĩa Marx là đặt nhân dân lên vị trí hàng đầu".

Nhà bình luận tình hình chính trị đương thời Đông Phương (Dong Fang) nói rằng, ĐCSTQ tự xưng là nước Cộng hòa Nhân dân, tiền tệ được gọi là Nhân dân tệ, tờ báo được gọi là Nhân dân Nhật báo, và chính phủ được gọi là Chính phủ Nhân dân... Nhưng nhân dân là một khái niệm hư cấu, về bản chất là nhà nước của đảng, tiền tệ của đảng, báo chí của đảng, trong khi đó nhân dân chỉ là hạng tầm thường thấp cổ bé họng.

Vào ngày 28/7, Tân Hoa Xã - cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ đã đăng một cuộc trò chuyện giữa Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) và Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Le Drian. Toàn bộ bài viết là lời chỉ trích của ông Vương Nghị về Hoa Kỳ. Và ngay từ đầu, nó đã chĩa mũi nhọn vào cách mà Hoa Kỳ phân biệt ĐCSTQ với người dân Trung Quốc.

Về vấn đề này, tờ RFI nhận xét rằng, ý chính của ông Vương Nghị là Hoa Kỳ không nên cố gắng gây chia rẽ "mối quan hệ gắn bó huyết nhục giữa đảng cầm quyền và nhân dân". Ông Vương khéo léo gọi ĐCSTQ là "đảng cầm quyền", nào ngờ, đảng cầm quyền và đảng đối lập tồn tại song song với nhau, vậy đảng đối lập của ĐCSTQ đang ở đâu, đang trong tù hay trong một chiếc bình hoa? Chế độ độc tài độc đảng của ĐCSTQ không xứng đáng với danh hiệu "đảng cầm quyền".

Bài bình luận chỉ ra rằng, ông Vương Nghị đã sử dụng những từ ngữ gay gắt và tuyên bố rằng ĐCSTQ có "mối quan hệ gắn bó huyết nhục" với người dân, đây là một cách miêu tả về xã hội độc tài và thậm chí là một băng đảng xã hội đen. Giữa một đảng cầm quyền và nhân dân chỉ có thể tồn tại một mối quan hệ tín nhiệm hay không tín nhiệm, chứ không có bất kỳ mối quan hệ máu thịt nào.

Các nhà phân tích cho rằng, những phát ngôn của ông Vương Nghị phản ánh ra tâm lý của nội bộ ĐCSTQ, họ không mong muốn cái cách mà Hoa Kỳ phân tách người dân Trung Quốc và ĐCSTQ. Nếu người dân Trung Quốc tiếp nhận cách nghĩ này, thời đại cúi đầu nhẫn nhục hoặc bị ép chịu đựng sẽ qua đi.

Ông Trần Khuê Đức (Chen Kuide), Chủ tịch điều hành của tổ chức Sáng kiến Trung Quốc Princeton (PCI) tại Hoa Kỳ, cũng nói với Đài Á Châu Tự Do rằng, việc phân biệt ĐCSTQ với người dân Trung Quốc là đánh vào điểm đau của ĐCSTQ, vậy nên ĐCSTQ mới vội vàng trói chặt ĐCSTQ và nhân dân lại với nhau.

Ông nói rằng, chính sách đối với Trung Quốc của chính phủ Hoa Kỳ trong những năm gần đây đều chĩa mũi giáo về phía ĐCSTQ. Có một số người có thể vì vậy mà giữ khoảng cách với ĐCSTQ hoặc thậm chí rời khỏi ĐCSTQ. Điều này làm cho xã hội phân biệt rõ hơn những người dân thường với những người đàn áp và cưỡi lên đầu lên cổ họ. Đây chính là điều mà ĐCSTQ lo sợ.

Đông Phương
Theo NTDTV



BÀI CHỌN LỌC

Chính phủ Mỹ phân tách Trung Quốc và ĐCSTQ khiến Bắc Kinh lo sợ