Mỹ 'sập bẫy' và sự hung hăng của Nga tại Ukraine đều nằm trong 'kế hoạch' của Đảng Cộng sản Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc Trung Quốc chưa bao giờ lên án Nga xâm lược Ukraine như một cách ủng hộ ngầm cuộc chiến tại quốc gia Đông Âu này, có phải nằm trong kế hoạch “lợi dụng” Nga, đẩy Mỹ vào thế căng như dây đàn, khi cùng lúc phải đối phó với cả hai mặt trận Á - Âu, nhằm chuyển dịch trọng tâm chiến lược của Mỹ khỏi Trung Quốc?

Đặc quyền số 1

Theguardian ngày 16/3 đưa tin Lu Yuguang là một trong những phóng viên nước ngoài hiếm hoi duy nhất có mặt trong đoàn quân của Nga.

Lu Yuguang là phóng viên của kênh truyền hình Phượng Hoàng (Phoenix TV) của Trung Quốc. Trong video ông này nói rằng: “Tôi đang ở tuyến đầu Mariupol” và đây cũng là thành phố chiến địa quan trọng mà Nga muốn kiểm soát.

Hơn ba tuần qua, Lu Yuguang đã theo đoàn xe quân sự, phỏng vấn binh sĩ Nga…, và các bản tin của phóng viên này được quyền truy cập chưa từng có vào chiến dịch quân sự của Nga, điều mà truyền thông phương Tây có "nằm mơ" cũng không thể có được.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao phóng viên nước ngoài duy nhất được phép đi theo quân đội của Tổng thống Putin tác nghiệp ngay trên "tuyến đầu" của Nga, lại là một phóng viên của Trung Quốc?

Cần biết rằng, các phóng viên được phép bám sát một đội quân chỉ khi đó là kênh truyền thông thân thiện với quân đội nước đó. Theguardian cho rằng,việc có mặt bất thường của phóng viên này đã làm dấy lên câu hỏi về mức độ hợp tác giữa Moscow và Bắc Kinh”.

Điều cần lưu ý là cho đến tận bây giờ, Trung Quốc không gọi những gì quân đội Nga đang làm tại Ukraine là một “cuộc xâm lược”. Trái ngược với dự đoán của các nhà phân tích phương Tây, rằng mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc chỉ là “cộng sinh”, lợi dụng lẫn nhau. Thực tế, cả hai đã “gây dựng” một mối quan hệ chặt chẽ âm thầm trong một thời gian dài.

Chuẩn bị kỹ càng

20 ngày trước khi Nga bắn tên lửa khởi đầu cuộc xâm lược Ukraine, ngày 4/2/2022, Tổng thống Vladimir Putin được Chủ tịch Tập Cận Bình đón tiếp long trọng tại Bắc Kinh, trong bối cảnh nước chủ nhà Olympic Mùa đông bị phương Tây tẩy chay ngoại giao để lên án chính quyền Bắc Kinh vi phạm nhân quyền.

Ngày hôm ấy, ông Tập khẳng định cuộc hội đàm với Putin sẽ “tiếp sức cho mối quan hệ Nga-Trung đang vững mạnh”. Về phần mình, ông Putin nhận xét Nga và Trung Quốc đạt mức độ quan hệ "chưa từng có", là hình mẫu cho quan hệ song phương tôn trọng và tương hỗ lẫn nhau.

Kết quả của cuộc gặp này là bản thỏa thuận dầu mỏ - khí đốt trị giá 117,5 tỷ USD mà Nga bán cho Trung Quốc. (Nguồn ảnh của Reuters qua Getty Images)

Kết quả của cuộc gặp này là bản thỏa thuận dầu khí trị giá 117,5 tỷ USD mà Nga bán cho Trung Quốc.

Hai bên còn hứa hẹn gì?

Về phía Trung Quốc, nước này ủng hộ Nga khi kêu gọi NATO ngừng mở rộng và từ bỏ "cách tiếp cận Chiến tranh Lạnh". Về phía Nga, “tái khẳng định lập trường ủng hộ nguyên tắc Một Trung Quốc, xác nhận Đài Loan là một bộ phận bất khả xâm phạm của Trung Quốc và phản đối bất kỳ hình thức độc lập nào của Đài Loan".

Nhà bình luận Cheng Xiang chỉ ra rằng, từ "Tuyên bố chung Trung-Nga" được ký một ngày trước khi khai mạc Thế vận hội Mùa đông cho đến cuộc tấn công của Nga vào Ukraine chỉ vỏn vẹn chưa đầy 2 tuần. Điều đó chứng tỏ ĐCSTQ đã đóng một vai trò “đồng phạm” trong vụ Nga xâm lược Ukraine.

Theo ông Cheng Xiang, Tuyên bố chung Trung-Nga có vẻ như đã “chuẩn bị” sẵn phương án giúp Nga đương đầu với hậu quả chiến tranh trên nhiều phương diện.

Điểm mấu chốt trong Tuyên bố chung là hợp đồng mua bán dầu khí được quyết toán bằng đồng Nhân dân tệ và đồng rúp. Điều này rõ ràng là để đối phó với lệnh trục xuất các ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), và giúp Nga “né” được các đòn trừng phạt của phương Tây.

Đương nhiên, cả Nga và Trung Quốc đã có phương án "dự trù" có thể cung cấp một giải pháp thay thế cho SWIFT: Đó chính là Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc, với khoảng 80 tổ chức tài chính thành viên vào cuối năm 2021.

Theo Asiamarkets, “ít nhất 23 ngân hàng của Nga hiện đang kết nối với CIPS”. Nga cũng cắt giảm lượng đô la dự trữ trước khi xâm lược Ukraine và tăng dự trữ đồng nhân dân tệ. Hiện đồng đô la chỉ chiếm khoảng 16% tổng dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga, giảm so với mức 40% trong năm 2017."

Lịch sử lặp lại?

Việc Nga- Trung ký kết bản thỏa thuận dầu khí trị giá 117,5 tỷ USD trước khi Nga xâm lược Ukraine 2 tuần dường như lặp lại kịch bản trong quá khứ.

9 tháng trước khi Nga sáp nhập Crimea của Ukraine vào tháng 3/2014, ngày 24/6/2013, Trung Quốc và Nga đã ký một thỏa thuận dầu khí trị giá 270 tỷ đô la, với việc Nga cung cấp 365 triệu tấn dầu cho Trung Quốc trong vòng 25 năm.

Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu đã hủy hợp tác với các công ty dầu khí của Nga, thì ngược lại, Trung Quốc lại tăng cường hợp tác với Nga và còn khởi công xây dựng đường ống "Siberia"

Sau khi Nga sáp nhập Crimea, các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đã không thực sự hữu dụng, khi Nga đã được ĐCSTQ “tiếp máu” nhiều lần, thể hiện qua những con số dưới đây:

  • Kim ngạch thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc năm 2020 đạt 107,77 tỷ USD, vượt mốc 100 tỷ USD trong 3 năm liên tiếp.
  • Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong 11 năm liên tiếp (2009 - 2020).
  • Nga - Trung đẩy mạnh thanh toán bằng nội tệ, kim ngạch thương mại song phương được thanh toán bằng đồng USD từ gần 90% vào năm 2015 đã giảm xuống còn 51% vào năm 2019.
  • Thúc đẩy xây dựng kết cấu hạ tầng toàn diện gồm: Các đường ống dẫn dầu Đông Siberia - Thái Bình Dương (ESPO); đường ống dẫn khí đốt “Sức mạnh Siberia”; Dự án khí tự nhiên hóa lỏng Yamal (LNG); hệ thống cầu đường sắt Nizhneleninskoye - Tongjiang và cầu cao tốc xuyên biên giới nối thành phố Hắc Hà (miền bắc Trung Quốc) tới Blagoveshchensk (miền Viễn đông nước Nga).

Nga-Trung lợi dụng lẫn nhau?

Vào ngày thứ hai sau khi Nga khai hỏa xâm lược Ukraine, Người phát ngôn Trung Quốc Hoa Xuân Oánh công khai bác bỏ việc quân đội Nga “xâm lược” Ukraine.

Một ngày sau, ngày 25/2, tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc bỏ phiếu trắng lên án việc Nga xâm lược Ukraine.

Didi Kirsten Tatlow, một học giả về Trung Quốc tại Chương trình Châu Á của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức (DGAP) cho biết, việc chính quyền Bắc Kinh bỏ phiếu trắng khiến quan điểm ủng hộ gián tiếp trước đây của họ đối với Moscow trở nên "rõ ràng hơn" bao giờ hết.

Một số nhà bình luận cho rằng, Tổng thống Putin đang lợi dụng, lôi kéo Trung Quốc về “phe” mình trước sự trừng phạt, tẩy chay của thế giới.

Trả lời trước phản ứng cả thế giới đang quay lưng với Nga, ngày 27/2, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova cho biết: “Tất nhiên chúng tôi có họ…., đó là Trung Quốc”.Zakharova viện dẫn tài khoản Twitter của người đồng cấp Trung Quốc Triệu Lập Kiên, khi ông này tweet rằng, Mỹ nên suy nghĩ về vai trò của mình trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Theo giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Thành phố New York, ông Xia Ming, thì cách trả lời này của Bộ Ngoại giao Nga chẳng khác nào đẩy Trung Quốc vào thế phải ra mặt công khai ủng hộ Nga.

Kong Jierong, một chuyên gia về Trung Quốc cũng nhận định, Putin đã đặt Tập Cận Bình vào tình thế khó xử, khiến ĐCSTQ như “cùng thuyền” với Nga và trở nên xấu xí hơn trong mắt thế giới.

Vậy có phải Nga đang lợi dụng Trung Quốc hay ngược lại?

Âm mưu thâm hiểm của ĐCSTQ?

Bà Nina Khrushcheva, cháu gái của cựu Tổng Bí thư Liên Xô Nikita Khrushchev, và là giáo sư về các vấn đề quốc tế tại The New School (New York), tin rằng ĐCSTQ đã lợi dụng Nga.

Trên trang Project Syndicate, bà Khrushcheva đã viết những ý chính rằng:

1. Trong tình trạng phương Tây ngày càng gia tăng thù địch (với Trung Quốc), chính Trung Quốc muốn Nga đứng về phía mình chứ không phải ngược lại.

2. Nga xâm lược Ukraine khiến Putin bị trói buộc, phụ thuộc giống như một chư hầu của Trung Quốc. Putin bị sập bẫy, khi tin rằng quan hệ đối tác với ĐCSTQ sẽ giúp Nga đối đầu với phương Tây.

3. Điều gì có thể tốt hơn cho Trung Quốc khi nền kinh tế Nga bị phương Tây cô lập hoàn toàn? Tất cả khí tự nhiên thay vì chảy về phía Tây (châu Âu) sẽ chảy về phía Đông - nơi Trung Quốc đang khát năng lượng. Nhiều khoáng sản ở Siberia của Nga cần vốn và kỹ thuật của phương Tây giờ sẽ chỉ dành cho Trung Quốc.

4. Trung Quốc sẽ không công khai thách thức Mỹ và bảo vệ Nga, cũng không đầu tư với quy mô cần thiết để hỗ trợ Nga và bù đắp tác động của các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt sau cuộc xâm lược Ukraine của Putin.

5. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ chỉ hỗ trợ ở mức tối thiểu nhất để Nga duy trì thế đối đầu với phương Tây, từ đó chuyển dịch hướng chú ý của phương Tây khỏi thách thức chiến lược của chính Trung Quốc.

Nhà bình luận Hu Ping, Tổng biên tập của tạp chí Mùa xuân Bắc Kinh cùng chung nhận định này khi ông cho biết: “Nga luôn có lợi cho Trung Quốc bất kể thành công hay thất bại ở Ukraine”. Bởi vì trọng tâm của Mỹ sẽ chuyển dịch sang châu Âu, không thể gây áp lực lớn lên Trung Quốc.

Thực tế là nhiều người Mỹ vẫn giữ nhận thức từ thời Chiến tranh Lạnh, chưa nhận ra Trung Quốc chính là đối thủ mà Mỹ phải đối đầu cho tới nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có bài phát biểu trong buổi mít tinh hậu bầu cử vào cuối tuần qua (26/6) ở Ohio, Mỹ. (Scott Olson/Getty Images)
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có bài phát biểu trong buổi mít tinh hậu bầu cử vào ngày 26/6/2021 ở Ohio, Mỹ. (Scott Olson/Getty Images)

Dưới thời các tổng thống trước, Bắc Kinh nhiều lần thể hiện rõ tham vọng không chỉ thay thế Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà còn làm mọi cách để khiến vai trò “cảnh sát quốc tế” của Mỹ suy yếu trên toàn cầu. Từ việc ĐCSTQ tìm cách thống trị Biển Đông, thâu tóm lợi ích thương mại quốc tế, quấy rối Đài Loan… cho đến hạn chế quyền tự trị của người Hồng Kông.

Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã thực hiện hàng loạt chính sách cứng rắn với ĐCSTQ trên nhiều chiến tuyến: Kinh tế, chính trị lẫn quân sự. Vì theo Tổng thống Trump, không thể gọi Trung Quốc bằng một cái tên nào khác ngoài cái tên: “Kẻ thù của nước Mỹ”.

Dưới áp lực của Tổng thống Trump, năm 2019, Ủy ban châu Âu cũng gọi Trung Quốc là một “đối thủ mang tính hệ thống”, và NATO cũng chuyển hướng sang đối phó với thách thức do Trung Quốc đặt ra.

Đến thời chính quyền của Tổng thống Biden vẫn xác định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất”; là “thử thách địa-chính trị lớn nhất trong thế kỷ 21”, bởi “Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới với sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ có thể thách thức nghiêm trọng tới hệ thống quốc tế rộng mở và ổn định”.

Việc Trung Quốc không lên án Nga xâm lược Ukraine như một cách ủng hộ ngầm cuộc chiến tại quốc gia Đông Âu này, có phải nằm trong kế hoạch “lợi dụng” Nga, để đẩy Mỹ vào thế dàn trải trọng tâm chiến lược ở cả hai mặt trận Á-Âu, và bị phân tán sức lực nhằm đối phó Trung Quốc.

Thực tế cho thấy, Mỹ và NATO đang dồn sức tập trung vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine, đồng thời ồ ạt viện trợ quân sự cho nước này và các quốc gia láng giềng sát cạnh.

Cuộc xâm lược Ukraina do Nga tiến hành đã thúc đẩy một NATO trong "trạng thái chết não" như cách nói ví von của Tổng thống Pháp năm 2019, trở nên đoàn kết hơn bao giờ hết. Nhiều thành viên trong khối NATO đã gửi trang thiết bị quân sự cho Ukraine.

Cũng lần đầu tiên trong lịch sử, khối liên minh quân sự lớn nhất hành tinh này đã kích hoạt "Lực lượng phản ứng nhanh" tại các nước thành viên sát cạnh Ukraina, trong khuôn khổ điều khoản thứ 5 của Hiệp ước phòng thủ chung.

Tuy nhiên, tất cả những điều đó cũng không che giấu sự “thận trọng”, hay nói rõ hơn là sự bối rối trong cách ứng phó của Mỹ và NATO trước hành động leo thang quân sự của Nga tại Ukraine.

Đương nhiên cả Nga và Trung Quốc đều cảm thấy cơ hội có thể thay đổi “cuộc chơi” từ sự suy giảm vị thế sức mạnh của nước Mỹ, mà trên hết là sự yếu mềm trong cách xử lý của chính quyền Joe Biden trước các cuộc khủng hoảng từ Afganistan cho tới các vấn đề xã hội trong lòng nước Mỹ.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của ntdvn.net

Xuân Trường

Tham khảo:
[1] - https://www.theguardian.com/world/video/2022/mar/16/im-on-the-frontline-in-mariupol-the-chinese-reporter-embedded-within-russian-troops-video
[2] - https://www.themoscowtimes.com/2013/06/24/rosnefts-chinese-oil-card-a25224
[3] - https://www-asiamarkets-com.translate.goog/swift-alternative-china-can-provide-reprieve-from-financial-nuclear-option/?_x_tr_sl=en&_x_tr_tl=vi&_x_tr_hl=vi&_x_tr_pto=sc
[4] - https://www-project--syndicate-org.translate.goog/commentary/china-will-turn-russia-into-a-vassal-state-by-nina-l-khrushcheva-2022-02?_x_tr_sl=en&_x_tr_tl=vi&_x_tr_hl=vi&_x_tr_pto=sc
[5] - https://www.newsweek.com/outcast-russia-insists-still-friends-points-china-support-1683083
[6] - https://www.rt.com/news/552290-ukraine-conflict-china-washington-russia/
[7] - https://www.secretchina.com/news/gb/2022/03/21/1001088.html
[8] - https://www.secretchina.com/news/gb/2022/03/21/1001143.html



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ 'sập bẫy' và sự hung hăng của Nga tại Ukraine đều nằm trong 'kế hoạch' của Đảng Cộng sản Trung Quốc?